Thành phố Kon Tum: Tiểu thương vô chợ, “trả” vỉa hè

06/06/2018 13:05

Thời gian qua, UBND thành phố có chủ trương sắp xếp lại các chợ, xây dựng thêm chợ tạm 16/3, đảm bảo nơi buôn bán cho người dân. Được tạo điều kiện thuận lợi, nhiều hộ dân vào chợ tạm kinh doanh, dần xóa tình trạng buôn bán bát nháo, lộn xộn trên vỉa hè các tuyến đường.

Dựng thêm chợ tạm

Những năm qua, việc phân bổ diện tích, sắp xếp vị trí buôn bán kinh doanh… tại chợ Trung tâm thương mại thành phố chưa hợp lý nên nhiều tiểu thương đã tự chuyển ra buôn bán dưới lòng lề đường.

Cùng với đó, việc quản lý thiếu kiên quyết dẫn đến hiện trạng các tuyến đường xung quanh chợ Trung tâm thương mại dần bị “bủa vây” bởi các sạp hàng, quầy hàng, gây mất mỹ quan đô thị, không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng trên, từ đầu năm 2018, UBND thành phố cũng như Ban Quản lý chợ đã đưa ra nhiều giải pháp sắp xếp lại các chợ trên địa bàn, tạo điều kiện cho bà con buôn bán, đồng thời lập lại trật tự đô thị.

Hiện nay hơn 50% các sạp hàng tại chợ tạm 163 đã có người buôn bán. Ảnh:B.A

 

Như tại chợ Võ Lâm, được vận động, người dân tự bỏ tiền ra đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng mái vòm, nền, công trình phụ trợ..., bố trí hơn 50 gian hàng ổn định. “Chúng tôi cũng dự toán đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng để làm chợ tạm 16/3, tạo điều kiện để bà con buôn bán” – ông Cao Quang Vinh – Trưởng Ban Quản lý chợ thành phố Kon Tum cho biết.

Từ đầu tháng 5/2018, qua việc sắp xếp, bố trí, chợ tạm 16/3 được đưa vào hoạt động với 169 sạp hàng. Đến nay, đã có 19/40 lô được đấu thầu; 90/129 lô được bốc thăm. “Sắp đến, chúng tôi vẫn tiếp tục vận động người dân còn buôn bán ngoài vỉa hè, lề đường vô chợ. Chúng tôi luôn lắng nghe ý kiến của các hộ kinh doanh để giải quyết mọi việc hợp lý” – ông Vinh cho hay.

Bên cạnh việc sắp xếp, xây dựng chợ, để thu hút người dân vô chợ mua bán, Ban Quản lý chợ đã tổ chức giữ xe miễn phí trong vòng 3 tháng đầu và có các hình thức hỗ trợ người kinh doanh.

Trước đây, cô Nguyễn Thị Hoa thường bán trái cây tại góc giao nhau giữa đường Lê Hồng Phong và Ngô Quyền. Khi có chợ tạm 16/3, được vận động, cô liền đăng ký vào chợ, đấu giá 1 lô với giá 13,8 triệu đồng/3 năm. “Vô chợ buôn bán ổn định hơn, không phải “chạy chợ”. Hơn nữa, có nhà lồng, không sợ mưa, sợ nắng” – cô Hoa cho biết.

Chợ tạm đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn thành phố phấn khởi khi tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Ngô Quyền không còn cảnh người chen lấn bán trên các vỉa hè, gây ách tắc giao thông; không còn cảnh nước thải của các hộ bán cá tràn lan đầy đường, gây mất vệ sinh.

“Chợ sạch sẽ, gọn gàng, có chỗ giữ xe rộng rãi nên đi chợ rất thoải mái. Cả tháng nay, ngày nào tôi cũng đi chợ tạm từ 1-2 lần” – chị Yến – hộ dân sinh sống tại phường Quyết Thắng chia sẻ.

Vẫn lắm băn khoăn

Bên cạnh những niềm vui khi vào chợ mới, các hộ kinh doanh vẫn còn nhiều băn khoăn.

“Tôi bốc thăm 1 lô với giá 16 triệu đồng/3 năm, có chỗ buôn bán, không sợ nắng, mưa nên cũng mừng. Nhưng vào đây bán ế ẩm quá. Ngày trước bán trước đường Hoàng Văn Thụ, một ngày tôi bán được hơn 1 triệu tiền hàng, nay chỉ bán được vài trăm ngàn, có hôm chỉ được vài chục ngàn. Bán buôn như thế này, chúng tôi khó đủ vốn để mua hàng” – cô Trần Thị Đường, hộ kinh doanh hàng khô cho biết.

Ban Quản lý chợ giữ xe miễn phí trong 3 tháng đầu để thu hút người dân vào chợ. Ảnh: B.A

 

Tương tự cô Đường, hầu như các hộ dân buôn bán trong chợ tạm đều than ế ẩm. “Buổi chiều còn có người đi chợ chứ buổi sáng chợ vắng lắm. Cả ngày ngồi chóc ngóc, không có ai mua” – cô Hoa than vãn.

Theo lời các hộ kinh doanh nơi đây, nguyên nhân bán ế ẩm do vẫn còn nhiều người buôn bán ngoài đường. Nhất là khu vực chợ đêm hoạt động quá giờ quy định.

“Người dân đi ngang qua, tiện chân tạt xuống đường mua nên không vô chợ. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng phải làm quyết liệt, để chợ đêm hoạt động đến đúng 6h sáng rồi ngưng thì chúng tôi mới có cơ hội buôn bán”- cô Hoa nói.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Mân – Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, trong thời gian đến, UBND thành phố, các xã, phường tiếp tục duy trì thường xuyên công tác quản lý, xử lý vi phạm trật tự đô thị. Đặc biệt xử lý các hành vi vi phạm nhóm họp chợ trái phép, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường làm nơi kinh doanh, mua bán. Nơi nào để xảy ra vi phạm trật tự đô thị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND các xã, phường phải tổ chức xử lý, nếu không làm hiệu quả phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố.

Cùng với đó, hiện nay, UBND thành phố đã giao UBND phường Quyết Thắng, Ban Quản lý chợ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh, buôn bán tại khu vực chợ đêm (chợ đầu mối) chỉ được buôn bán tối đa đến 6h sáng hàng ngày.

“Đến ngày 15/6/2018, nếu các hộ không chấp hành theo giờ quy định thì lực lượng chức năng của UBND thành phố, UBND phường Quyết Thắng, Ban Quản lý chợ kiên quyết xử lý” – ông Mân khẳng định.

Ngoài ra, trước những ý kiến của bà con: chợ tạm còn nóng, vệ sinh môi trường chưa đảm bảo…, ông Cao Quang Vinh khẳng định, sắp đến sẽ lợp tấm chống nóng cho 2 nhà lồng; làm mái che phía trước sân, tạo điều kiện tốt nhất cho bà con mua bán.

Bên cạnh việc xây dựng chợ tạm 16/3, hiện nay UBND thành phố đang triển khai kế hoạch kêu gọi đầu tư mới chợ phía nam thành phố (chợ đầu mối), chợ tại đường Đào Duy Từ thuộc phường Thắng Lợi; chợ phường Quang Trung và các chợ tại các xã, phường vùng ven trên địa bàn thành phố.

“Thực hiện các nội dung về quy hoạch, sắp xếp đầu tư mới các chợ trong thời gian đến sẽ đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân. Chúng tôi hi vọng, có chỗ buôn bán ổn định, người dân sẽ nghiêm chỉnh chấp hành, đảm bảo trật tự đô thị” – ông Mân cho hay.

Bình An

Chuyên mục khác