Thành phố Kon Tum: Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới đánh giá chất lượng học sinh tiểu học

13/05/2018 07:14

Sau gần 2 năm thực hiện việc đổi mới cách đánh giá chất lượng học sinh bậc tiểu học, ngành Giáo dục thành phố Kon Tum đã xóa bỏ dần “khoảng cách” giữa nhà trường, giáo viên với học sinh và phụ huynh... Qua đó tạo điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, hạn chế bệnh thành tích.

Năm 2017 – 2018, thành phố Kon Tum có 16.268 học sinh bậc tiểu học của 34 trường trên địa bàn. Hiện nay, học sinh các trường bắt đầu bước vào kỳ kiểm tra, đánh giá, xếp loại cuối năm.

Nhìn lại quá trình gần 2 năm học áp dụng phương pháp đánh giá chất lượng học sinh theo Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT ngày 22/9/2016, bà Lê Thị Bích Thảo – Phó phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum khẳng định: Thông tư 22 ra đời được xem như đã “cởi bỏ” “nút thắt” cho giáo viên, phụ huynh, học sinh và cả các nhà quản lý giáo dục về đánh giá học sinh tiểu học. Hiện nay, việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh được tính theo 3 mức là hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành; về năng lực phẩm chất cũng có 3 mức là tốt, đạt và cần cố gắng. Trong đánh giá có đánh giá thường xuyên và đánh giá định kì. Theo cách đánh giá mới này cho phép giáo viên, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển về năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tốt, khắc phục hạn chế để các em ngày một tiến bộ hơn... Bên cạnh đó, mỗi học sinh cũng sẽ tự nhận ra mình có điểm mạnh gì, thiếu hụt những gì về kiến thức kĩ năng để cố gắng phấn đấu ngày càng tốt hơn.

Quan điểm mà ngành Giáo dục thành phố Kon Tum đề ra là lấy học sinh làm trung tâm, việc đánh giá trước hết phải vì sự tiến bộ của học sinh, giúp học sinh nhận ra mình đang ở đâu trên con đường đạt tới mục tiêu bài học, chuẩn kiến thức kỹ năng. Đánh giá không làm cho học sinh lo sợ, bị thương tổn, mất tự tin mà cảm thấy hứng khởi.

Qua thực tế cho thấy, ở nhiều trường, giáo viên đã khá linh hoạt trong vận dụng các hình thức đánh giá như đánh giá bằng cách quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số phẩm chất của học sinh. Những hình thức đánh giá như thế này đã được các trường tổ chức thành chuyên đề khá thường xuyên giúp giáo viên thêm kỹ năng và kinh nghiệm xây dựng bộ câu hỏi, các tình huống kiểm tra, đánh giá.

Cũng theo bà Lê Thị Bích Thảo, từ khi thực hiện đổi mới trong cách đánh giá học sinh bậc tiểu học, trong một tiết học số lượng học sinh được nhận xét nhiều hơn. Theo cách đánh giá mới hiện nay không có sự phân biệt học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu nên học sinh không bị mặc cảm, áp lực về điểm số, nhất là với những học sinh có sức học chậm không bị áp lực, tự ti; đồng thời, việc nhận xét còn giúp khích lệ và động viên, giúp các em có hướng phấn đấu, vươn lên trong học tập.

Không chỉ đối với các nhà trường, mà với mỗi phụ huynh có con học tiểu học, việc đánh giá học sinh xếp làm 3 mức hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành cũng giúp cha mẹ học sinh nhận rõ hơn con mình đang ở mức nào. Bởi  tâm lý chung của cha mẹ luôn hết sức quan tâm đến thành quả học tập, rèn luyện của các con sau một năm học, do vậy, với những đánh giá toàn diện về học tập, đạo đức, kỹ năng; mỗi bậc phụ huynh sẽ thấy được những ưu điểm, hạn chế của con mình để có sự hỗ trợ, giúp đỡ cho con ngày càng tiến bộ.  

Một nội dung quan trọng trong việc kiểm tra đánh giá là hoạt động khen thưởng. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã thống nhất các trường sử dụng câu chữ trong viết giấy khen cuối năm học để không còn quá nhiều ngôn từ khác nhau trong giấy khen giữa các trường như năm trước đây.

Việc thực hiện tốt đổi mới đánh giá chất lượng học sinh đã giúp hạn chế bệnh thành tích

 

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng - Bùi Thị Chí Linh chia sẻ: Việc khen thưởng học sinh hiện nay được quy định rất chi tiết và rõ ràng. Thay vì khen thưởng chung chung như trước đây gây khó khăn cho giáo viên cũng như các nhà quản lý giáo dục thì theo cách đánh giá mới những tiêu chí rất cụ thể, rõ ràng. Điều này giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục. Phụ huynh cũng hiểu đúng năng lực thực sự mà con em mình đạt được. 

Kết quả năm học 2016-2017, chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố tiếp tục được nâng lên và duy trì vững chắc, thể hiện ở kết quả đánh giá định kỳ cuối năm học. Ở các môn học, tỷ lệ học sinh được đánh giá hoàn thành tốt đạt từ 49% trở lên, tỷ lệ học sinh hoàn thành đạt từ hơn 40% trở lên, tỷ lệ học sinh chưa hoàn thành ở mức 1% trở xuống (tùy theo các môn học).

Kết quả đánh giá về năng lực, phẩm chất, có từ 60% học sinh trở lên đạt mức tốt, có từ trên 31 đến gần 40% đánh giá ở mức đạt (tùy theo từng phẩm chất, năng lực được đánh giá), chỉ có một phần rất nhỏ học sinh được đánh giá ở mức cần cố gắng.

Những kết quả này là cơ sở, tiền đề để ngành Giáo dục thành phố Kon Tum tiếp tục thực hiện tốt Thông tư 22 của Bộ GD&ĐT trong năm học này và các năm học tiếp theo.

Có thể nói, sau gần 2 năm thực hiện việc đổi mới trong cách đánh giá chất lượng học sinh bậc tiểu học, chất lượng dạy và học trên địa bàn thành phố Kon Tum tiếp tục được nâng lên, đặc biệt, thành phố đã thực hiện tốt mục tiêu tất cả vì sự tiến bộ của học sinh.Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, hạn chế được bệnh thành tích trong giáo dục.

Thiên Hương

Chuyên mục khác