Thành phố Kon Tum: Thiếu lớp học, trẻ phải ở nhà

07/02/2018 07:12

Không đủ lớp học, nên dù trong độ tuổi ra lớp nhưng nhiều cháu mầm non trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn phải ở nhà.

7.697 cháu chưa được ra lớp

Đầu năm học 2016-2017, chị Y Xuăk, làng Kon Rờ Bàng 1 (xã Vinh Quang) đến điểm trường trong mầm non trong thôn xin cho con gái 3 tuổi đi học nhưng bị từ chối vì nguyên nhân: trường ưu tiên nhận trẻ từ 4-5 tuổi.

“Không riêng mình, xin cho con đi học không được, nhiều chị trong thôn có con 3 tuổi cũng phải để ở nhà” – chị Xuăk nói.

Năm 2016, chị Lê Thị Thắm ở thôn Trung Thành đành phải để con gái 3 tuổi ở nhà vì trường không nhận. Chị Thắm nói rằng, ở những nơi khác, trẻ 3 tuổi đã được đến trường nhưng ở đây, vì thiếu lớp học nên các cô chỉ nhận các cháu 4 tuổi trở lên. Xin cho con ra lớp không được, chị phải ở nhà để giữ con.

Thiếu phòng, Trường Mầm non Bằng Lăng ưu tiên nhận trẻ 4-5 tuổi

 

Xã Vinh Quang hiện có hơn 1.000 trẻ em dưới 5 tuổi. Trong đó, có 150 trẻ em từ 3-4 tuổi chưa được đến lớp. “Trên địa bàn xã chỉ có 1 điểm Mầm non tư thục Phương Nam và 1 trường công lập Mầm non Bằng Lăng với 5 điểm trường tại các thôn. Trường Mầm non Bằng Lăng thiếu đến 5 phòng học nên xã và nhà trường có định hướng ưu tiên cho trẻ em từ 4-5 tuổi ra lớp” – chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Quang cho biết.

Ngoài 2 trường tư thục và các điểm, nhóm giữ trẻ, đến nay phường Trường Chinh chưa có trường mầm non công lập. Chính vì vậy, hầu hết người dân trên địa bàn phường phải đi gởi con ở các điểm trường của xã Đăk Blà, Duy Tân…

“Không có điều kiện gởi các trường tư thục, bà con phải chấp nhận đi xa, gởi con ở các điểm trường, trường thuộc các xã, phường lân cận. Không chỉ khó khăn về đường đi, các trường ở xã, phường khác ưu tiên nhận trẻ có hộ khẩu tại địa bàn nên đôi khi việc xin cho trẻ đi học cũng nhiêu khê. Vì vậy, dù con đã đến tuổi ra lớp nhưng nhiều phụ huynh đành chấp nhận cho con ở nhà” – anh A Đưa -  Phó Chủ tịch UBND phường Trường Chinh cho biết.

Theo số liệu của Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 20 trường mầm non công lập/ 21 xã, phường. Với 211 lớp, các trường đã huy động được 6.106 cháu/13.803 cháu trong độ tuổi ra lớp.

“Hiện tại còn 7.697 cháu chưa được ra lớp. Để đảm bảo cho tất cả các cháu được ra lớp cần có 302 phòng học và 728 giáo viên theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/3/2015 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ Nội vụ) – cô Lê Thị Bích Thảo - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết. 

Biết khó nhưng… bó tay

Con 4 tuổi nhưng trường thiếu lớp nên chị Y Trích ở làng Kon Rờ Bàng 1, xã Vinh Quang phải để ở nhà. “Nhiều lúc mình phải đưa con lên rẫy hoặc nghỉ làm ở nhà để giữ. Mình muốn có trường, có lớp để con đi học, mạnh dạn giao tiếp” – chị Trích nói.

Hay như chị Phạm Thanh Nguyên ở thôn Trung Thành, vì thiếu lớp nên con chị - 4 tuổi đành phải ở nhà. Chị cho biết: Xuống thành phố cũng có trường nhưng chở đi xa quá nên tôi để ở nhà. 4 tuổi chưa được đi học, sợ cháu không bắt nhịp kịp tôi tự dạy cháu làm quen với các hoạt động, các con chữ…

Cô Nguyễn Thị Phúc Tiệp – Hiệu trưởng Trường mầm non Bằng Lăng chia sẻ, 3 tuổi là thời điểm kỹ năng giao tiếp của bé phát triển. Nhất là các cháu người DTTS, việc đến lớp sẽ giúp các cháu làm quen với tiếng Việt, phát triển ngôn ngữ cũng như nắm bắt các hoạt động dễ dàng hơn.

“Thiếu lớp gây khó khăn cho cả nhà trường và phụ huynh. 4-5 tuổi trẻ mới vào lớp, giáo viên rất khó khăn vì phải dạy lại các hoạt động mầm non. Đầu năm, nhà trường cũng hay bị các phụ huynh trách móc vì không nhận cháu, nhưng thiếu lớp, trường không có cách nào khác. Nhà trường cũng muốn có đủ phòng, đủ lớp để đảm bảo, tuy nhiên, việc xã hội hóa chỉ đủ để sửa chữa, không đủ để xây dựng phòng mới” – cô Tiệp nói.

Ở phường không có trường mầm non công lập nên hàng ngày, cũng như nhiều hộ dân trong thôn Kon Sơ Lam 1, anh A Đưa phải chở con qua tít Trường Mầm non Nắng Hồng tại xã Đăk Blà để gởi. Hay như chị Nguyễn Thị Ánh Thy, mỗi ngày phải chạy hơn 7km đến đường Ngô Quyền để gởi con.

“Thực tế trên địa bàn phường quá khó khăn, các doanh nghiệp lại nhỏ lẻ, việc kêu gọi xã hội hóa để xây trường là không thể. Bởi vậy, dù khó nhưng phường cũng chịu” – anh Đưa nói.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum - Lê Thị Bích Thảo cho biết: Trước thực trạng trên, Phòng sẽ tiếp tục tập trung xã hội hóa giáo dục mầm non. Chúng tôi khuyến khích người dân có điều kiện mở trường, mở lớp tư thục để đáp ứng nhu cầu gởi trẻ của người dân trên địa bàn thành phố.

Bình An – Tất Thành 

Chuyên mục khác