13/07/2020 13:01
Trước đó, khi nghe loáng thoáng về chuyện những trang thiết bị y tế hiện đại do trên cấp về được cất kín… trong nhà kho của một số trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố Kon Tum, tôi đã cho rằng đó là “tin vịt”. Nhưng những gì tận mắt chứng kiến đã cho thấy một thực tế đáng buồn.
Dù là bạn bè khá thân thiết, nhưng chỉ sau khi tôi cam kết không chụp ảnh, không đưa tên, anh cán bộ trạm y tế xã nọ mới đồng ý cho tôi “tham quan” máy siêu âm hiện đại đang được cất trong phòng. "Ông thông cảm. Tôi phải làm như vậy để tránh những phiền phức không đáng có"- anh phân bua.
Anh cho biết, trạm y tế xã nhận máy siêu âm đã được mấy năm nay, do Sở Y tế trực tiếp cấp về chứ không phải do đơn vị mua sắm. "Máy nhận rồi. Cán bộ chuyên môn đã qua đào tạo (được cấp chứng chỉ hành nghề) cũng đã có rồi. Nhưng đến nay vẫn chưa triển khai áp dụng vào khâu khám chữa bệnh được. Ngay cả chúng tôi cũng thấy là lãng phí vô cùng"- anh tiết lộ.
Theo anh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng tựu trung lại, có thể là do hạn chế về trình độ sử dụng; việc cấp trang thiết bị chưa sát đúng với nhu cầu thực tế; đào tạo cán bộ kỹ thuật chưa phù hợp với trang thiết bị được cấp, hoặc không nằm trong danh mục thanh toán bảo hiểm khi khám, chữa bệnh...
Điều đáng nói là sự lãng phí ấy không chỉ tồn tại ở trạm y tế xã nọ. Nhằm tránh tình trạng quá tải trong khám, chữa bệnh cho các cơ sở y tế tuyến trên, trong nhiều năm qua, các trạm y tế xã, phường trên địa bàn đã được trang bị một số thiết bị nhập từ nước ngoài khá hiện đại. Tuy nhiên, tần suất sử dụng các thiết bị này đang rất "khiêm tốn", thậm chí chưa từng đưa vào sử dụng.
|
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Kon Tum, tại nhiều trạm y tế có khá nhiều loại trang thiết bị y tế đã được cấp từ lâu, nhưng tới nay vẫn chưa đưa vào sử dụng, hoặc sử dụng ít, thiếu hiệu quả.
Đơn cử, như Trạm y tế xã Đăk Blà được cấp máy siêu âm chuẩn đoán xách tay hiệu Mindray, có xuất xứ Trung Quốc từ năm 2014 nhưng chỉ sử dụng được vài ba lần trong năm. Trạm y tế xã Ia Chim được cấp máy điện tim, giác hơi, điện châm, xét nghiệm nước tiểu, nhưng số lần sử dụng cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Trong khi đó, Trạm y tế xã Kroong được trang bị 2 máy điện tim 3 kênh, 2 máy siêu âm 3 kênh, máy châm cứu, máy khí dung, có cán bộ chuyên môn đã qua đào tạo (có chứng nhận) nhưng chưa triển khai phục vụ khám chữa bệnh. Trạm y tế phường Duy Tân nhận máy siêu âm từ năm 2014 về cũng chưa sử dụng.
Hàng loạt trạm y tế khác, như Đăk Rơ Wa, Ia Chim, Vinh Quang, Kroong, Trường Chinh, Vinh Quang, Đoàn Kết, Hòa Bình cũng nhận trang thiết bị do Sở Y tế cấp về rồi… cất trong kho, trong đó có nhiều trang thiết bị y tế có giá trị cao như máy đo điện tim, máy siêu âm trắng đen...
Trong khi đó, một số trạm y tế có cán bộ kỹ thuật đã qua đào tạo (có chứng nhận) nhưng chưa có trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ, như Thống Nhất, Đăk Cấm, Đoàn Kết, Ngô Mây, Đăk Năng (cán bộ có chứng nhận đào tạo về siêu âm); Chư Hreng (cán bộ có chứng nhận đào tạo về điện tim, răng-hàm-mặt); Trần Hưng Đạo, Ngok Bay (cán bộ có chứng nhận đào tạo về siêu âm và điện tim).
Tháng 4/2020, Thanh tra thành phố Kon Tum đã tiến hành đợt thanh tra chuyên đề diện rộng về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh và mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại Trung tâm y tế thành phố Kon Tum và các trạm y tế trực thuộc.
Theo kết quả thanh tra, từ năm 2014 đến tháng 9/2019, Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum không thực hiện mua sắm trang thiết bị y tế. Các trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, dịch vụ kỹ thuật đều do Sở Y tế mua tập trung và bàn giao trực tiếp cho trạm y tế xã, phường quản lý, sử dụng, trong đó có nhiều trang thiết bị y tế hiện đại, có giá trị cao.
Tuy nhiên ngoại trừ 2 trạm y tế phường là Quyết Thắng và Quang Trung đã triển khai đưa máy móc được trang bị, kỹ thuật viên được đào tạo vào khâu khám chữa bệnh có hiệu quả thì hàng loạt trạm y tế xã, phường chưa đưa trang thiết bị được cấp vào sử dụng, hoặc có sử dụng nhưng hiệu quả chưa cao, chưa hết công năng. Đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật đã được đào tạo (có giấy chứng nhận) nhưng chưa bố trí phù hợp với trang thiết bị y tế hiện có; nhiều trạm y tế có trang thiết bị, có cán bộ kỹ thuật nhưng chưa triển khai các dịch vụ kỹ thuật- kết luận thanh tra nêu rõ.
Vì vậy, Thanh tra thành phố Kon Tum đề nghị Trung tâm Y tế thành phố có kế hoạch tập huấn, hướng dẫn các y, bác sỹ tại các trạm y tế sử dụng trang thiết bị y tế hiện có; bố trí cán bộ chuyên môn đã có chứng nhận phù hợp với trang thiết bị y tế được cấp để đưa vào sử dụng, khai thác hiệu quả, phát huy công năng trong khám chữa bệnh cho nhân dân.
Thiết nghĩ, để khắc phục tình trạng lãng phí trong đầu tư mua sắm và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại tuyến cơ sở như hiện nay, ngành Y tế tỉnh nói chung, thành phố Kon Tum nói riêng cần quan tâm đến công tác đào tạo cho các y, bác sỹ ở trạm y tế xã, tiến tới tất cả đều có chứng chỉ để sử dụng được các loại máy móc này; điều tiết bác sĩ có chuyên môn cho những trạm y tế có máy siêu âm và điện tim đã được cấp; khảo sát, bố trí lại trang thiết bị sử dụng chưa hiệu quả ở các tuyến; tổ chức lại khâu đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; đầu tư hoàn thiện trang thiết bị y tế theo nguyên tắc ưu tiên nơi cần và có đủ nhân lực.
Và như vậy, tôi tin rằng sẽ không còn phải nghe lại câu chuyện buồn về chiếc máy siêu âm bị "đắp chiếu" ở trạm y tế xã nọ.
Thành Hưng