Thành phố Kon Tum: Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu

26/07/2020 06:03

Thành phố Kon Tum là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh đang xảy ra dịch bệnh bạch hầu. Nhằm kiểm soát tốt tình hình, không để bệnh bạch hầu lây lan ra diện rộng, ngành Y tế và chính quyền xã, phường của thành phố Kon Tum triển khai nhiều biện pháp cụ thể.

Bác sĩ Bùi Trọng Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: Từ đầu năm đến hết ngày 16/7, trên địa bàn thành phố Kon Tum ghi nhận 2 trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca bệnh và 1 ca là người lành mang trùng. Hiện tại, ngành Y tế thành phố phối hợp với các địa phương tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh. Nhìn chung, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang được kiểm soát hiệu quả. Tuy nhiên, với tinh thần không lơ là, chủ quan, ngành Y tế và các cấp, các ngành, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh, những trường hợp nghi ngờ và có tiếp xúc gần với bệnh nhân xác định mắc bệnh bạch hầu. Các trường hợp có  nghi ngờ, người tiếp xúc gần với bệnh nhân được cấp kháng sinh điều trị dự phòng.

Đến nay, Trung tâm Y tế thành phố  Kon Tum đã cấp tổng cộng 25.920 viên thuốc kháng sinh Erythromycin cho 2.735 người có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu cao. Trung tâm cũng tổ chức phun hóa chất Cloramin B tại tất cả các ổ dịch bạch hầu và tại nơi bệnh nhân sinh sống, học tập, làm việc theo quy định của Bộ Y tế và tại 786 hộ gia đình.

Ngành Y tế thành phố phun thuốc tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Ảnh: Hoàng Lộc

 

Ngành Y tế thành phố Kon Tum cũng đã tổ chức tốt công tác tiêm chủng, đảm bảo ít nhất 2 lần/tháng trên địa bàn 21/21 đơn vị xã phường của thành phố Kon Tum, duy trì tỷ lệ tiêm chủng trẻ em dưới 1 tuổi đạt 97% quy mô cấp xã; tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ từ 2-12 tháng tuổi; tiêm vắc xin DPT4 cho trẻ từ 18-48 tháng tuổi tại các xã phường trên địa bàn. Công tác truyền thông trực tiếp tại trường học cho các thầy cô giáo, học sinh, hộ gia đình có ca bệnh và các hộ gia đình xung quanh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh này cũng được chú trọng.

Theo đánh giá của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu của thành phố Kon Tum còn vấp phải một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Đó là việc triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh sẽ kéo dài bởi dân số trên địa bàn đông mà nguồn nhân lực y tế trên địa bàn có hạn, đây chính là “khoảng trống” có thể làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và gây khó khăn trong việc khống chế, kiểm soát dịch bệnh.

“Tăng cường hơn nữa công tác quản lý, giám sát tình hình dịch bệnh trên địa bàn các xã phường; đẩy mạnh việc truyền thông giáo dục sức khỏe; ngành Y tế triển khai tốt Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu, đặc biệt là cho các đối tượng từ 49 tháng tuổi trở lên tại các xã có ca bệnh để tạo hệ miễn dịch cao trong cộng đồng là những giải pháp mà ngành Y tế thành phố Kon Tum phối hợp với chính quyền các địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện với hy vọng kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bach hầu, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng” - bác sĩ Bùi Trọng Trí khẳng định. 

Hoàng Lộc

Chuyên mục khác