Thành phố Kon Tum: Quyết tâm bê tông hóa các tuyến đường đất, hẻm

14/07/2017 13:28

Trong hai ngày (10-11/7) diễn ra kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố Kon Tum vừa qua, nội dung trọng tâm được các đại biểu dân cử quan tâm thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến và thống nhất cao là việc ban hành chương trình hỗ trợ nguyên vật liệu để thực hiện bê tông hóa một số tuyến đường tại các phường trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2017-2020.

Dẫn chứng về hiện trạng các tuyến đường trên địa bàn 10 phường nội thành, ông Huỳnh Tấn Phục - Chủ tịch UBND thành phố phát biểu: Các năm gần đây dù địa phương đã có nhiều nỗ lực, tuy nhiên nguồn lực còn hạn chế nên cơ sở hạ tầng trên địa bàn chưa được đầu tư đồng bộ. Tính hết năm 2016, tổng số các tuyến đường nội thành đã được đầu tư 129,629km/199,58 km, số còn lại chưa được đầu tư 69,651km. Trong khi đó, nhiều buổi tiếp xúc cử tri, các cuộc họp chính quyền cơ sở, họp thôn, làng, bà con dân đều ca thán không ít tuyến đường giao thông là đường đất, đường hẻm nội thành chưa được đầu tư xây dựng gây không ít khó khăn trong việc đi lại, lưu chuyển hàng hóa, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Huỳnh Tấn Phục còn đánh giá, giai đoạn 2011 - 2016, thực hiện bê tông hóa các tuyến đường hẻm nội thành với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngân sách đã hỗ trợ 7,94/10,14 tỷ đồng cho các phường đầu tư 56 ngõ, hẻm với tổng chiều dài 11,412km và nhân dân hiến đất, góp công lao động và tiền mặt tổng trị giá 2,2 tỷ đồng. Những nỗ lực chung này đã tạo cho thành phố có hệ thống đường giao thông nội thành thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, vì nguồn lực địa phương có hạn, nên hiện tại các phường nội thành vẫn có rất nhiều tuyến đường chưa được đầu tư, nhất là khu vực các phường vùng ven mới được thành lập. Hiện tại, UBND các phường đã đăng ký giai đoạn 2017-2020 dự kiến bê tông hóa 200 tuyến đường, với tổng chiều dài khoảng 60,589km. Trong đó, ưu tiên đầu tư những tuyến đường có nhu cầu bức xúc; các tuyến đường làm tốt công tác vận động tuyên truyền, nhân dân đồng tình ủng hộ, tự nguyện hiến đất và đóng góp công sức xây dựng theo chủ trương chung đề ra “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” .

Nhiều tuyến đường nội thành cần được bê tông hóa

 

Theo thành phố, hình thức hỗ trợ được tính bằng tiền trên cơ sở dự toán công trình được phê duyệt, trong kế hoạch vốn hàng năm, ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí về xi măng, sắt (trong đó có ống cống để xây dựng hệ thống thoát nước ngang - nếu có) và chi phí vận chuyển vật tư đến địa điểm xây dựng công trình; 70% chi phí vật liệu còn lại. Người dân tự nguyện hiến đất, tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng, trực tiếp tham gia ngày công để xây dựng công trình; đóng góp công lao động, máy thi công và 30% chi phí vật liệu còn lại để thực hiện. Tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 78,079 tỷ đồng, gồm ngân sách tỉnh hỗ trợ 40 tỷ đồng, ngân sách thành phố 3 tỷ đồng, cấp phường 3,622 tỷ đồng và huy động của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức khác đóng chân trên địa bàn dự kiến 600 triệu đồng. Riêng các nguồn đóng góp của nhân dân từ ngày công lao động và kinh phí quy đổi thành tiền 30,85 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự kỳ họp đã đồng tình cao việc triển khai chương trình bê tông hóa các tuyến đường nội thành. Ông A Dư - đại diện cử tri xã Hòa Bình đã ý kiến bên lề kỳ họp: Quá trình thực hiện làm đường, tôi đề xuất phải có sự ưu tiên, đánh giá hiện trạng các đường hẻm đúng là nhu cầu bức thiết cần bê thông, phải do tổ dân phố tổ chức họp trưng cầu ý kiến từ nhân dân. Sau đó, đại diện tổ dân phố phối hợp với bộ phận chuyên môn cấp phường lập hồ sơ dự toán đầu tư xây dựng công trình trên theo quy định về giá vật liệu, thỏa thuận phương án đóng góp... Khi con đường khởi công, nhân dân chúng tôi phải được tham gia quản lý, giám sát đầu tư thực chất để tránh không phát sinh các chi phí khác đội giá, hoặc giảm chất lượng công trình.

Theo ông Huỳnh Tấn Phục, một khi nhu cầu bức thiết nhân dân kiến nghị, địa phương xét thấy thực tế cần phải hành động và có sự đồng thuận, biểu quyết ủng hộ cao của đại biểu HĐND địa phương, thì quyết tâm về bê thông hóa hết tất cả con đường đất, đường hẻm còn lại của thành phố sẽ sớm hoàn thành, góp phần cho giao thông đô thị ngày càng hoàn thiện và phát triển, để đến năm 2020 – thành phố Kon Tum đạt tiêu chuẩn đô thị loại II.

Tin, ảnh: Trần Hà

Chuyên mục khác