10/06/2020 13:01
Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay, giếng nước của nhiều hộ dân trên địa bàn phường Thắng Lợi đều khô cạn. Để khắc phục tình trạng này, nhiều người đã thuê thợ khoan giếng sâu thêm hàng chục mét, vì nếu chỉ đào và nạo vét thông thường như trước đây thì giếng không có nước.
Chị Y Thuật, làng Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi) cho biết: Nhà tôi không có nước máy, còn nguồn nước giếng hiện tại của gia đình thì cạn kiệt không đủ sử dụng. Nhà gồm có 5 người nên phải sử dụng nước rất tiết kiệm mới đủ, chủ yếu dùng để tắm rửa và nấu ăn.
Được biết giếng đào của gia đình chị Y Thuật sâu 20m và cứ mỗi năm đến mùa khô thì mực nước càng ít dần so với trước. Hiện tại gia đình chị cũng không có tiền để khoan thêm giếng mới hay nạo vét giếng.
Cũng trong tình trạng thiếu nước sinh hoạt như gia đình chị Thuật, gia đình anh Lê Duy Nhân, làng Kon Rơ Wang (phường Thắng Lợi) đã thuê người khoan giếng mới và nạo vét chiếc giếng cũ của gia đình để lấy nước sinh hoạt.
Anh Lê Duy Nhân chia sẻ: Giếng của gia đình tôi sâu 20m, được sử dụng hơn 10 năm nay và đã tiến hành nạo vét nhiều lần. Thời gian gần đây, nếu chỉ nạo vét không thôi thì giếng không có nước. Vừa rồi gia đình chi 15 triệu đồng để thuê thợ khoan giếng sâu thêm 30m thì mới bắt đầu có nước để sử dụng.
Nhiều hộ dân khác trên địa bàn thành phố Kon Tum dù đã lắp đặt nước máy nhưng vẫn tiến hành khoan giếng công nghiệp và nạo vét giếng cũ để lấy nước ngầm sử dụng, vì thói quen sử dụng nguồn nước ngầm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình.
Anh V.S (phường Trường Chinh) cho biết, vì khu vực nhà anh nước giếng khá là sạch, không có phèn và các tạp chất có hại, nên anh và gia đình vẫn rất thích dùng nước giếng để sinh hoạt. Mặc dù đã lắp đặt hệ thống nước máy nhưng gia đình anh hiện vẫn có 1 chiếc giếng khoan sâu 50m. Hiện tại giếng này bắt đầu có hiện tượng cạn nước nên anh dự định sẽ khoan giếng sâu thêm nữa hoặc khoan mới giếng khác.
|
Nhiều gia đình làm nghề trồng trọt, chăn nuôi trên địa bàn thành phố cũng có xu hướng khoan giếng công nghiệp với mong muốn nhanh chóng có được nguồn nước để tưới với chi phí rẻ hơn, thay vì lắp đặt hệ thống nước máy.
Anh Phan Đình Chính, (tổ 4, phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum) cho biết, nhà anh có 1 ha đất trồng rau, củ, quả nên năm nào đến thời điểm này, cũng loay hoay với bài toán chống hạn. Trước đây, gia đình anh đã khoan 2 giếng nhưng đến thời điểm hiện tại, lượng nước của 2 giếng trên có dấu hiệu cạn kiệt, không ổn định. Anh đang dự tính thuê thợ khoan sâu thêm giếng cũ để tìm mạch nước hoặc có thể đầu tư khoan thêm giếng mới để đảm bảo nguồn nước phục vụ tưới, sinh hoạt.
Thực tế, chi phí để khoan giếng công nghiệp đang có xu hướng ngày càng rẻ mà lại nhanh chóng và không tốn nhiều chi phí phát sinh như cách đào giếng truyền thống. Vì vậy, nhiều hộ dân bỏ tiền ra khoan giếng công nghiệp để lấy nước sinh hoạt, sản xuất, thay vì lắp đặt và sử dụng hệ thống nước máy.
Anh Nguyễn Hữu Giang, chủ giàn khoan giếng công nghiệp (tổ 8, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) cho biết, nếu như trước đây chỉ cần khoan ở lớp đất thường, nằm ở độ sâu từ 30-40 mét là đã có nước, thì nay đa số giếng phải khoan sâu hơn, thậm chí phải đến lớp đá ở độ sâu từ 70-100 mét mới chạm được mạch nước ngầm. Hiện tại nhu cầu khoan và cải tạo giếng của bà con tương đối nhiều. Trung bình 1 tháng, thợ khoan giếng công nghiệp có thể khoan và cải tạo từ 8-10 giếng cho các hộ dân trên địa bàn thành phố. Giá khoan hiện tại tương đối rẻ so với trước đây, khoảng 400 nghìn đồng/mét đất, 800 nghìn đồng/mét đá (đã bao gồm mọi chi phí phát sinh).
Có thể thấy, ngoài tác động của biến đổi khí hậu, nắng nóng kéo dài, việc người dân khai thác nguồn nước ngầm ồ ạt, quá mức đã dẫn tới nhiều hệ lụy, trong đó có việc mạch nước ngầm bị hạ thấp, nguồn nước dưới đất bị suy thoái cạn kiệt. Nếu việc khoan và đào giếng như hiện nay không được kiểm soát tốt thì nguy cơ mạch nước ngầm bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong tương lai gần là điều không thể tránh khỏi. Đã đến lúc các ngành chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu để quản lý nguồn tài nguyên nước, trong đó có tài nguyên nước ngầm, khỏi sự khai thác quá mức của con người nhằm tránh những hệ lụy xấu, bảo vệ môi trường sống bền vững cho thế hệ mai sau.
Hoàng Thanh