17/07/2019 13:01
5 giờ 30 sáng, khi phố xá còn mơ màng ngủ, vợ chồng anh P. đã tất bật chuẩn bị mở cửa hàng thịt lợn, bắt đầu một ngày buôn bán như thường lệ. Trong khi chị vợ cầm chổi khua mấy nhát ở khu vực bán hàng, anh P sắp xếp đồ nghề, như dao, thớt, cân... Trên xe máy, con lợn gần tạ đã được làm sạch, đặt ngang yên xe, mõm thõng xuống gần chạm tới đất.
Gọi là cửa hàng cho oai, chứ thực ra chỉ là cái bàn gỗ tạp ọp ẹp kê dưới gốc cây trên vỉa hè đường U Rê (thành phố Kon Tum). Thịt lợn được làm sẵn ở nhà, bày trên bàn, xung quanh là cân, dao, thớt gỗ...
Ấy thế mà xem ra “cửa hàng” của anh P còn bài bản lắm, bởi ít phút sau, cũng trên vỉa hè đường U Rê, cách vị trí anh P bán hàng khoảng 50m xuất hiện thêm 1 người bán thịt lợn dạo nữa. Không có bàn, người này chỉ trải mấy tấm bìa cứng xuống vỉa hè, rồi bày la liệt thịt, xương, tiết, nội tạng lợn...
Sau khi dọn hàng xong, chị vợ tất tả lên xe về nhà, còn anh P ở lại bán hàng. Tranh thủ khi chưa có khách, anh chạy sang quán cà phê cóc bên cạnh mua ly cà phê đen ngồi nhâm nhi, thỉnh thoảng cầm cây quạt tự chế (buộc bằng nilon) khẽ phe phẩy đuổi ruồi, nhặng.
Để có cớ hỏi chuyện, tôi ghé vào mua ít xương sườn lợn. Vừa hồ hởi “tay dao tay thớt”, anh P vừa cho biết, anh mới bán thịt lợn được 2 năm nay. “Nhà tôi ở trong xã Đăk Cấm kia, chuyên trồng rau và nuôi lợn bán cho thương lái. 2 năm trước, giá lợn hơi xuống đáy, đàn lợn hơn chục con đã đến kỳ xuất bán mà thương lái không chịu thu mua, bí quá, tôi bàn với vợ tự mổ thịt đem ra phố bày bán, ai ngờ lại hóa hay, bán hết đàn lợn của nhà, tôi quyết định chuyển hẳn sang mổ lợn bán.
Cứ theo lời kể của anh thì một phần nguồn lợn thịt do gia đình anh nuôi, một phần được anh tìm mua ở các hộ gia đình chăn nuôi ở các xã vùng ven thành phố Kon Tum. “Thịt lợn tôi bán đây có nguồn gốc rõ ràng nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”- anh P nói chắc nịch.
Thế nhưng, khi được hỏi có kiểm dịch của cơ quan thú y không thì anh P ngượng nghịu lắc đầu. “Lợn sống mua về, thịt xong là chở thẳng ra đây bán, không nghĩ đến chuyện kiểm dịch, mà cũng không thấy ai yêu cầu kiểm dịch”- anh thú thật.
Không chỉ trên đường U Rê, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng buôn bán thịt lợn bên lề đường còn khá phổ biến trên nhiều tuyến đường thuộc các xã, phường trên địa bàn thành phố. Có tuyến đường, như Nguyễn Viết Xuân, có đến 2-3 người buôn bán thịt lợn gần nhau.
Hầu hết các hộ dân buôn bán thịt lợn bên đường đều bày trên những tấm bìa cứng hay bao tải xộc xệch và được trải tạm ngay trên nền đường, vỉa hè. Và lẽ tất nhiên, người bán nào cũng cam kết thịt lợn sạch.
|
Một chị bán thịt lợn ở vỉa hè đường Nguyễn Viết Xuân cho biết, chị bán thịt lợn ở bên đường lâu rồi, trung bình một ngày bán 1 con lợn, có khi cũng được 2 con. Do giá thịt lợn ở đây rẻ hơn các quầy trong chợ nên lượng tiêu thụ cũng tương đối nhiều. “Quan trọng nhất là tiện lợi cho khách hàng, bởi họ không cần phải vào chợ, gửi xe, mà trên đường đi làm về, ghé vào mua loáng cái là xong”- chị Lê Thị H- một khách hàng quen thuộc của điểm bán thịt lợn trên đường Trần Văn Hai nói.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Kon Tum, nhiều bà nội trợ lại tỏ ra lo ngại trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của thịt lợn “vỉa hè”. Một thực tế rõ ràng là mặt hàng thực phẩm tươi sống này bày bán trên lề đường trông rất nhếch nhác, dính bụi bẩn. Hơn nữa, không có gì để đảm bảo rằng, sẽ không có tình trạng lấy thịt không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có thể là lợn bệnh, lợn chết, không đảm bảo an toàn thực phẩm về bán- một chị phụ nữ chia sẻ.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị D (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) lại bất an ở khía cạnh khác. Là một hộ gia đình nuôi lợn quy mô nhỏ, chị D đang làm mọi cách để bảo vệ đàn lợn hơn chục con của gia đình trước nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi. “Trong khi đó, thịt lợn vẫn được bày bán đầy ngoài vỉa hè, không có cơ quan nào quản lý, không có kiểm dịch, nếu như có hộ nào đó làm ăn không đàng hoàng, đem lợn bệnh chết ra bán thì sẽ rất nguy hiểm, và người thiệt hại sẽ là chúng tôi”- chị D phàn nàn.
Rõ ràng, tình trạng các hộ dân buôn bán thịt lợn ngay trên vỉa hè, thậm chí lấn chiếm lòng, lề đường không chỉ tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn thực phẩm, dẫn đến nguy cơ lây lan dịch tả lợn Châu Phi cao, mà còn gây phản cảm, làm cho thành phố trở nên nhếch nhác.
Được biết, UBND thành phố Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu UBND các xã, phường tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh công tác giết mổ gia súc và kinh doanh, buôn bán sản phẩm gia súc trên địa bàn. “Đặc biệt là sau khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở tỉnh Gia Lai và huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum), chúng tôi đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác quản lý lĩnh vực thú y, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường; tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc trên địa bàn, cũng như tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”- ông Nguyễn Xuân Ninh- Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho hay.
Riêng về xử lý tình trạng buôn bán thịt lợn không đúng nơi quy định, theo ông Phan Thanh Nam- Trưởng phòng Kinh tế thành phố Kon Tum, địa phương đã và đang thực hiện nhiều hình thức, như: thông báo trên hệ thống loa phát thanh để tăng cường, vận động các hộ kinh doanh ở các tổ dân phố buôn bán thịt lợn đúng địa điểm quy định; tuyên truyền về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để góp phần nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sử dụng thực phẩm an toàn; ra quân xử phạt và tịch thu đối với những trường hợp vi phạm...
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Nam thừa nhận, đến nay, tình hình buôn bán thịt lợn không đúng nơi quy định trên địa bàn thành phố vẫn còn tiếp diễn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của một số hộ gia đình kinh doanh, buôn bán thịt lợn vẫn còn hạn chế, trong khi một bộ phận người tiêu dùng vẫn lấy “tiện là chính” khi mua thực phẩm… Nhưng nguyên nhân chủ yếu là nhiều xã, phường còn xem nhẹ và chưa thật sự chú trọng công tác quản lý “thịt lợn vỉa hè”, vì vậy buông lỏng quản lý, nếu có phát hiện sai phạm thì cũng không xử lý, hoặc xử lý cho có, chưa đủ sức răn đe- một cán bộ Thú y nhận định.
Công tác kiểm tra, quản lý, giám sát gia súc, quản lý các loại dịch bệnh và buôn bán không đúng nơi quy định thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan Thú y chỉ phụ trách về chuyên môn, tức là kiểm dịch thú y. Khi địa phương phát hiện trường hợp vi phạm buôn bán thịt lợn không có dấu của Thú y (không rõ nguồn gốc) thì lực lượng Thú y có thể đến kiểm tra bằng những biện pháp lâm sàng, nếu không đạt yêu cầu thì phối hợp với các lực lượng chức năng lập biên bản xử lý, tịch thu và tiêu hủy- cán bộ Thú y này phân tích.
Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, chấn chỉnh mỹ quan đô thị, đồng thời tăng cường khả năng ngăn chặn sự xâm nhập của dịch tả lợn Châu Phi vào địa bàn, thành phố Kon Tum cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan và UBND các xã, phường chấp hành và thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại các công văn đã ban hành.
Đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị; đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt nghiêm minh đối với những hộ tái vi phạm; công khai đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các tổ dân phố có người vi phạm để người dân được biết.
Đặc biệt, về lâu dài, các địa phương cần có giải pháp đưa các tiểu thương buôn bán thịt lợn tại vỉa hè vào hoạt động kinh doanh cố định ở các chợ…
Hồng Lam