Thành phố Kon Tum: Hiệu quả từ mô hình chào cờ và hát Quốc ca

27/01/2018 07:24

​Thành phố Kon Tum hiện có 62 thôn đồng bào dân tộc thiểu số với trên 47 ngàn người, chiếm tỷ lệ 30,76% dân số và hầu hết theo Công giáo. Hơn 15 năm nay, các thôn, làng đã duy trì hiệu quả mô hình chào cờ và hát Quốc ca vào sáng thứ 2 hàng tuần.

6h30 sáng ngày thứ hai, chúng tôi đến sân nhà rông thôn Kon Tum Kpơng (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) và tận mắt chứng kiến bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã tề tựu làm lễ chào cờ Tổ quốc.

Cũng như mọi lần, bà con đến sớm để chào cờ sớm và trên khuôn mặt mọi người ai nấy đều vui tươi, hớn hở.

Chị Y Drih 54 tuổi, người dân thôn Kon Tum Kpơng tâm sự: Nhờ chào cờ như thế này mình mới thuộc lòng bài hát Quốc ca. Càng hát, mình mới cảm nhận được nội dung bài hát rất hay, rất hào hùng. Đã là người Việt Nam thì phải chào cờ Tổ quốc và phải biết hát Quốc ca chứ!. 

Bà con dân tộc thiểu số thôn Kon Tum Kpơng, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum chào cờ buổi sáng thứ hai hàng tuần

 

Ông A Bưn - Thôn trưởng thôn Kon Tum Kpơng cho biết: Đã trên 15 năm, kể từ năm 2002 đến nay, sáng thứ hai tuần nào bà con trong thôn cũng đều đến sân nhà rông chào cờ Tổ quốc. Những lần đầu bà con còn bỡ ngỡ nên thường đi không đúng giờ quy định, thậm chí có người do làm ăn xa cũng không thường xuyên tham gia chào cờ. Nhưng nay, bà con đã thành thói quen, nên đến đúng giờ và chào cờ nghiêm túc lắm.

Sau khi chào cờ xong, thôn trưởng hoặc cán bộ các ban, ngành, đoàn thể của thôn triển khai nhanh những công việc liên quan đến đời sống lao động, sản xuất, hoặc các văn bản pháp luật về thủ tục hành chính… để bà con nắm rõ và thực hiện. Tôi thấy việc chào cờ này rất có ý nghĩa, giúp bà con có điều kiện gặp gỡ để trao đổi những tâm tư tình cảm xóm làng, vừa củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh - ông A Bưn giải thích thêm.

     Ông Huỳnh Thanh Lanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Kon Tum cho biết: Thực hiện chủ trương "Tiếp tục xây dựng làng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh toàn diện" của Thành ủy gắn với tổ chức chào cờ, hát Quốc ca sáng thứ hai hàng tuần trong các thôn đồng bào dân tộc thiểu số, từ năm 2001 đến nay, các thôn, làng tổ chức rất tốt. Bởi vì, việc chào cờ là thể hiện lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua đó, kết hợp tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời triển khai các nhiệm vụ của địa phương gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

     Thông qua việc chào cờ này để cán bộ các cấp nắm chắc tâm tư, nguyện vọng và ý kiến của nhân dân phản ánh để kiến nghị các cấp, các ngành giải quyết kịp thời. Các cơ quan phụ trách thôn phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và hướng dẫn cho nhân dân về phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo điều kiện cho con em đi học, thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, thực hiện quy ước, hương ước ở khu dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng đề cao cảnh giác, không mắc mưu các thủ đoạn của những phần tử xấu, ngăn chặn kịp thời âm mưu "Diễn biến hòa bình", chia rẽ dân tộc, tôn giáo, phá hoại chính sách đại đoàn kết dân tộc của các thế lực thù địch.

     Nhờ đó, đến nay, 100% thôn trên địa bàn đều có chi bộ đảng và duy trì tốt việc chào cờ hàng tuần. 57/62 thôn có nhà rông văn hóa truyền thống, 2 thôn có hội trường, 97 đội cồng chiêng và múa xoang; 152 thôn/tổ dân phố đạt danh hiệu “Thôn văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” chiếm 83,06% tổng số thôn, tổ dân phố và có 30.371 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” chiếm 80,15% tổng số hộ trong toàn thành phố. Các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao truyền thống được duy trì thường xuyên. An ninh nông thôn giữ được ổn định, những vấn đề nảy sinh phức tạp đều được phối hợp giải quyết ngay tại cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

     Để tiếp tục duy trì và phát triển mô hình này, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức thành viên thành phố Kon Tum tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tổ chức thực hiện. Trong đó, cán bộ, đảng viên và những người uy tín, nòng cốt ở khu dân cư phải nêu gương, đi đầu, đồng thời tuyên truyền, vận động các thành viên trong gia đình, dòng họ, anh em cùng tích cực tham gia thực hiện, từng bước xem đây là nề nếp, thói quen và phong tục tiên tiến của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Đặc biệt, phải chú trọng tiếp thu những đề xuất, kiến nghị của nhân dân, kịp thời phối hợp giải quyết những khó khăn, bức xúc từ khu dân cư và xác định mỗi buổi chào cờ là một diễn đàn rộng rãi, dân chủ, tập hợp những sáng kiến, kinh nghiệm từ nhân dân để tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

                                                            Bài và ảnh: Vĩnh Hà

Chuyên mục khác