19/10/2020 13:17
Mỗi địa phương, mỗi đơn vị một cách làm, nhưng điểm chung là các phong trào thi đua đã thực sự tạo ra động lực và khơi dậy sức mạnh nội lực của mỗi cá nhân, tập thể góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chung đề ra.
Điển hình như cách triển khai phong trào thi đua nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của Hội Nông dân xã Ia Chim. Với cách làm lấy hội viên nòng cốt làm điểm ở mỗi chi hội; lấy gương điển hình ở chi hội để nông dân học tập; lấy những mô hình hiệu quả làm hạt nhân để nhân rộng, tạo điều kiện để hội viên học tập, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh và giúp nhau trong cuộc sống đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp, phát huy tinh thần tương thân, tương ái cùng nhau phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ đó, đa số các hội viên đều có cuộc sống ấm no, nhiều người còn vươn lên trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Đặc biệt, năm 2019, toàn xã có 252 hộ được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, trong đó cấp Trung ương có 6 hộ, cấp tỉnh có 55 hộ.
Ở thôn Trung Thành (xã Vinh Quang), thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Ban nhân dân thôn phối hợp với Ban công tác mặt trận và các chi hội đoàn thể thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân trong thôn thi đua góp sức thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. Nhờ đó, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, phát huy nội lực của người dân trong thôn. Đến nay, nhân dân đã đóng góp 1,275 tỷ đồng cùng hàng trăm ngày công lao động làm được 6 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài là 4,024km; đóng góp 151 triệu đồng lắp đặt đèn chiếu sáng công lộ. Ngoài ra, người dân trong thôn còn thi đua phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no. Do đó, đến nay, cả thôn chỉ còn 2 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 38 triệu đồng/năm, hơn 50% hộ gia đình có cuộc sống khá giả.
|
Trong phát triển kinh tế, các cấp, các ngành và nhân dân trên địa bàn thành phố đã đẩy mạnh phong trào thi đua “Sản xuất, kinh doanh giỏi”, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chủ động tranh thủ mọi nguồn vốn đầu tư, kết hợp với phát huy nội lực, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, phong trào thi đua “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” đã huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành đoàn thể và nhất là người dân trên địa bàn các xã triển khai chương trình. Nhờ đó, từng phương diện, từng ngành có bước phát triển đáng kể.
Lĩnh vực nông nghiệp ngày càng phát triển theo chiều sâu, năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng lên đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Đặc biệt, thành phố đang rà soát và từng bước triển khai cánh đồng lớn đối với các sản phẩm có lợi thế của địa phương như lúa gạo tại xã Đoàn Kết, Hòa Bình, Đăk Năng, Vinh Quang; rau hoa tại phường Thắng Lợi, Trường Chinh, Nguyễn Trãi…xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao qua các năm, riêng năm 2020 ước đạt 2.776 tỷ đồng, tăng 77,9% so với năm 2015. Các sản phẩm công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển gắn với thi đua khôi phục, bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống.
Trên lĩnh vực văn hóa, xã hội, các phong trào thi đua cũng diễn ra sôi nổi gắn với nhiệm vụ của từng ngành, từng đơn vị, như phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, thi đua xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành Giáo dục - Đào tạo; thực hiện “lương y như từ mẫu” của ngành Y tế. Các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững được triển khai gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững với tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 6,65% (cuối năm 2015) xuống còn 3,17%/năm (cuối năm 2019).
Cùng với các phong trào thi đua phát triển kinh tế -xã hội, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cũng được thành phố Kon Tum triển khai khá toàn diện. Các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Tuổi trẻ thành phố Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới”… đã nhận được sự đồng thuận, tham gia và thu được nhiều kết quả tốt, góp phần xây dựng hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở ngày càng vững mạnh.
Có thể khẳng định, các phong trào thi đua đã thực sự tạo ra sự đột phá và huy động được nguồn lực to lớn, góp phần xây dựng thành phố Kon Tum ngày càng phát triển xứng tầm với vị thế là trung tâm kinh tế, chính trị của tỉnh.
Thùy Hương