Thành phố Kon Tum: Dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp

02/12/2019 06:04

Thời điểm này dịch sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Thành phố Kon Tum có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue tăng nhanh và đã có 2 trường hợp tử vong.

Theo thống kê của Sở Y tế, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có trên 1.700 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó, thành phố Kon Tum có số lượng bệnh nhân chiếm gần một nửa với tổng số ca mắc 829 trường hợp, đặc biệt có 2 trường hợp tử vong. Có 153 thôn, tổ dân phố trong tổng số 183 thôn, tổ dân phố của 22 xã, phường trên địa bàn thành phố có bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue với 182 ổ dịch.

Sau khi có 2 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết Dengue, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trực thuộc tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue; tập trung theo dõi các khu vực có ca bệnh, có ổ dịch cũ nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để cách ly, điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong tại cộng đồng.

Ngành Y tế tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn, tập huấn lại về phác đồ điều trị, xử lý cấp cứu bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue cho nhân viên y tế làm công tác điều trị tại tất cả các tuyến; quán triệt các cơ sở y tế thực hiện tốt việc thu dung, phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị để tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện tại các tuyến; tập trung mọi nguồn lực điều trị các ca bệnh có dấu hiệu cảnh báo, nặng, nguy cơ tử vong với quyết tâm không để tử vong do sốt xuất huyết Dengue…

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố Kon Tum. Ảnh: TH

 

Bác sĩ Bùi Trọng Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: Năm nay, tình hình sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn thành phố tăng cao hơn nhiều so với năm 2018 và có nhiều ca bệnh nặng. Con số 829 ca mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue được ghi nhận, đó chỉ là số liệu thống kê được từ những bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế công lập, chủ yếu là tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trên thực tế, số ca mắc trong cộng đồng sẽ cao hơn nhiều, bởi có những bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh tại các phòng mạch, phòng khám tư nhân thì ngành Y tế không nắm được. Mặc dù ngành y tế có nhiều nỗ lực trong các hoạt động tuyên truyền, phòng chống sốt xuất huyết nhưng vẫn chưa kiểm soát được sự gia tăng của bệnh.

Theo đánh giá của Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum, sở dĩ thành phố Kon Tum có số lượng ca mắc sốt xuất huyết Dengue lớn là do dân số đông, mật độ dân cư dày nên dịch bệnh dễ lây lan; người dân còn chủ quan, thờ ơ trong việc phòng, chống bệnh. Mặt khác, hiện nay, đội ngũ cộng tác viên y tế cơ sở trên địa bàn còn thiếu, nguồn kinh phí hỗ trợ cho đội xung kích tình nguyện tham gia phòng chống sốt xuất huyết ít ỏi nên không phát huy được tinh thần trách nhiệm của lực lượng này. Hiện tại, mặc dù thời tiết đã bước sang mùa khô, nhưng riêng thành phố Kon Tum, tình hình bệnh sốt xuất huyết Dengue vẫn đang diễn biến phức tạp và số ca bệnh nặng có chiều hướng gia tăng, bởi trên địa bàn các yếu tố, điều kiện để muỗi sinh sôi, phát triển và truyền bệnh rất đa dạng và khó kiểm soát.

Cũng theo bác sĩ Bùi Trọng Trí, hiện chưa có vắc xin phòng sốt xuất huyết, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên để giảm nguy cơ mắc bệnh và lây lan ra cộng đồng, biện pháp tối ưu là diệt các ổ lăng quăng/bọ gậy để không còn mầm bệnh, không có muỗi truyền bệnh. Công tác này chủ yếu dựa vào cộng đồng, tinh thần trách nhiệm, ý thức chủ động phòng bệnh của người dân chứ không thể cứ chỉ trông chờ vào ngành Y tế hay chính quyền quyền địa phương. Việc phun hóa chất diệt muỗi của ngành y tế chỉ là biện pháp cấp bách, tức thời nhằm diệt đàn muỗi trưởng thành, giảm mật độ muỗi truyền bệnh chứ không ngăn ngừa được sự lây lan của bệnh nếu không diệt lăng quăng/bọ gậy triệt để.

Ngành Y tế khuyến cáo cộng đồng tăng cường dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng chứa nước tù đọng - môi trường tạo điều kiện cho muỗi có thể đẻ trứng, phát triển và trở thành điểm nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết như xô, chậu, hồ tiểu cảnh, các dụng cụ có chứa nước đọng, bình cắm hoa… Để tránh nguy cơ bị muỗi tấn công, truyền bệnh cộng đồng cần tăng cường diệt muỗi bằng bình xịt muỗi, nhang muỗi, bôi kem chống muỗi, ngủ mùng (kể cả ban ngày).

Nếu có biểu hiện sốt đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, mệt nhiều thì cần đến các cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm máu xem có bị sốt xuất huyết hay không. Đây là một xét nghiệm đơn giản, nhanh, phát hiện sớm, bác sĩ có thể chẩn đoán và xử lý kịp thời…

Trước những diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết hiện nay, việc chủ động thực hiện phòng, chống là giải pháp quan trọng để ứng phó với dịch bệnh, đó là công việc cần chung tay của cả cộng đồng, mà trước hết là ý thức phòng bệnh của người dân.

Thiên Hương

Chuyên mục khác