Thành phố Kon Tum: Di dời 61 hộ dân, 1 làng bị cô lập

28/10/2020 19:16

Đêm 27 và ngày 28/10, trên địa bàn thành phố Kon Tum có mưa to và rất to, khiến nhiều nơi bị ngập úng, gây nhiều thiệt hại.

Tối 28/10, ông Nguyễn Thanh Mân- Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Kon Tum thông tin, do ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9, trên địa bàn thành phố đã có mưa to đến rất to, gây ngập úng nhiều nơi.

Di dời hộ dân vùng bị ngập ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi. Ảnh: HL

 

Đến chiều 28/10, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 61 hộ dân từ khu vực ngập úng đến nơi an toàn, trong đó có 30 hộ dân ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi; 15 hộ ở xã Đăk Rơ Wa (thôn Kon Klor 9 hộ, thôn Kon Jơ Ri 4 hộ, thôn Kon Kơ Tu 1 hộ); 10 hộ ở phường Lê Lợi, 3 hộ ở phường Quyết Thắng và 3 hộ ở phường Quang Trung- ông Nguyễn Thanh Mân cho biết.

Nhà một số hộ dân ở phường Lê Lợi bị ngập. Ảnh: HL

 

Mưa lớn cũng làm tuyến đường vào làng Kon Drei (xã Đăk Blà) bị ngập sâu, phương tiện giao thông không qua lại được, khiến 167 hộ dân trong làng bị cô lập hoàn toàn.

Ngay khi nhận được thông tin, lãnh đạo UBND thành phố Kon Tum đã khẩn trương kiểm tra tình hình thực tế; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền xã Đăk Blà chuẩn bị lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu đủ đáp ứng nhu cầu của các hộ dân trong 3 ngày. Đồng thời, bố trí sẵn 1 tàu sắt ứng trực để sẵn sàng làm nhiệm vụ vận chuyển các trường hợp khẩn cấp (như người đau ốm, cấp cứu…).

Diện tích lúa bị ngã đổ ở xã Kroong. Ảnh: HL

 

Ngoài ra, tính đến 18 giờ ngày 28/10, mưa bão làm ngập 250ha hoa màu ở xã Đăk Rơ Wa; làm tốc mái, hư hỏng 2 ngôi nhà, ngã đổ khoảng 55 ha lúa ở xã Kroong; một số cây xanh trên địa bàn các phường Quang Trung, Duy Tân và xã Kroong bị gãy, đổ; cổng chào thôn 5, xã Đoàn Kết bị ngã đổ hoàn toàn. Đường dây điện hạ thế tại xã Ia Chim bị hư hỏng do cây đổ, hiện đã được Điện lực thành phố Kon Tum khắc phục.

Tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy chiều 28/10, đồng chí Nguyễn Đức Tuy- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy yêu cầu các xã, phường  huy động 100% dân quân, công an, hệ thống chính trị đến các vùng ngập để triển khai nhiệm vụ. Nếu các hộ dân ở vùng có nguy cơ bị ngập không chịu di dời thì thực hiện cưỡng chế, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân; bố trí trường học, hội trường để người dân tránh trú; đảm bảo thức ăn, nước uống, vật tư y tế... cho người dân. Riêng tại làng Kon Drei (xã Đăk Blà), phải có phương án về thực phẩm, y tế để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết.

Công an thành phố Kon Tum bố trí lực lượng để xử lý tập trung đông người, đảm bảo an toàn giao thông tại cầu Đăk Bla, cầu treo Kon Klor. Các đơn vị thành viên Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bám sát địa bàn được phân công; phối hợp với các xã, phường triển khai các biện pháp xử lý tình huống, ứng phó kịp thời.

Hồng Lam

Chuyên mục khác