Thành phố Kon Tum: Đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ

21/08/2018 13:00

​Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ, đặc biệt là tai nạn đuối nước luôn là vấn đề được các ngành, các địa phương quan tâm. Xác định tuyên truyền, nâng cao nhận thức có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Kon Tum đã trực tiếp xuống các thôn, làng tuyên truyền, thu hút đông đảo bà con tham gia.

8h sáng, bà con dân làng Plei Trum Đăk Choăh (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum) đã tập trung đông đủ tại nhà rông để tham dự buổi tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em do Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Kon Tum tổ chức.

Thôn trưởng A Mai lên nhà rông thật sớm. Nhìn khẩu hiệu treo phía trước nhà rông “Mùa hè không còn trẻ em đuối nước”, ông A Mai cho biết, đây là một chương trình tuyên truyền hết sức ý nghĩa giúp bà con dân làng nâng cao nhận thức trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Vì những năm qua, ở làng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em rất thương tâm.

Tuyên truyền phòng chống đuối nước ở thôn Plei Trum Đăk Choăh

 

Theo lời Thôn trưởng A Mai, với bà con 2 làng Plei Trum và Đăk Choăh (thuộc thôn Plei Trum Đăk Choăh), do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tập quán sản xuất bà con hay đi rẫy nên cũng ít có thời gian để quan tâm đến con em mình trong những ngày hè. Vì không có sân chơi nên trẻ em trong làng thường rủ nhau đi câu cá, tắm suối (suối Đăk Cấm ở gần làng) rất nguy hiểm.

“Trên con suối này, đã xảy ra tình trạng trẻ em ở làng khác theo mẹ lên đây làm rẫy bị đuối nước” - Thôn trưởng A Mai nói.

Ông A Mai còn cho biết thêm, bên cạnh trường hợp đuối nước kể trên, những năm qua, trên địa bàn thôn Plei Trum Đăk Choăh còn xảy ra nhiều tai nạn thương tích trẻ em thương tâm khác như trường hợp cậu con trai (đang học lớp 1) của anh A Muh bị điện giật chết (do mưa lớn, hệ thống dây điện trong nhà bị đứt); hay trường hợp con trai của A Kul (học lớp mẫu giáo) bị rớt xuống ao cá phía sau nhà chết đuối và gần đây nhất là trường hợp con trai của Y Thương (đang học mẫu giáo) bị trượt chân rớt xuống ao cá phía sau vườn nhà nhưng may nhờ có ông ngoại phát hiện, đưa đi cấp cứu kịp thời nên em được cứu sống…

Nhiều hộ dân ở làng Plei Trum Đăk Choăh cho biết, chứng kiến tai nạn thương tích xảy ra với trẻ, ai cũng lo lắng cho con em mình; nhưng rồi công việc ruộng rẫy vẫn phải đi làm nên cũng không có điều kiện quản lý, theo sát con em mình được.

Nói đến tai nạn thương tích ở trẻ em, chị Y Nglit ở làng Plei Trum có 6 người con (đứa lớn nhất 15 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi) vẻ mặt đầy lo lắng. Chị Y Nglit nói: Khi nghe tin có buổi tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ, tôi mừng lắm nên tranh thủ đi thăm ruộng từ sáng sớm để kịp về lên nhà rông nghe tuyên truyền, mong có kiến thức để quản lý, bảo vệ con em mình tốt hơn.

Với phương pháp tuyên truyền thực tế, khơi gợi vấn đề thông qua những câu hỏi như: tai nạn thương tích là gì? đuối nước là gì? cho ví dụ về tai nạn thương tích? vì sao xảy ra tại nạn thương tích? vì sao dẫn đến đuối nước?... để bà con trực tiếp trả lời, qua đó nhận biết vấn đề dễ dàng hơn, càng khiến cho buổi tuyên truyền thêm phần sinh động, hiệu quả.

Suốt buổi ngồi nghe tuyên truyền ở nhà rông, cô bé Y Ne hiện đang là học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Ngô Mây) đã mạnh dạn giơ tay phát biểu nhiều lần, đưa ra các ví dụ về tai nạn thương tích, nguyên nhân gây ra đuối nước.

Y Ne cho biết, dù ở trường em đã nghe thầy cô giáo căn dặn về làng không tắm sông, tắm suối, nhưng với chúng em, từ nhỏ mỗi khi đi chăn bò đã tự học bơi ở suối nên thấy việc này rất bình thường. Hôm nay, được tuyên truyền, được nghe kể những trường hợp đuối nước thương tâm của các bạn học sinh từ nhiều nơi, em mới hiểu hơn mức độ nguy hiểm của đuối nước.

Theo số liệu thống kê của Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Kon Tum, năm 2016, toàn thành phố xảy ra 83 vụ tại nạn thương tích ở trẻ, trong đó đuối nước 8 vụ; năm 2017 xảy ra 130 vụ tai nạn thương tích, trong đó đuối nước 6 vụ; từ đầu năm 2018 đến nay xảy ra 40 vụ tai nạn thương tích, trong đó có 3 vụ đuối nước. Dù số vụ đuối nước có giảm nhưng ý thức người dân trong việc phòng chống đuối nước ở trẻ vẫn còn rất chủ quan, lơ là.

Ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố cho biết, tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước là nỗi lo thường trực của các bậc phụ huynh, bởi nó có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, đặc biệt là vào dịp hè - khi các em học sinh nghỉ học. Vì vậy, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố đã chọn chuyên đề phòng chống tai nạn thương tích để tuyên truyền trực tiếp tại cơ sở. Đến nay, đơn vị đã tổ chức được 6 đợt tuyên truyền tại các xã, phường có tỉ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích cao trên địa bàn thành phố gồm: Ngô Mây, Thắng Lợi, Đoàn Kết, Ngọc Bay, Đăk Rơ Wa, Đăk Blà.

Điều đáng mừng là qua mỗi đợt tuyên truyền tại khu dân cư người dân tham gia rất đông. Trong thời gian tới, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền bằng nhiều thức phong phú để nâng cao ý thức cho người dân về phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ - ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác