10/11/2020 06:02
Gần 2 tháng qua, chị Y Wan (36 tuổi, thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết) được tham gia lớp dạy trồng rau an toàn trong nhà màng do Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tổ chức. Lớp học chọn vườn của một hộ dân trong thôn để làm mẫu cho việc dạy học. Y Wan cho biết, chị và mọi người được đào tạo theo kiểu “cầm tay chỉ việc” từ cách làm đất, chọn giống và ngâm ủ giống để gieo, cách trồng, chăm sóc, sử dụng các loại phân bón... để tạo ra sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng.
“Trước đây tôi không có kinh nghiệm về chọn giống và sử dụng phân bón nên năng suất không cao. Từ khi tham gia lớp trồng rau an toàn, tôi đã biết cách làm rau đúng quy trình, qua đó tiết kiệm được chi phí, hạn chế sâu bệnh mà không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ được sức khỏe của mình và góp phần bảo vệ người tiêu dùng”- chị Y Wan mừng rỡ khoe.
|
Cũng tham gia lớp học trồng rau an toàn như Y Wan, chị Y Bih (45 tuổi, thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết) hào hứng chia sẻ: Tôi thích nhất là kỹ thuật làm nhà màng kết hợp với che chắn, sử dụng ánh sáng hợp lý để cho rau phát triển tốt hơn. Nếu như trước đây chỉ có thể trồng rau vào mùa nắng ráo thì nay có thể trồng quanh năm, không ngại mưa gió. Đặc biệt, tôi đã biết cách tận dụng phế phẩm như vỏ cà phê, rơm rạ, cỏ khô, thân cây đậu... để làm phân bón, qua đó giúp cây rau sinh trưởng và phát triển tốt, tạo ra sản phẩm an toàn cho người sử dụng.
Anh Nguyễn Đình Nam- Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: Lớp dạy trồng rau an toàn được tổ chức tại địa phương vào đầu tháng 9/2020 với 64 học viên, nhằm giúp người dân thôn Đăk Kia, nhất là chị em phụ nữ người DTTS tại đây có thêm nghề để sản xuất và nâng cao đời sống. Đây là một trong số rất nhiều lớp học do chính quyền địa phương phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tổ chức nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; bên cạnh những lớp nghề khác đã hoàn thành như lớp đào tạo chăn nuôi bò, trồng nấm rơm, kỹ thuật cạo mủ cao su, trồng lúa...
Bên cạnh lớp đào tạo trồng rau an toàn, trong năm 2020, Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tổ chức khoảng 11 lớp đào tạo nghề khác như trồng lúa, dịch vụ nhà hàng, du lịch... cho khoảng 215 học viên tại các xã, phường trên địa bàn thành phố.
|
Bà Lê Thị Thanh Tùng- Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố Kon Tum cho biết, gắn việc đào tạo nghề với giải quyết việc làm, hàng năm Phòng phối hợp với Phòng Kinh tế thành phố Kon Tum và các xã, phường trên địa bàn thông báo công khai nghề đào tạo để các địa phương đăng ký cho sát với nhu cầu của người học, của địa phương. Đồng thời, tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng có nhu cầu và đề nghị các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn thành phố Kon Tum tổ chức đào tạo.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2010-2019, thành phố Kon Tum đã tổ chức đào tạo nghề và cấp chứng chỉ cho 3.476 lao động; trong đó lao động là đồng bào DTTS chiếm 95,66% (3.325 người). Sau khi được cấp chứng chỉ học nghề, có 2.464 lao động có việc làm (đạt 77,3%), 343 hộ gia đình có người tham gia học nghề thoát nghèo, 402 hộ có thu nhập khá, 377 lao động được hỗ trợ vay vốn giải quyết việc làm,qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố từ 13,19% xuống còn 3,17 %, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 20,5% lên 50% (giai đoạn 2010 – 2020).
Trong thời gian tới, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Kon Tum tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề và giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố; tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn trong công tác xây dựng và đổi mới phương thức, trình độ đào tạo nghề theo hướng ứng dụng, thực hành, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động và yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của thành phố Kon Tum.
Hoàng Thanh