Thành phố Kon Tum: Đẩy mạnh chuyển đổi số

13/10/2022 06:05

Từ khi có chủ trương chuyển đổi số đến nay, UBND thành phố Kon Tum đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, qua đó góp phần làm thay đổi tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum Nguyễn Thanh Mân cho biết: Từ đầu năm đến nay, UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị, địa phương quán triệt cán bộ, công chức và người lao động (CBCC-NLĐ) không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác chuyên môn; cử cán bộ chuyên trách CNTT ở các phòng, ban và các xã, phường tham gia các lớp tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thông tin mạng trong quá trình chuyển đổi số; triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh của UBND tỉnh.

Đồng thời, thực hiện kết nối mạng nội bộ tại trụ sở HĐND-UBND thành phố và UBND các xã, phường với mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo theo quy định để triển khai gửi, nhận văn bản qua trục liên thông văn bản của tỉnh, thành phố; chỉ đạo UBND các xã, phường khảo sát thực tế các khu vực có hiện tượng sóng di động 2G, 4G yếu và kết quả chỉ có 10 thôn thuộc xã Ia Chim có hiện tượng sóng di động 2G, 4G yếu. Trung tâm Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Truyền thông thành phố, UBND các xã (Ngọc Bay, Đoàn Kết, Đăk Blà, Đăk Rơ Wa) phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tiến hành kiểm tra hiện trạng hoạt động đài truyền thanh xã, khảo sát vùng lõm sóng 4G và các điều kiện khác để triển khai đài truyền thanh ứng dụng CNTT và viễn thông.

UBND thành phố Kon Tum triển khai Chuyển đổi số. Ảnh: T.V.P 

 

UBND các xã, phường của thành phố thành lập 154 tổ công nghệ số cộng đồng với 676 thành viên thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công; tham gia thực hiện chuyển đổi số trong từng lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó cùng chính quyền xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số tại thôn. Đồng thời, cử thành viên các tổ công nghệ số cộng đồng tham gia Chương trình bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng số năm 2022 do Sở TT&TT tổ chức.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 1.326 máy tính, đa số đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tối thiểu phục vụ công việc hàng ngày của CBCC-NLĐ. UBND thành phố phối hợp Sở TT&TT tiến hành triển khai hệ thống giám sát mã độc tập trung; chỉ đạo các cơ quan, địa phương cập nhật thông tin chi tiết về chiến dịch và công cụ hỗ trợ xử lý mã độc tại địa chỉ: https://khonggianmang.vn/chiendichmadoc2022; đồng thời, truyền thông về nguy cơ khi sử dụng phần mềm bẻ khóa, không bản quyền và khuyến nghị sử dụng công cụ hỗ trợ xử lý mã độc của Cục An toàn thông tin đến người dùng.

UBND thành phố thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích tổ chức, người dân sử dụng DVCTT nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về DVCTT mức độ 3, 4 và thanh toán trực tuyến được giao.

UBND thành phố đang trong giai đoạn tiến hành triển khai, thực hiện kết nối chia sẻ dữ liệu của tỉnh trên địa bàn thành phố và có 4.740 tài khoản của CBCC-NLĐ toàn thành phố đang sử dụng. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố tiếp nhận xử lý 109.641 văn bản đến, ban hành 23.500 văn bản đi các loại (không tính văn bản mật) và 100% văn bản phát hành hoàn toàn điện tử được ký số. Đồng thời, trên địa bàn xã, phường tiếp nhận xử lý 60.737 văn bản đến, ban hành 11.344 văn bản đi các loại (không tính văn bản mật), 100% văn bản phát hành hoàn toàn điện tử được ký số. Hệ thống điện tử công vụ riêng của thành phố được triển khai 1.653 tài khoản thư điện tử được cấp cho các cơ quan nhà nước nhằm phục vụ trao đổi, gửi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của thành phố được triển khai lắp đặt đồng bộ từ thành phố đến cấp xã, bao gồm 23 điểm cầu (trong đó 2 điểm cầu tại trụ sở HĐND-UBND thành phố và 21 điểm cầu cấp xã). Đồng thời, 100% các phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố và UBND các xã, phường thực hiện báo cáo định kỳ trên Hệ thống Báo cáo của Văn phòng Chính phủ và của tỉnh đảm bảo theo quy định. Qua đó, thời gian tổng hợp, gửi số liệu báo cáo của các đơn vị, địa phương được nhanh chóng, chính xác; trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT của CBCC-NLĐ ngày càng nâng cao và dần hình thành thói quen làm việc chuyên nghiệp, hiện đại.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Mân cho biết thêm: Đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước từ thành phố đến cấp xã triển khai phần mềm Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông cho tổ chức, công dân. Việc sử dụng phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp MISA.Mimosa.NET và phần mềm quản lý tài sản trong công tác kế toán nội bộ cơ quan đảm bảo kết nối trực tiếp Dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước để thực hiện giao dịch điện tử. Việc sử dụng phần mềm nhập dữ liệu Tabmis, triển khai phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm bảo hiểm y tế, phần mềm quản lý trẻ em đều do các bộ, ngành cung cấp. Việc triển khai, ứng dụng Zalo để thực hiện tra cứu kết quả giải quyết hồ sơ TTHC, cung cấp thông tin chỉ đạo điều hành và các thông tin về kinh tế - xã hội nhanh chóng, hiệu quả. 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế. Đây thực sự là bước tiến mới góp phần quan trọng vào việc quản lý xã hội và đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho địa phương.

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác