Thành phố Kon Tum: Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết Dengue

04/08/2021 13:07

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho các bệnh truyền nhiễm phát triển, trong đó có sốt xuất huyết Dengue. Để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, thành phố Kon Tum đã và đang chủ động triển khai nhiều biện pháp cụ thể và hiệu quả.

Sau khi phát hiện ca mắc sốt xuất huyết Dengue đầu tiên trên địa bàn, UBND phường Quang Trung (thành phố Kon Tum) đã huy động lực lượng thực hiện chiến dịch tổng dọn vệ sinh môi trường tại tổ dân phố 8 - nơi có ca mắc. Đồng thời phối hợp với Trung tâm Y tế thành phố triển khai phun hóa chất bao vây, xử lý ổ bệnh không để cho dịch bệnh lây lan.

Ông Nguyễn Đức Ngọ - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: “Tại tổ dân phố 8, chúng tôi đã huy động sự ra quân của toàn hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể của phường, khu dân cư và vận động người dân xử lý tất cả các dụng cụ chứa nước, dụng cụ phế thải để diệt lăng quăng/bọ gậy. Sau khi ra quân tại tổ 8, chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức ra quân tại tất cả các thôn, tổ trên địa bàn và duy trì thường xuyên để phòng, chống sốt xuất huyết”.

Một trong những nguyên nhân được xem là cốt lõi khiến bệnh sốt xuất huyết đang phát sinh và tiếp diễn hiện nay là việc người dân vẫn chưa có thói quen diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy một cách triệt để. Trong khuôn viên nhà, khu dân cư vẫn còn nhiều dụng cụ chứa nước chưa được đậy nắp, vật liệu đọng nước vẫn còn tồn tại rất nhiều. Thêm vào đó, hiện nay tại thành phố Kon Tum, tần suất mưa càng ngày nhiều hơn khiến muỗi sinh sản nhanh chóng và gây bệnh. Các xã, phường tổ chức thường xuyên việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, các phương tiện thông tin đại chúng. Đặc biệt là phát huy vai trò của tổ công tác cộng đồng, đi từng ngõ, gõ từng nhà tuyên truyền, vận động người dân thay đổi thói quen sinh hoạt, chủ động diệt trừ lăng quăng/bọ gậy. Từ đó, mỗi người dân đều có ý thức cao hơn trong công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Ra quân diệt lăng quăng/bọ gậy tại phường Quang Trung. Ảnh: P.N

 

“Bản thân tôi và gia đình luôn hưởng ứng, thực hiện theo nội dung tuyên truyền, làm sạch sẽ môi trường, dọn dẹp nhà cửa, dẹp bỏ dụng cụ chứa nước để tránh sự phát sinh của lăng quăng, muỗi vằn. Nhà tôi có hòn non bộ và trồng nhiều cây cảnh nên tôi thường xuyên thay nước và thả cá vào chậu, không cho muỗi đẻ trứng” - ông Nguyễn Văn Đào (tổ dân phố 8, phường Quang Trung) chia sẻ kinh nghiệm.

Từ đầu năm đến ngày 29/7, thành phố Kon Tum ghi nhận 12 ca mắc sốt xuất huyết Dengue rải rác tại các phường Quang Trung, Lê Lợi, Duy Tân, Thắng Lợi, Trần Hưng Đạo và các xã Kroong, Vinh Quang, Ngok Bay. Sau khi phát hiện các ca mắc bệnh, Trung tâm Y tế thành phố chủ động phối hợp với chính quyền địa phương bao vây, xử lý các ổ dịch; phun hóa chất diệt muỗi. Bác sĩ Bùi Trọng Trí - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: “Để nâng cao hiệu quả việc phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch, Trung tâm Y tế thành phố đề nghị các xã, phường ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy, xử lý dụng cụ chứa nước đọng, dụng cụ phế thải tại các ổ dịch trước khi phun hóa chất, chúng tôi kiên quyết không phun hóa chất khi chưa dọn dẹp vệ sinh môi trường”. 

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Trung tâm Y tế thành phố đã chủ động cử cán bộ giám sát chỉ số véctơ truyền bệnh tại các vùng trọng điểm; chủ động phun thuốc diệt muỗi ở các địa bàn trọng điểm thường xuyên xuất hiện các ca mắc sốt xuất huyết trong những năm trước đây; chỉ đạo các trạm y tế, nhân viên y tế tuyên truyền cho cộng đồng biết về dấu hiệu tình hình, các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết, cách phòng ngừa bệnh và biện pháp làm giảm nguy cơ bệnh sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Với tinh thần chủ động, quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị từ thành phố tới cơ sở, sự hưởng ứng chung sức, đồng lòng của nhân dân, tin rằng bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố sẽ được khống chế, ngăn chặn kịp thời, không để bùng phát thành dịch. 

Phan Nghĩa

Chuyên mục khác