Thành phố Kon Tum: Chấn chỉnh việc thu, chi đầu năm học

14/10/2018 18:08

​Đến thời điểm hiện tại, 82 trường trên địa bàn thành phố Kon Tum đã và đang hoàn thành các khoản thu của năm học 2018-2019. Điều đáng nói, vẫn còn một số trường lạm thu, thu chưa đúng quy định.

Nhiều khoản thu sai quy định

Ngày 3/8/2018, Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, có hiệu lực từ ngày 18/9/2018. Thông tư này thay thế Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT, ngày 10/9/2012 về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (nhiều phụ huynh vẫn gọi là xã hội hóa giáo dục). Tuy nhiên, thực tế, một số trường vẫn thực hiện thu theo Thông tư số 29.

Như tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, thực hiện theo Thông tư số 29, trong đầu năm học 2018-2019, nhà trường đã lập kế hoạch vận động thu xã hội hóa giáo dục để trám, trít sơn bên trong 13 phòng học, nhà vệ sinh; đóng trần chống nóng 4 phòng học với tổng số tiền dự kiến 95,5 triệu đồng.

Đoàn kiểm tra của phòng GD&ĐT kiểm tra việc thu các khoản đầu năm học. Ảnh: B.A

 

Qua triển khai kế hoạch vận động, đến ngày 20/9/2018, 365 phụ huynh học sinh đã ủng hộ với số tiền 77.260.000 đồng.

“Ngày 25/8, do chưa nắm được Thông tư số 16 nên nhà trường tổ chức họp phụ huynh, triển khai vận động đóng góp kinh phí xã hội hóa như những năm trước. Chính vì vậy, chưa thực hiện theo đúng các quy định” – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi - Nguyễn Văn Hồng cho biết.

Bên cạnh đó, từ đầu năm học, cha mẹ học sinh có con theo học tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi cũng phản ánh về tình trạng cào bằng trong các khoản thu ở các lớp học. Đồng thời, Phòng GD&ĐT thành phố cũng nhận đơn phản ánh về việc thu xã hội hóa tại trường.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Hồng khẳng định không có tình trạng cào bằng trong vận động đóng góp xã hội hóa. “Toàn trường có 13 lớp học và nhà trường vận động xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, ai có nhiều đóng nhiều, ai có ít đóng ít và miễn giảm cho các em học sinh là người DTTS, học sinh khuyết tật. Tuy nhiên, khi vận động, vì muốn có sự công bằng trong các khoản đóng góp xây dựng cho nhà trường nên giáo viên cũng như phụ huynh học sinh có sự chia đồng trên số lớp và từ số lớp chia đều cho số học sinh trên lớp” – ông Hồng nói.

Cùng với đó, ông Hồng cho biết, mỗi năm nhà trường đều có kế hoạch vận động xã hội hóa và kinh phí vận động được đều được công khai sử dụng trong năm.

Ngoài việc thu xã hội hóa chưa đúng quy định, tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi còn có 4/13 lớp thực hiện thu thêm tiền quỹ lớp (khoản thu không có trong quy định) với tổng số tiền 18.590.000 đồng.

Chấn chỉnh việc thu, chi

Trước thực trạng còn một số trường thu chưa đúng quy định, ông Thái Khắc Hòa – Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho biết, ngày 17/9, Phòng GD&ĐT thành phố có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra các khoản thu đầu năm học 2018-2019.

“Qua kiểm tra 31 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn 10 phường, ngoài Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi còn có các trường: Tiểu học Quang Trung, Tiểu học Trần Phú... thu tiền chưa đúng quy định. Phòng GD&ĐT kịp thời chấn chỉnh và yêu cầu các trường phải rà soát và hoàn trả tiền cho cha mẹ học sinh nếu đã thu, đồng thời chỉ đạo các trường chỉ được huy động khi đã thực hiện đầy đủ các nội dung được nêu tại Thông tư số 16” - ông Hòa cho biết.

Thực hiện theo chỉ đạo của Phòng GD&ĐT, đến nay, các trường thu chưa đúng quy định đã hoàn trả lại đầy đủ số tiền cho phụ huynh. Như tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi, nhà trường đã rà soát, hoàn trả lại 77.260.000 đồng cho 365 phụ huynh học sinh; đồng thời trả lại các khoản thu quỹ lớp.

“Vừa qua, nhà trường đã trả lại các khoản thu cho phụ huynh và công khai đầy đủ các khoản thu, chi theo quy định cho phụ huynh nắm” – anh Nông Thế Hòa, có con học tại Trường Tiểu học Mạc Đĩnh Chi cho biết.

Với Trường Tiểu học Trần Phú, khi nghe một số phản ánh về việc thu quỹ lớp, trường cũng đã tiến hành rà soát. “Qua rà soát không có tình trạng thu quỹ lớp như phản ánh. Tuy nhiên, nhà trường cũng nhắc nhở giáo viên không được thu các khoản ngoài quy định” – cô Hồ Thị Nhung – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú cho biết.

Qua báo cáo của Phòng GD&ĐT thành phố về công tác thanh tra, kiểm tra, ông Nguyễn Thanh Mân - Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum kết luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm trong việc thu các khoản xã hội hóa là do hiệu trưởng các trường thường giao khoán chỉ tiêu cho Hội Cha mẹ học sinh nên dẫn đến tình trạng cào bằng để huy động đóng góp. Ngoài những khoản thu bắt buộc, nhiều cha mẹ học sinh mong muốn tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho con em mình trong các dịp lễ từ đó mới nảy sinh ra các khoản thu ngoài quy định của ngành giáo dục.

“Thành phố đã giao cho Phòng GD&ĐT chủ động kiểm tra và yêu cầu các trường học thực hiện các khoản thu đúng theo quy định của pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện trường nào thu sai quy định, sẽ yêu cầu khắc phục; nếu sai phạm nghiêm trọng phải xử lý nghiêm khắc, tránh trường hợp người dân bất bình, kiến nghị kéo dài ảnh hưởng đến công tác dạy và học trên địa bàn thành phố” – ông Mân nhấn mạnh.

Bình An

Chuyên mục khác