Thành phố Kon Tum: Chăm lo, nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS

30/03/2023 06:19

Đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ luôn được các cấp ủy, chính quyền và ngành Giáo dục thành phố Kon Tum quan tâm lãnh đạo, thực hiện. Qua đó, tạo chuyển biến căn bản và toàn diện về chất lượng học sinh người DTTS trên địa bàn.

Thành phố Kon Tum hiện có 71 trường học ở bậc mầm non, tiểu học và Trung học cơ sở (THCS) trực thuộc Phòng Giáo dục và Đào tạo; trong đó, có 43 trường vùng DTTS với 14.176 học sinh người DTTS. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU (ngày 6/5/2021) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Kon Tum đã xây dựng kế hoạch, quán triệt các cấp, các ngành tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm củng cố, nâng cao chất lượng học sinh DTTS.

Công tác giáo dục vùng DTTS luôn được thành phố quan tâm. Ảnh: T.H

 

Trước hết, thành phố Kon Tum tập trung chỉ đạo củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp học, trong đó, ưu tiên các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo khang trang, đồng bộ phục vụ tốt nhu cầu học tập của học sinh. Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, thành phố bố trí 297,41 tỷ đồng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đảm bảo tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Ông Thái Khắc Hòa - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum cho biết: Để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, ngành Giáo dục thành phố chú trọng triển khai tốt kế hoạch “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, đảm bảo hài hòa giữa nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục đối với bậc học mầm non. Thực hiện hiệu quả việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp học tiểu học và THCS. Đẩy mạnh hoạt động chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS trước khi vào lớp 1, tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS cấp tiểu học. Xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt trong và ngoài nhà trường, hình thành thói quen đọc sách cho học sinh bằng việc xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của thư viện trường học; đồng thời, đa dạng các hoạt động trải nghiệm, trò chơi học tập, giao lưu tiếng Việt; qua đó, giúp học sinh người DTTS có cơ hội giao lưu và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt.

Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) đọc sách trong giờ giải lao. Ảnh: T.H

 

Các trường học không ngừng nỗ lực đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học sinh DTTS theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, phát triển các kĩ năng của người học. Tổ chức có hiệu quả các hoạt động giáo dục đặc thù phù hợp nhằm huy động học sinh ra lớp. Xây dựng kế hoạch dạy học phân hóa phù hợp với năng lực của học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện, tích cực, thu hút học sinh tham gia. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động để học sinh biết được ý nghĩa, động cơ, trách nhiệm của việc học với bản thân, gia đình và xã hội, từ đó, khơi dậy trong các em ý thức của việc đến trường, đến lớp, nâng cao tính chuyên cần.

Bên cạnh các giải pháp về dạy và học, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố Kon Tum còn quan tâm thực hiện đảm bảo các chính sách hỗ trợ, tăng cường huy động các nguồn xã hội hóa để chăm lo, giúp đỡ học sinh khó khăn ở vùng DTTS. Riêng năm học 2022-2023, thành phố đã huy động được 3.811 bộ sách giáo khoa, nhiều vở và đồ dùng học tập ủng hộ học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo tất cả học sinh có đủ sách vở học tập khi đến trường.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố còn phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh kêu gọi, vận động các nguồn tài trợ để mua thẻ bảo hiểm y tế tặng cho  học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, phần đa là học sinh DTTS, góp phần tốt hơn trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em.

Có thể thấy, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ngành giáo dục, chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum đã có chuyển biến rõ nét. Năm học vừa qua, 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi của thành phố hoàn thành Chương trình giáo dục mầm non, chất lượng khảo sát nghiệm thu bàn giao trẻ mẫu giáo 5 tuổi người DTTS đạt tỷ lệ 100%; 98,7% học sinh DTTS bậc tiểu học hoàn thành chương trình học; 97,07% học sinh DTTS bậc THCS đạt học lực từ trung bình trở lên, 100% học sinh DTTS được công nhận tốt nghiệp THCS.

Dù đã đạt được những kết quả đáng kể, nhưng theo ông Thái Khắc Hòa, công tác giáo dục vùng đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Kon Tum vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một bộ phận học sinh DTTS chưa chuyên cần, vốn tiếng Việt ít dẫn đến hạn chế trong tiếp thu kiến thức, nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm tới việc học tập của con em; cơ sở vật chất của một số trường xuống cấp, thiếu phòng học, phòng chức năng theo quy định…

Vì vậy, để đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS một cách bền vững, thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, chuyên cần; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục. Đồng thời, ưu tiên các nguồn lực đầu tư cho những vùng khó khăn hơn, thực hiện kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với giáo viên, học sinh vùng DTTS.

Thùy Hương

Chuyên mục khác