16/03/2020 13:03
Sau ngày giải phóng, tỉnh ta được sáp nhập với tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Những năm tháng “ở chung một nhà” với tỉnh Gia Lai, thị xã Kon Tum khi ấy ở thế ngõ cụt nên điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, với truyền thống cần cù, anh dũng và yêu nước, người dân thị xã Kon Tum nỗ lực vượt khó, tích cực khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng kinh tế - xã hội ngày một phát triển.
Đến tháng 8/1991, xuất phát từ yêu cầu phát triển chung của đất nước, xu thế và điều kiện phát triển của khu vực Tây Nguyên và tâm tư, nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Kon Tum được “ra riêng”. Từ đây, thị xã Kon Tum bắt đầu một chặng đường mới - chặng đường kiến thiết, xây dựng, phát triển đô thị trung tâm của tỉnh với vô vàn khó khăn và thách thức phía trước, nhưng rất đỗi tự hào.
Nhiều người dân Kon Tum bây giờ vẫn nhớ, những ngày đầu tái lập tỉnh, thị xã Kon Tum lúc bấy giờ chỉ như một thị trấn nhỏ với vài tuyến đường lổm chổm sỏi đá, một vài dãy nhà lèo tèo, những khu đất hoang vắng, rậm rạp. Đêm đêm, vài bóng đèn điện đỏ quạch, vừa tối đến cả thị xã đã rơi vào im lìm, vắng vẻ... Hạ tầng kinh tế - xã hội nghèo nàn, công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ chưa phát triển, đời sống của người dân thiếu thốn, trình độ dân trí thấp...
Ấy vậy mà, bằng nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, những quyết sách đúng đắn về phát triển kinh tế - xã hội được triển khai, các tiềm năng, lợi thế được phát huy, các nguồn lực được khai thác một cách hiệu quả... Nhờ đó, thị xã Kon Tum có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ với một diện mạo mới, phố xá mở rộng hơn, kinh tế phát triển, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
|
Bước tiến lịch sử trong quá trình xây dựng, phát triển đô thị Kon Tum là vào tháng 4/2009, thị xã Kon Tum chính thức “lên” thành phố. Thành phố Kon Tum tiếp tục đặt ra mục tiêu xây dựng và nâng cấp trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Để chinh phục mục tiêu này, suốt hơn 10 năm qua, bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của tỉnh thì Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Kon Tum luôn đồng lòng, chung sức vượt qua mọi khó khăn thử thách. Nhiều chương trình phát triển đô thị được vạch ra, nhiều dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ được triển khai; thành phố đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.
Sự vươn lên mạnh mẽ của thành phố Kon Tum được thể hiện rõ nét trên từng lĩnh vực. Bức tranh kinh tế với những gam màu sáng, đó là, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản.
Chỉ tính riêng năm 2019, tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 19,9%; thu ngân sách nhà nước tại địa bàn đạt trên 1.900 tỷ đồng. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt trên 47 triệu đồng.
Trong sản xuất nông nghiệp, thành phố Kon Tum tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển đổi rõ nét. Đến nay, thành phố đã hình thành một số vùng chuyên canh cây hàng năm, cây lâu năm, vùng sản xuất rau an toàn; diện tích cây mía, cao su, cà phê, mì tiếp tục được củng cố và mở rộng, tạo ra các vùng chuyên canh nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến.
Sản xuất công nghiệp khởi sắc rõ rệt với tổng giá trị toàn ngành năm 2019 đạt 2.285 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 2 khu công nghiệp và 4 cụm công nghiệp. Một số ngành công nghiệp có lợi thế được chú trọng phát triển, tạo sản phẩm có sức tiêu thụ trên thị trường như cà phê, gạch, ngói; một số nghề thủ công truyền thống được khôi phục, phát triển tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Không gian đô thị Kon Tum được sắp xếp, mở rộng theo quy hoạch, diện mạo đô thị ngày càng khang trang, hệ thống kết cấu hạ tầng tương đối hoàn thiện, đồng bộ, thuận lợi cho giao lưu, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả như: Dự án mở rộng tuyến vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; dự án Siêu thị Co.op Mart Kon Tum; Trung tâm thương mại Vincom Plaza; dự án nhà máy xử lý, tái chế rác sinh hoạt... Một số dự án tiếp tục triển khai thực hiện đầu tư như dự án Khu dân cư Hoàng Thành; dự án Bệnh viện tư nhân quốc tế Vạn An; dự án khu phức hợp Trung tâm thương mại - Shophouse Vincom Kon Tum...
Phong trào xây dựng nông thôn mới ở thành phố Kon Tum được quan tâm chỉ đạo và mang lại hiệu quả thiết thực trong xây dựng diện mạo các xã vùng ven, thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố phát triển. Đến nay, thành phố có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tất cả 11 xã đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm được các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Hiện nay, thành phố Kon Tum không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,17%. Giáo dục - đào tạo được chăm lo phát triển, đạt kết quả khá toàn diện với 65 trường công lập, 13 trường dân lập tư thục, chất lượng giáo dục được nâng lên với 29/65 trường đạt chuẩn quốc gia.
Có thể nói, sau 45 năm giải phóng, một thị xã Kon Tum nhỏ về quy mô, diện tích, nghèo nàn về cơ sở vật chất đã mang dáng dấp của một thành phố trẻ - năng động, văn minh, hiện đại. Đây là một chặng đường nhiều gian khó, nhưng cũng đầy tự hào với Đảng bộ, chính quyền và người dân thành phố Kon Tum.
Thùy Hương