26/03/2019 13:01
Thôn 9, xã Ia Tơi cách trung tâm huyện Ia H’Drai gần 60 cây số, ở đây, ngoài đồng bào dân tộc Thái còn có dân tộc Mường, Dao, Sán Dìu, Kinh… từ các tỉnh miền Trung, miền núi phía Bắc vào lập nghiệp. Trên quê hương mới, cùng với phát triển kinh tế, người dân nơi đây, trong đó có các đoàn viên thanh niên còn chú trọng gìn giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Anh Vi Văn Thu – Bí thư Đoàn xã Ia Tơi cho biết, đoàn viên thanh niên trên địa bàn xã rất tích cực trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tiêu biểu nhất phải kể đến Chi đoàn thôn 9. Chi đoàn thôn 9 hiện có 40 đoàn viên thanh niên và là chi đoàn nổi bật với phong trào văn nghệ, thể dục, thể thao. Từ năm 2010 đến nay, Chi đoàn thôn 9 đã chủ động phối hợp với Chi hội phụ nữ thôn lập đội văn nghệ nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Thái.
|
Tại buổi sinh hoạt của đội văn nghệ thôn 9, dường như sự xuất hiện của chúng tôi đều không ảnh hưởng đến quá trình tập luyện của đội, ai nấy đều chăm chú, hăng say tập luyện. Thanh niên và phụ nữ ở đây đang cùng nhau múa xòe, nhảy sạp …
Anh Mạc Văn Toại – Bí thư Chi đoàn thôn 9, cũng là thành viên đội văn nghệ cho hay, buổi tập văn nghệ của đội thường được lồng ghép vào sau mỗi buổi họp thôn. Khi đội văn nghệ được thành lập, ai nấy cũng đều hăng hái tham gia. Trước những ngày lễ, tết hay trước những dịp cưới hỏi trong thôn, đội đều tập luyện để biểu diễn.
“Sau nhiều năm thành lập, năm 2017, lần đầu đội đi biểu diễn ở huyện. Năm 2018, đội vinh dự đại diện cho huyện đi biểu diễn ở Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 với 3 tiết mục”- anh Toại nói.
Anh Toại cũng chia sẻ, để giữ gìn, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống không có cách nào nhanh hơn việc học hỏi từ lớp người đi trước. Do vậy, thanh niên trong thôn luôn chủ động học hỏi từ những người lớn tuổi trong thôn.
Như mỗi lần lên rẫy lúa, thanh niên thôn 9 đều tự học hỏi, tìm hiểu về Khua Luống (Quánh Long) từ những phụ nữ trong thôn. Khua Luống là một nét văn hóa truyền thống của người Thái, bắt nguồn từ công việc giã gạo của người phụ nữ trong gia đình. Khi mặt trời chưa ló khỏi ngọn núi, phụ nữ Thái đã dậy để giã gạo, tiếng chày giã gạo từ đây phát ra tiếng theo nhịp và dần đều. Để bớt mệt nhọc, người giã gạo khua thêm một vài nhịp vào thành luống (cối giã) hoặc khua chày với nhau để tạo ra tiếng kêu vui tai.
Hay mỗi lần đi cạo mủ cao su, thanh niên trong thôn đều học và hát Khắp cùng những phụ nữ trong thôn. Khắp là dùng thơ để hát, có nhịp điệu và tiết tấu. Vừa làm, vừa hò, cứ thế làn điệu dân ca đặc trưng của người Thái lại âm vang cả núi rừng.
Thời gian rảnh, thanh niên lại ngồi cùng người lớn tuổi trong thôn để tìm hiểu về cồng chiêng và các nhạc cụ khác, học cách làm, cách biểu diễn các nhạc cụ này. Đồng thời, tìm hiểu về lễ hội Chá Chiêng (lễ hội cầu mưa thuận, gió hòa, cây lúa lên xanh, cây trồng được đâm chồi, nảy lộc, cầu sức khỏe, may mắn).
Nhắc đến văn hóa người Thái, không thể không nhắc đến múa xòe và múa, nhảy sạp. Đoàn viên Vi Văn Tài chia sẻ, thôn chỉ có 1 bộ dụng cụ nhảy sạp, qua thời gian, cây sạp sẽ bị bể, nứt hay giòn, gãy do bị gõ. Không ai bảo ai, cứ 1 – 2 tháng/lần, anh cùng các đoàn viên khác lại chủ động đi vào rừng chọn những cây tre to, dài để chặt và đem về làm bộ nhảy sạp mới.
Khoe với chúng tôi chiếc áo đang mặc trên người, anh Tài chia sẻ, đây là trang phục truyền thống của người đàn ông Thái, anh cũng như bao thanh niên khác, đã đem theo và gìn giữ chiếc áo này từ Thanh Hóa khi vào đây lập nghiệp.
Anh Mạc Văn Toại tâm sự, hầu hết thanh niên thôn 9 luôn tâm nguyện, ý thức, dù đi đâu cũng phải giữ gìn bản sắc văn hóa của mình. Không chỉ có văn nghệ, thể thao dân tộc cũng được thanh niên chúng tôi tổ chức và tham gia thường xuyên như: ném (tung) còn, kéo co, bắn nỏ, tó má lẹ…
“Tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, mỗi dịp sinh hoạt hè, chúng tôi đều lồng ghép các hoạt động văn hóa vào để các em thiếu nhi trong thôn được tìm hiểu và học hỏi” - anh Toại nói.
Bằng những việc làm cụ thể, thanh niên thôn 9 đã và đang phát huy vai trò trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc, tạo dấu ấn đậm nét của màu áo xanh tuổi trẻ đối với cộng đồng dân cư nơi đây.
Đức Thành