16/02/2019 13:13
Sau Tết, vấn đề về kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm với công việc ở các cơ quan Nhà nước luôn được nhiều người quan tâm, bởi lâu nay vẫn còn một số cán bộ, công chức, viên chức có thói quen coi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” nên ăn Tết dài, lơ là, trễ nải trong công việc.
Sở dĩ, ông cha ta có câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” là bởi vì ngày xưa, sau Tết Nguyên đán là thời gian nông nhàn, người dân bước vào mùa du xuân, lễ hội. Thế nhưng, trong bối cảnh ngày nay, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, sự chuyển hóa mạnh mẽ nền kinh tế từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, sang công nghiệp- dịch vụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất với sự phân công lao động gay gắt, diễn ra trên quy mô rộng lớn; vì vậy, để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, không cho phép người dân nghỉ chơi cả tháng, mà ngay sau Tết, mọi người đã phải bắt tay ngay vào công việc, thậm chí là làm việc cả trong những ngày Tết.
|
Trong dịp nghỉ Tết, cũng như cả nước, trên địa bàn tỉnh ta, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì. Các đơn vị công an, bệnh viện, cơ quan báo, đài... hầu như cán bộ, công nhân viên đều phải làm việc xuyên Tết để đảm bảo an ninh trật tự, phục vụ công tác khám chữa bệnh, cung cấp thông tin thời sự cho người dân. Hay như các đơn vị Hải quan cũng cử cán bộ làm việc trong suốt thời gian nghỉ Tết để phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp...
Cùng với đó, tất cả các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đến ngày 11/2 đều đã mở cửa làm việc theo quy định. Những năm gần đây, các cán bộ, công nhân viên ngày càng nâng cao trách nhiệm cũng như tích cực đổi mới lề lối làm việc nên sau kỳ nghỉ Tết đã quay lại với công việc với tinh thần, thái độ nghiêm túc. Cán bộ, công chức không còn đủng đỉnh, thong thả làm việc trong những ngày đầu xuân mà đã chủ động và khẩn trương hơn khi bắt tay vào công việc, thực hiện tốt giờ giấc và kỷ cương hành chính...
Không chỉ có cán bộ, viên chức, công nhân lao động mà ngay cả người nông dân, từ ngày mùng 3, 4 Tết cũng đã ra đồng, ra rẫy để chăm sóc các loại cây trồng. Thương nhân, tiểu thương cũng mở hàng buôn bán từ những ngày đầu của năm mới. Điều đó cho thấy, quan niệm tháng Giêng là để ăn chơi đã dần được thay đổi.
Để tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi”, năm nào cũng vậy, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ luôn chỉ đạo rất quyết liệt các bộ ngành, địa phương về việc hạn chế những mặt tiêu cực của lễ hội trong dịp Tết và sau Tết; xử lý, giải quyết công việc ngay ngày làm việc sau Tết, không để chậm trễ công việc do nghỉ Tết, nhất là những công việc tồn đọng từ trước Tết, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như công việc của người dân.
Năm nay, ngay trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình Tết Nguyên đán Kỷ Hợi và những nhiệm vụ trọng tâm triển khai sau Tết diễn ra vào ngày đầu tiên đi làm của năm Kỷ Hợi 2019 (11/2/2019), cùng với việc đánh giá lại việc thực hiện các chỉ đạo trong dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bắt tay ngay vào công việc, chỉ đạo đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh ngay trên cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; các cơ quan hành chính không tổ chức du xuân, liên hoan, chúc Tết làm ảnh hưởng đến thời giờ, hiệu quả làm việc; tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Các cấp, các ngành cần tập trung theo dõi sát tình hình thực tiễn, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh...
Có thể nói, tư tưởng “tháng Giêng là tháng ăn chơi” để rồi “đầu năm thong thả, cuối năm vội vã” đã dần được thay đổi. Việc bắt tay vào công việc ngay từ những ngày đầu năm mới để gặt hái những thành công là điều cần thiết đối với mỗi người, mỗi đơn vị và khi đó tháng Giêng sẽ là tháng tạo đà cho những thuận lợi, thành công trong cả năm.
Thuỳ Hương