26/07/2019 13:15
Vào những ngày giữa tháng 4/2012, tôi cùng các đồng nghiệp có một chuyến tham dự Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên tại tỉnh Quảng Bình. Sau khi Hội thảo kết thúc, chúng tôi được báo bạn tổ chức chuyến tham quan một số địa danh nổi tiếng của địa phương. Điều làm tôi xúc động mãi đến tận bây giờ là được viếng thăm Khu Di tích lịch sử Hang Tám cô.
Hang Tám cô nằm trên Đường 20 - Quyết Thắng thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Mặc dù chiến tranh đã qua đi nhiều năm, nhưng câu chuyện kể về Hang Tám cô vẫn khiến cho những ai một lần ghé qua đây cũng phải nghiêng mình cảm phục về sự hy sinh anh dũng của những thanh niên xung phong. Họ là những cô gái, chàng trai tuổi đời chỉ mới đôi mươi, đi theo tiếng gọi của quê hương, đất nước, lên đường chiến đấu, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Hình ảnh cao đẹp của họ mãi mãi là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay học tập và noi theo.
Sau những ngày tham quan các tỉnh phía Bắc, chúng tôi lại trở về Tây Nguyên. Dọc theo con đường Hồ Chí Minh, đoàn chúng tôi ghé thăm Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc. Đúng 11 giờ trưa, trong cái nắng chói chang của miền Trung, từ trên xe bước xuống, trước mắt chúng tôi là ngút ngàn cây xanh và mùi thơm của hương đồng.
Đoàn chúng tôi, ai cũng không cầm lòng được khi đứng trước hàng mộ của tiểu đội 10 nữ thanh niên xung phong, cùng hy sinh vào ngày 24/7/1968. Từng người trong đoàn, ánh mắt nhòe đi, với nén hương thơm thành kính dâng lên các chị để tưởng nhớ 10 đóa hoa tuổi mới mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời đã hy sinh anh dũng. Giữa đại ngàn đầy nắng, hương bồ kết thoảng đưa như mùi hương tóc các chị vẫn còn vấn vương đâu đây trong gió.
Rời Ngã ba Đồng Lộc, trong mỗi người chúng tôi ai ai cũng rưng rưng ngấn lệ, xúc động, ngậm ngùi nghĩ về o Tần, o Cúc, chị Hợi, chị Nhỏ, chị Xuân, chị Hạ, chị Hường hay o Rạng, o Xuân, o Xanh - những người con gái đã đi vào huyền thoại. Tổ quốc sẽ mãi gọi các chị là những “đóa hoa bất tử”.
Và trong cuộc hành trình này, không thể không kể đến Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nơi yên nghỉ của hơn 10.000 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong 6.000 ngày đêm khai mở, giữ vững và phát triển con đường Trường Sơn. Họ sẵn sàng gác lại ước mơ của mình, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
|
Và xúc động hơn khi chúng tôi nhìn thấy phần mộ của các liệt sĩ A Huynh, M-Long, A Don…là những người con được sinh ra trên mảnh đất huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Thắp nén hương thơm viếng hương hồn các anh, lòng chúng tôi càng trào dâng niềm xúc cảm, tự hào về những người con trung hiếu của quê nhà.
Dù các anh đã mãi mãi nằm trong lòng đất mẹ, nhưng bao thế hệ người Việt Nam sẽ “Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ”.
Để kết thúc cuộc hành trình dài và trở về nhà theo đúng lịch trình, ngay từ sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi có mặt ở Thành cổ Quảng Trị - nơi chứng kiến 81 ngày đêm của “mùa hè đỏ lửa năm 1972”.
Lần đầu đến với Thành cổ, trong tôi mang một cảm giác bồi hồi, xúc động. Như quên hết mệt nhọc, chúng tôi nhanh chóng xuống xe, chỉnh đốn trang phục, hòa mình cùng dòng người vào thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Các anh đã anh dũng ngã xuống trong chiến trường khốc liệt, mang theo tuổi thanh xuân, mang theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất mẹ.
Trong không khí trang nghiêm, lời của cô thuyết minh khiến cho đoàn người chúng tôi ai cũng xúc động mạnh. Nhớ nhất, xúc động nhất với tôi là câu chuyện về liệt sĩ Lê Văn Huỳnh ở huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình). Như biết trước đã hy sinh, anh Huỳnh đã tự khắc cho mình tấm bia ghi rõ họ, tên, quê quán, ngày tháng năm sinh… Anh còn viết những bức thư đầy xúc động, trách nhiệm với gia đình, quê hương, đất nước gửi cho mẹ và vợ với tinh thần bất khuất và tình cảm thiêng liêng…
Tạm biệt Thành cổ Quảng Trị, có lẽ chưa hết xúc động nên cả đoàn chúng tôi ai cũng lặng lẽ, trầm tư. Mỗi tấc đất trong lòng Thành cổ là một cuộc đời có thật. Về với mảnh đất linh thiêng, hào hùng và bi tráng một thời hoa lửa, chúng tôi kính cẩn nghiêng mình trước hương hồn các anh hùng liệt sĩ, thắp nén hương thơm tưởng nhớ đến những người mãi mãi nằm lại ở Thành cổ với lòng thành kính và biết ơn vô hạn…
Tháng 7 về, ký ức của chuyến về nguồn gợi lên trong tôi bao cảm xúc. Xin tỏ lòng thành kính tri ân những người đã cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Hạ Mi