Tháng 7, về thăm Di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần

10/07/2017 19:21

Tháng 7, hòa vào dòng người về thăm chiến trường xưa, chúng tôi có dịp ghé thăm khu Di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần và thành kính thắp nén nhang tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã an nghỉ nơi đây. Sau 45 năm - kể từ chiến thắng oai hùng ngày ấy, giờ đây, khu di tích đã trở thành địa điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa khi đến với Kon Tum; đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho bao thế hệ người dân Kon Tum.

Lịch sử hào hùng

Plei Kần theo tiếng của đồng bào Xê Đăng là “làng lớn”. Trước năm 1965, đây là nơi chung sống thuận hòa của bà con đồng bào Xê Đăng và đồng bào Brâu trong một ngôi làng yên bình ở khu vực ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Cuối năm 1964, nhận thấy vị trí chiến lược quan trọng khu vực ngã ba biên giới Đông Dương, Mỹ ngụy thực hiện chính sách dồn dân lập ấp để cách ly đồng bào với lực lượng cách mạng, dồn dân về làng Đăk Rnăng (Tân Cảnh, Đăk Tô) lập ấp chiến lược.

Năm 1966, Mỹ tiến hành xây dựng Plei Kần thành căn cứ quân sự nằm án ngữ khu vực ngã ba Đông Dương (ta thường gọi là Căn cứ Plei Kần) nhằm chặn sự tiến công của bộ đội chủ lực của ta từ Bắc vào và từ Lào, Campuchia sang.

Toàn căn cứ có các khu A, B, C, D, E, được bố trí liên hoàn trên 5 quả đồi cách nhau từ 600 - 1.000m. Trong đó, khu A là khu trung tâm. Tại đây có 1 phân đội xe tăng, sân bay quân sự, sân bay dã chiến, trận địa pháo 155 ly, 105 ly, hệ thống hầm ngầm, lô cốt, bệnh viện, kho tàng…

Căn cứ được bao bọc bởi 8 đến 12 lớp kẽm gai. Từ năm 1969, tại đây, thường xuyên có từ 450 - 500 lính biệt động biên phòng (Tiểu đoàn 95 Biệt động biên phòng) và 2 đại đội pháo binh của E 42 (Sư đoàn 22) của Ngụy.

Di tích lịch sử chiến thắng Plei Kần là điểm tham quan của nhiều du khách về thăm lại chiến trường xưa

 

Đầu tháng 10/1972, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên giao cho Sư đoàn 10 nhiệm vụ tiêu diệt Căn cứ Plei Kần. Trung đoàn 66, Tiểu đoàn 37 đặc công và hầu hết lực lượng pháo binh Sư đoàn được lệnh tiến công.

10h sáng 12/10/1972, từ các trận địa pháo xung quanh pháo binh ta dồn dập nã đạn. Tất cả các loại pháo D74, 105 ly, 155 ly DKZ, B72, cối 106 ly… đồng loạt bắn phá các mục tiêu trong căn cứ. Dưới sự yểm trợ của bộ binh, pháo binh và bộ đội đặc công cắt rào mở cửa.

Đến 11h trưa, với sự yểm trợ đắc lực của pháo binh, xe tăng và bộ binh ta đã anh dũng xông lên đánh chiếm các mục tiêu. Cuộc chiến đấu trong căn cứ diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành nhau từng lô cốt, hầm ngầm, công sự… Với tinh thần quả cảm, ngoan cường, sau gần 1 ngày đêm chiến đấu, đến rạng sáng 13/10/1972, ta đã hoàn toàn làm chủ Căn cứ Plei Kần.

Kết quả, ta đã diệt 404 tên địch, bắt sống 65 tên, bắn rơi và phá hủy 6 máy bay, thu 6 pháo 105 ly, 2 pháo 155 ly, 4 xe tăng và toàn bộ kho tàng đạn dược.

Với chiến thắng Căn cứ Plei Kần, chúng ta đã hoàn chỉnh vùng giải phóng phía bắc Kon Tum, khai thông tuyến hành lang biên giới Đông Dương, con đường vận tải chiến lược của ta từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trở thành một hệ thống liên hoàn vững chắc và giải phóng hàng chục ngàn dân.

...Và tấm lòng tri ân

Ngày nay, khu di tích chiến thắng Plei Kần nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Đăk Xú (huyện Ngọc Hồi).

Đứng bên nhà bia khu di tích, ông Lương Văn Hưng – Phó Chủ tịch xã Đăk Xú cho biết, để làm tốt công tác bảo vệ, quản lý Nhà bia tưởng niệm di tích, những năm qua, xã đã giao cho Chi hội cựu chiến binh thôn Ngọc Thư (xã Đăk Xú) trực tiếp đảm nhận phần việc này. Phát huy phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ", góp phần cùng với địa phương thể hiện tấm lòng tri ân sâu sắc đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì quê hương, đất nước, những người cựu chiến binh nơi đây đã thực hiện khá tốt công việc này.

Đến thăm khu di tích vào những ngày tháng 7, chúng tôi bắt gặp những hình ảnh thật ý nghĩa của các cựu chiến binh thôn Ngọc Thư đang quét dọn khu nhà bia tưởng niệm, chăm sóc vườn cây trong khuôn viên khu di tích.

Các cựu chiến binh chăm sóc, quét dọn bia di tích

 

Trong bộ trang phục của cựu chiến binh Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đạo - Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Ngọc Thư nở nụ cười thật hồn hậu khi nghe chúng tôi hỏi về việc làm của các hội viên trong chi hội.

Vừa cẩn thận lau tấm bia ghi công 310 liệt sĩ tại nhà bia tưởng niệm, ông Đạo cho hay: 3 năm nay, chi hội cựu chiến binh thôn đã đảm nhận phần việc này. Xác định đây là việc làm ý nghĩa, tri ân những anh hùng liệt sĩ, đồng thời đây là địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ nên 22 hội viên cựu chiến binh trong chi hội đều tích cực tham gia.

Ông Đạo cho biết, hằng tháng, chi hội phân công 2 - 3 hội viên luân phiên nhau quét dọn khu di tích. Vào các ngày lễ, tết, chi hội tổ chức cho các hội viên  cùng tham gia đồng loạt. Để tạo cảnh quan khu di tích thoáng mát, 2 năm nay, các hội viên trong chi hội cựu chiến binh thôn Ngọc Thư còn tự nguyện đóng góp tiền để mua 100 cây xanh các loại để trồng xung quanh khuôn viên.

Cựu chiến binh thôn Ngọc Thư trồng cây xanh tạo bóng mát trong khuôn viên Khu di tích

 

Cựu chiến binh Vũ Trọng Huấn chia sẻ, là bộ đội phục viên, năm 2000 ông cùng gia đình và cả trăm hộ dân từ huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) đi kinh tế mới vào xã Đăk Xú. Tự hào được Đảng và Nhà nước bố trí định cư ở mảnh đất có truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng nên ai nấy đều nỗ lực làm ăn để xây dựng làng quê ngày một khởi sắc.

Nhìn tấm bia khắc ghi tên những liệt sĩ trong đó có những người con của quê hương ông, ông Huấn bùi ngùi, cùng là "Bộ đội Cụ Hồ", may mắn trở về sau chiến tranh, tôi luôn biết ơn những đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc, vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sự hy sinh cao cả đó là để chúng ta có được cuộc sống độc lập, hạnh phúc, ấm no ngay hôm nay. Vì vậy, khi được chính quyền địa phương tin tưởng giao cho trọng trách trực tiếp chăm sóc khu di tích lịch sử này, mỗi cựu chiến binh trong chi hội ai cũng tự hào.

Anh Lại Thế Điệp – Bí thư Đoàn xã Đăk Xú khẳng định, việc làm ý nghĩa của các cựu chiến binh đã góp phần giáo dục thế hệ trẻ nơi đây hiểu và tự hào hơn về truyền thống cách mạng. Mỗi năm, vào những ngày lễ trọng đại của đất nước, của địa phương, nhất là dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ, tuổi trẻ xã Đăk Xú cũng đã phối hợp với các cựu chiến binh chăm sóc khu di tích, đặc biệt vào mỗi dịp 27/7 đều tổ chức thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

 Bài, ảnh: Tú Quyên

Chuyên mục khác