Tháng 5 - về Khu di tích lịch sử K9

18/05/2019 06:03

K9, còn được gọi là Khu di tích Đá Chông, nằm trong quần thể dãy núi Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc thành phố Hà Nội. K9 từng là căn cứ địa của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đây cũng là nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài của Bác từ 1969-1975, thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất.

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, hòa cùng dòng người từ khắp mọi miền của Tổ quốc, chúng tôi về thăm Khu di tích K9 – di tích có ý nghĩa lịch sử, văn hóa đặc biệt gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người còn sống đến lúc Người đi xa.

Khu di tích K9 ẩn mình trong rừng cây rậm rạp, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội gần 70 km về phía Tây, với diện tích khoảng 234 ha, phần lớn là đồi núi, rừng và hồ nước rộng. Nơi đây sở hữu nhiều tảng đá thon nhọn tựa mũi chông như mọc ở dưới đất lên, vì thế mà người dân địa phương gọi địa danh này là Đá Chông.

Theo các tư liệu được ghi chép lại, tháng 5 năm 1957, trong một lần đi kiểm tra Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà, trên đường về, Bác và các đồng chí trong đoàn đã dừng chân nghỉ ăn cơm trưa trên đồi, nơi có ba mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau. Thấy địa thế nơi đây hiểm trở, phong cảnh đẹp, khí hậu mát mẻ, Bác đã trao đổi với các đồng chí cùng đi, ngỏ ý chọn vị trí này làm nơi nghỉ ngơi và làm việc  của Bác và Trung ương, đề phòng chiến tranh có thể mở rộng toàn quốc.

Cuối tháng 2 năm 1958, Bác Hồ lên thăm, xem xét lại địa bàn khu vực Đá Chông và quyết định chọn nơi đây để xây dựng làm căn cứ của Trung ương.

Ba mỏm đá trong Khu di tích - nơi Bác dừng chân nghỉ, ăn trưa. Ảnh: HT

 

Sau chuyến đi của Bác, Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành xây dựng một ngôi nhà làm vị trí hội họp, nghỉ ngơi của Bác và Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Xung quanh là hệ thống công sự kiên cố, khu vực này đặt tên là công trường K9. Những năm có chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ, nhiều lần Bác và các đồng chí trong Bộ Chính trị đã lên làm việc tại đây.

Sau khi Bác mất (ngày 2/9/1969), Đảng và Nhà nước chọn địa điểm K9 là nơi đầu tư trang thiết bị kỹ thuật để gìn giữ thi hài Bác. Ngày 15/12/1969, công trình gìn giữ thi hài Bác tại K9 đã hoàn thành. Để giữ bí mật, K9 đổi thành K84. Đúng 23 giờ ngày 23/12/1969, thi hài Bác đã được di chuyển từ K75A đưa vào nơi lưu giữ ở K84 một cách an toàn, đảm bảo kỹ thuật tuyệt đối vào sáng ngày 24/12/1969. Từ thời điểm này, Khu căn cứ Đá Chông thực hiện nhiệm vụ đặc biệt “Giữ yên giấc ngủ của Người”. 

Ngày 18/7/1975, thi hài Bác được di chuyển về công trình Lăng của Người tại Ba Đình lịch sử để đồng bào, chiến sĩ cả nước cũng như kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đến thăm viếng Người…

Đến thăm Khu di tích hôm nay, mọi người đều không kìm nén được sự xúc động, bởi từng hình ảnh, hiện vật đều mang đậm dấu ấn của Người. Trong đó, hình ảnh gợi nhắc nhiều về Bác chính là ngôi nhà 2 tầng được thiết kế theo kiểu nhà sàn của Bác ở Phủ Chủ tịch. Ngôi nhà này được Bác chỉnh sửa thiết kế và chọn hướng, khởi công xây dựng vào tháng 5/1958, hoàn thành vào tháng 3/1960. Ngôi nhà nhìn về hướng Nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ râm mát. Tầng 1 của ngôi nhà có 2 phòng, trong đó phòng lớn được bố trí làm phòng họp chính của Trung ương. Tại căn phòng này, Bác đã cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị họp bàn, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và tiếp 2 đoàn khách quốc tế. Tầng 2 của ngôi nhà có 4 phòng, gồm 1 phòng họp, 2 phòng nghỉ của khách và 1 phòng nghỉ của Bác. Khu nhà bếp và phòng ăn được nối với nhà làm việc bằng lối đi có mái che. Các lối đi quanh nhà đều được rải sỏi cuội theo gợi ý của Bác để vừa làm cho nhà mát hơn, vừa có tác dụng tạo tiếng động đề phòng có thú dữ, biệt kích đi vào…

Nửa thế kỷ đã trôi qua, các vật dụng trong ngôi nhà vẫn được giữ gìn gần như nguyên vẹn, sắp đặt ngăn nắp, gọn gàng.

Lặng ngắm từng kỷ vật, từ chiếc đệm cỏ của đồng bào Thái (Sơn La) tặng Bác, chiếc lọ cắm hoa, chiếc đèn ngủ, bộ bàn ghế Bác ngồi làm việc, đến các đồ dùng trong nhà bếp, trên bàn ăn…tất cả đều đơn sơ, giản dị, thể hiện cuộc sống đời thường thanh bạch của vị lãnh tụ vĩ đại, tấm gương sáng ngời về phẩm chất đạo đức cao đẹp, suốt đời hy sinh, phấn đấu quên mình cho đất nước và hạnh phúc của nhân dân…

K9 – Khu căn cứ địa năm xưa, nơi lưu giữ những dấu ấn, phong cách sống của Bác, nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh, nay được mở rộng khang trang, sạch đẹp.

Hằng năm, Khu di tích đã đón tiếp số lượng lớn đồng bào trong nước, khách quốc tế đến tham quan, tưởng niệm; là địa chỉ đỏ để tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, văn hóa, nghệ thuật, trồng cây lưu niệm, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác cho thế hệ trẻ.

Bác đã đi xa, nhưng K9 – Đá Chông hôm nay vẫn in đậm hình bóng của Người.

Đoàn cựu chiến binh chụp hình lưu niệm trước khu nhà làm việc của Bác. Ảnh: HT

 

 

Nhằm phát huy giá trị văn hóa, ý nghĩa chính trị của Khu Di tích K9 trong giai đoạn mới, ngày 2/11/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1649/QĐ-TTg “Về việc thành lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan đặc biệt Di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội”, gọi tắt là Khu rừng K9, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam. HT

Hoàng Thúy

 

 

 

Chuyên mục khác