Tháng 4 hành hương về Đất Tổ

25/04/2018 07:09

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi có dịp hoà vào dòng người hành hương về Đất Tổ. Tận trong sâu thẳm tâm khảm của mỗi người dân Đất Việt, ước vọng một lần trong đời được hành hương về Khu di tích lịch sử Đền Hùng, dâng một nén nhang thành kính tri ân tiền nhân là niềm vui, là sự vinh hạnh mà không phải ai cũng có thể thực hiện được, nhất là những người ở vùng Tây Nguyên xa xôi như tôi.

Đền Hùng được dựng trên núi Nghĩa Lĩnh, giữa đất Phong Châu, ngày nay là xã Hy Cương, cách trung tâm thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ khoảng 10km.

Quần thể Di tích Đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175m. Ngày8/2/1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể Khu di tích lịch sử Đền Hùng lần thứ nhất, tạo tiền đề cho việc đầu tư xây dựng nhiều công trình hạng mục trong khu di tích.

Ngày6/1/2001, Chính phủ ban hành Nghị định số 82/2001/NĐ-CP, quy định về quy mô, nghi lễ tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng hàng năm.

Ngày 6/12/2012, UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại với những yếu tố thuộc đời sống tâm linh của người Việt Nam đã tồn tại từ hàng nghìn năm nay, thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng. Tính độc đáo của tín ngưỡng này thể hiện rất rõ ở yếu tố thờ Hùng Vương chính là thờ Quốc Tổ. Đây là hiện tượng văn hóa không phải dân tộc nào cũng có.

Lần đầu tiên được về Đền Hùng, đặt chân lên mảnh đất đã sinh ra dòng giống Tiên Rồng, cảm xúc trong tôi thật khó tả. Hơn bao giờ hết, câu ca “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn…” lại có ý nghĩa với tôi như lúc này.

Đứng trước mỗi cảnh quan, mỗi ngôi đền, lòng tôi dường như lắng lại. Lịch sử 18 đời Vua Hùng dựng nước và giữ nước hiện lên sống động qua mỗi công trình kiến trúc cổ.

Từ bao đời nay, Ðền Hùng đã trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc, là nơi mà mỗi người dân Việt Nam dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc vẫn luôn hướng về với tấm lòng thành kính, biết ơn.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng là một trong năm khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, đã được Nhà nước xếp hạng. Ngoài quần thể kiến trúc, nghệ thuật tinh xảo, nơi đây còn có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới phong phú, có giá trị về mặt đa dạng sinh học.

Rừng quốc gia Đền Hùng là một loại rừng đặc biệt. Nó là sự “kết duyên” giữa rừng tự nhiên với rừng trồng. Rừng quốc gia Đền Hùng từ lâu đã trở thành người bạn gần gũi gắn liền với cuộc sống thường nhật và tâm linh của người dân với nơi thờ cúng tổ tiên.

Đặc biệt, rừng Đền Hùng không chỉ có một số cây quý của rừng nguyên sinh mà còn có một số cây quý được trồng trong các đền, chùa, lăng, miếu gắn với các truyền thuyết và tâm linh của người Việt, như cây vạn tuế hơn 800 tuổi, cây đại gần 500 tuổi, cây chò nâu 100 năm tuổi…

Chị Phạm Thị Kim Dung - Phó tổng biên tập Báo Phú Thọ cho biết: Trong những năm gần đây, Khu di tích Đền Hùng luôn được tu bổ khang trang, bề thế, sạch đẹp hơn trước rất nhiều, nhưng vẫn giữ được nét cổ kính xưa. Từ cổng chính lên đã được lát 1.091 bậc đá dẫn lên Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, với tổng trị giá lên tới 26 tỷ đồng. Tất cả số bậc thang này đều được làm bằng đá mang từ Bình Định và các tỉnh miền Đông Nam bộ ra… Báo Phú Thọ với Chương trình “Hành trình tuổi trẻ Báo Đảng về nguồn” do Chi đoàn thanh niên của đơn vị triển khai trong khu vực di tích này có diện tích 2.000m2, để trồng các loại cây gỗ quý, cạnh vườn cây Chủ tịch nước. Đến nay, Báo Phú Thọ đã đón hơn 40 đơn vị thuộc Báo Đảng các tỉnh trong nước về dâng hương Đền Hùng và trồng nhiều loại cây trong vườn Báo Đảng.

Đoàn Báo Kon Tum trồng cây tại vườn cây Báo Đảng trong khu di tích Đền Hùng

 

Hòa vào dòng cảm xúc của những người con tìm về nguồn cội, đặt chân lên vùng đất Tổ, chúng tôi đã tham gia trồng cây lưu niệm của Báo Kon Tum trong vườn cây Báo Đảng…

Có dịp về thăm Khu di tích Đền Hùng, trong tôi không khỏi ngỡ ngàng trước kiến trúc, cảnh quan của núi rừng và bầu không khí thiêng liêng trên núi Nghĩa Lĩnh. Đâu đó, tiếng trống hội âm vang, câu hát xoan cất lên đón chào những người con phương xa về với cội nguồn dân tộc.

Riêng tôi, tìm về nguồn cội lần này như thể để tìm về chính mình, về với truyền thuyết các Vua Hùng dựng nước và giữ nước, về với câu chuyện bánh chưng, bánh giầy, nhắc nhở về đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Đền Hùng mãi là nơi lắng đọng những lớp phù sa văn hóa để làm nên những thang bậc giá trị tinh thần cho mỗi thế hệ con Lạc, cháu Hồng… 

                                                                                 Lê Sang

Chuyên mục khác