Thầm lặng xoa dịu nỗi đau cho bệnh nhân phong

15/03/2023 06:02

Bằng lương tâm, trách nhiệm của người thầy thuốc, nhiều năm qua, đội ngũ y, bác sĩ ở Khoa Phong - Da liễu (Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh) luôn nỗ lực xoa dịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần cho các bệnh nhân phong.

Khoa Phong – Da liễu Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh Kon Tum trước đây là Trại phong Đăk Kia - nơi chăm sóc, điều trị các bệnh nhân phong ở tỉnh Kon Tum. Hiện, khoa có 7 cán bộ y, bác sĩ chăm sóc cho 140 bệnh nhân phong trong toàn tỉnh. Trong đó, có 55 bệnh nhân phong đang sinh sống tại thôn Đăk Kia, xã Đoàn Kết.

Bác sĩ Ksor Thu – Trưởng khoa Phong – Da liễu cho biết, phần lớn các y, bác sĩ trong khoa đều tự nguyện xin vào để điều trị, chăm sóc các bệnh nhân phong. Chứng kiến bệnh nhân bị căn bệnh phong quái ác hành hạ, mỗi y, bác sĩ đều tự nhắc nhở phải nỗ lực không ngừng để góp phần xoa dịu nỗi đau cho người bệnh.

Tuổi thơ của bác sĩ Ksor Thu gắn liền với trại phong Đăk Kia, bởi mẹ của cô là bệnh nhân phong. Chứng kiến nỗi đau bệnh tật của mẹ, ngay từ nhỏ, Ksor Thu đã nuôi ước mơ trở thành bác sĩ.

Bác sĩ Ksor Thu tỉ mỉ xử lý vết thương cho bệnh nhân phong. Ảnh: Thu Hiền

 

Ngay khi vừa tốt nghiệp ngành Y đa khoa, Học viện Quân Y cô viết đơn tình nguyện vào công tác tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh (nay là Khoa Phong – Da liễu).

“Có người thân bị bệnh phong nên tôi hiểu sự tự ti, mặc cảm của họ. Chính mẹ tôi ngày xưa đều do các các y, bác sĩ ở đây chăm lo từ giấc ngủ đến xử lý vết thương. Đó là lý do khiến tôi nỗ lực học tập để trở về nơi này chăm sóc cho các bệnh nhân phong” – bác sĩ Ksor Thu bộc bạch.

Mỗi sáng, bác sĩ Ksor Thu đều đi một vòng các phòng bệnh để khám và thăm hỏi bệnh nhân rất ân cần. Cô luôn tâm niệm, bệnh nhân phong là người tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần nên cô luôn dành nhiều thời gian để quan tâm, thăm hỏi nhằm bù đắp phần nào nỗi đau mà bệnh nhân đang gánh chịu.

Không ít câu chuyện được bệnh nhân kể lại khiến bác sĩ Ksor Thu rơi nước mắt. Có những người buộc phải bỏ xứ ra đi vì bị người thân, xóm giềng kì thị, nhiều bệnh nhân khi tâm sự “thèm” được gặp gia đình và ước ao có cơ thể lành lặn.

Sinh ra tại thôn Đăk Kia, nên từ nhỏ, chị Y Viên đã chứng kiến ông bà, bố mẹ và hàng loạt bệnh nhân phong chịu đau đớn về thể chất, tổn thương tinh thần đến suy sụp. Vì vậy, năm 2015, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Điều dưỡng, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.Hồ Chí Minh), Y Viên đã xin vào học việc không lương tại Khoa Phong – Da liễu để được chăm sóc bệnh nhân phong.

Khoa Phong – Da liễu điều trị cho rất nhiều bệnh nhân phong bị tổn thương da trầm trọng, chân tay dị tật. Mỗi ngày chị Y Viên luôn tay luôn chân chăm sóc, thay băng cho hàng chục bệnh nhân nhằm hạn chế vi khuẩn xâm nhập các vết thương.

Bệnh nhân được chăm sóc tại Khoa phong - da liễu. Ảnh: TH

 

“Phải cảm nhận được cái đau của bệnh nhân thì mới chăm sóc, phục vụ được. Bệnh nhân phong rất dễ sinh tâm lý mặc cảm. Quá trình tiếp xúc phải nhẹ nhàng và gỡ mặc cảm của họ xuống thì họ sẽ hợp tác và phấn chấn tinh thần hơn. Nhìn thấy nỗi đau của họ, tôi càng quyết tâm làm tốt công việc của mình” – chị Y Viên tâm sự.

Ông A Brep (43 tuổi) - người đã có 23 năm nương nhờ tại trại phong Đăk Kia cho biết, năm 20 tuổi ông bị bệnh phong. Căn bệnh này không chỉ “ăn” mòn các ngón tay, ngón chân mà còn khiến ông bị người thân, làng xóm xa lánh. Cùng lúc phải gánh chịu nỗi đau về cả thể xác lẫn tinh thần, ông A Brep khăn gói rời gia đình ở xã Đăk Na (huyện Tu Mơ Rông) tìm đến Trại phong Đăk Kia nương nhờ.

“Từ ngày đến Trại phong Đăk Kia, tôi được các y, bác sĩ chăm lo thuốc thang, quan tâm đến từng bữa ăn giấc ngủ. Ở đây, dù có đau đớn về bệnh tật, có buồn về phận đời mình thì tôi vẫn luôn được mọi người động viên để sống tốt hơn, lạc quan hơn” – ông A Brep chia sẻ.

Hàng tháng, đội ngũ y bác sĩ còn đến tận nhà các bệnh nhân để tuyên truyền, vận động, giúp họ phát hiện, điều trị bệnh phong ngay tại nhà. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hỗ trợ kiến thức chuyên môn về bệnh phong cho các nhân viên y tế ở các trạm y tế xã nằm xa cơ sở để cùng phối hợp chăm sóc, điều trị.

Ông Lâm Văn Lênh – Phó Giám đốc Bệnh viện Y dược cổ truyền – Phục hồi chức năng tỉnh cho biết, hiện nay công tác điều trị và phòng ngừa bệnh phong trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực bởi đội ngũ y, bác sĩ luôn nâng cao chất lượng chuyên môn, tận tâm, hết lòng với công việc.

“Cuộc sống của bệnh nhân phong tại thôn Đăk Kia nay đã ổn định hơn. Họ không còn tự ti, nỗi đau bệnh tật cũng vơi đi nhờ sự nỗ lực hết mình của các y, bác sĩ Khoa Phong – Da liễu. Các tổ chức đoàn thể, cá nhân cũng đến thăm, chia sẻ giúp đỡ bệnh nhân phong xóa đi mặc cảm, hoà nhập với cộng đồng” – ông Lênh nói.

Thu Hiền

Chuyên mục khác