Thăm di tích sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng

05/04/2024 06:19

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, xã Mường Phăng (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ) được Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn làm nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch. Tại đây, Bộ Chỉ huy chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” vào ngày 7/5/1954.

Về vùng đất lịch sử Điện Biên trong những ngày này, sau khi đi tham quan các điểm di tích lịch sử, công trình văn hóa ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ như Đồi A1, hầm Đờ Cát, Tượng đài chiến thắng, Đền thờ liệt sĩ; Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, gia đình tôi đã dành trọn một ngày đi thăm di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng.

Cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30 km, sau gần một giờ di chuyển bằng xe ô tô trên cung đường đèo quanh co, uốn lượn trong cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tôi đã có mặt ở Mường Phăng. 

Chỉ sau ít phút đi bộ trên con đường dốc nhỏ đã được nâng cấp bằng bê tông  xuyên dưới cánh rừng Mường Phăng, Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hiện lên trước mắt chúng tôi.

Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Ảnh: HT

 

Qua giới thiệu của hướng dẫn viên di tích, chúng tôi được biết, Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng trên đất Mường Phăng trong vòng 105 ngày, từ ngày 31/1/1954 đến 15/5/1954. Trước đó, địa điểm đầu tiên của Sở Chỉ huy đặt tại hang Thẩm Púa (xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo), từ ngày 17/12/1953 đến 17/1/1954 và địa điểm thứ 2 đặt tại hang Huổi He (nay thuộc xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên) trong thời gian 13 ngày, từ 18/1 đến 30/1/1954).

Sở dĩ Mường Phăng được chọn làm nơi cuối cùng đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch bởi nơi đây là cánh rừng nguyên sinh rậm rạp, chỉ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 10 km theo đường chim bay. Từ Sở Chỉ huy này đi lên điểm cao nhất, có thể nhìn bao quát được thung lũng Mường Thanh và toàn bộ cứ điểm trước kia của quân Pháp ở thành phố Điện Biên Phủ.

Sở Chỉ huy được bố trí dọc theo con suối nhỏ chạy quanh chân núi Pú Đồn, trên diện tích rừng tự nhiên khoảng 90 km2. Đây là một hệ thống chỉ huy và phòng thủ dã chiến gồm các hầm hào, lán trại được làm bằng những vật liệu có sẵn tại khu rừng như tre, luồng, lá móc, lá gồi.

Với cách bố trí hầm, lán trại thành hệ thống liên hoàn, ẩn mình trong rừng già, cơ quan đầu não của Chiến dịch Điện Biên Phủ được đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối.

Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: HT

 

Dạo bước trong khuôn viên di tích, chúng tôi như được đắm mình vào không gian xanh mát của đại ngàn. 70 năm đã trôi qua, Sở Chỉ huy Chiến dịch vẫn được gìn giữ, bảo tồn vẹn nguyên từ đường hầm, đài quan sát, trạm gác tiền tiêu, lán ngủ của điện báo viên, lán làm việc của Ban thông tin, những lán ở và là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các thành viên Bộ Tổng tham mưu, nhà hội trường, nhà tác chiến - nơi giao ban hàng ngày của Bộ Chỉ huy, bếp Hoàng Cầm. Đặc biệt, từ lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có một đường hầm xuyên qua núi, thông sang lán của Thiếu tướng Hoàng Văn Thái - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đường hầm dài 69m, cao 1,70m, rộng từ 1-3m, giữa đường hầm có một phòng họp diện tích 18m2 và có 5 vị trí đặt máy thông tin liên lạc.

Nhiều du khách, trong đó có những cựu chiến binh đã từng vào sinh ra tử, không nén được sự xúc động khi thăm lán ở và làm việc của Đại tướng. Chiếc lán đơn sơ, giản dị như bao chiếc lán khác của cán bộ, chiến sĩ trong khu rừng Mường Phăng. Trong chiếc lán đơn sơ ấy, trên chiếc bàn tre, hàng ngày Đại tướng đều trải rộng tấm bản đồ để nghiên cứu tình hình chiến sự. Cũng tại nơi đây, với tư cách là Tổng Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã cùng với Bộ Chỉ huy Chiến dịch đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định đến thắng lợi của từng trận đánh mà đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào ngày 7/5/1954.

Với tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo của Quân đội ta, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm”, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch.

Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của Quân đội ta đã tung bay trên nóc hầm Sở Chỉ huy của địch. Chiến thắng Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta, ghi một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh Việt Nam.

Rất đông du khách đến với di tích. Ảnh: H.T

 

Đến Mường Phăng, được tận mắt chứng kiến nơi Đại tướng và Bộ Chỉ huy ở, làm việc và chỉ đạo chiến dịch, giúp tôi và nhiều du khách hình dung rõ hơn những khó khăn, gian khổ của quân đội ta, từ đó càng hiểu sâu sắc ý nghĩa, giá trị lịch sử vĩ đại của chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trên đường trở về thành phố Điện Biên Phủ, cậu lái taxi tự hào nói với tôi: Du khách đến Điện Biên mà không đi Mường Phăng thì chuyến du lịch mới thành công một nửa! 

Quả đúng như vậy. Mường Phăng, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống, lòng yêu nước - một điểm hẹn lịch sử không thể bỏ qua khi chúng ta đến với Điện Biên.

Hoàng Thúy

Chuyên mục khác