16/07/2020 06:01
Để lắng nghe những câu chuyện chưa được kể về những người thanh niên xung phong một thời, tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Xuân Mai (sinh năm 1949) tại tổ dân phố 1, thị trấn Đăk Hà. Bà là một cựu thanh niên xung phong đã trải qua thời kỳ bom đạn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nếm trải những niềm vui, nỗi buồn, những mất mát, hi sinh của cuộc chiến.
Với chất giọng khàn khàn hòa lẫn cảm xúc, bà Mai dần dần cuốn tôi vào câu chuyện: Lớn lên trong gia đình vốn có truyền thống cách mạng, năm 16 tuổi (tháng 4/1965), tôi đăng ký tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Nhiệm vụ chính của đội chúng tôi khi ấy là vận chuyển hàng hóa, lương thực, vũ khí cho bộ đội tại địa bàn Quảng Nam – Quảng Ngãi. Ngày đó, tùy theo sức mỗi người mà chúng tôi sẽ phân chia, khuân vác hàng hóa sao cho hợp lý. Ai nấy cũng đều hăng hái gắng sức. Có những chuyến hàng, phải vận chuyển các thùng đầy ắp dầu thắp, mỗi thùng nặng 20kg. Đường đi gập ghềnh, dầu rỉ ra ngoài, bỏng hết cả lưng là chuyện bình thường, ấy thế mà chẳng có một ai kêu ca…
Khi được tôi đặt câu hỏi kỷ niệm về lần khắc sâu trong tâm trí nhất, bà Mai nhớ lại một chuyến đi tại chiến trường Quảng Ngãi: Trong một chuyến vận chuyển hàng hóa qua sông Xà Lò, tôi gùi 2 quả B40 (một loại súng chống tăng cá nhân), 1 khẩu súng AK - 47 và một băng đạn. Sức khỏe yếu, cộng thêm quãng đường dài làm tôi thấm mệt. Khi bước lên thuyền, tôi bị mất thăng bằng và rơi xuống sông. Sức nặng của hàng hóa khiến tôi nhanh chóng bị chìm xuống đáy sông. Xung quanh mọi thứ đều tối đen, tôi cố gắng giãy dụa nhưng không thể nào bơi lên được. May mắn là trong đội có một người lặn rất giỏi, chính anh ấy đã nhanh chóng lao xuống đáy nước rồi đưa tôi lên và tiến hành sơ cứu kịp thời. Đến tận bây giờ, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn thấy rùng mình về khoảnh khắc đó.
|
Nghỉ quãng lấy hơi, bà Mai xuýt xoa: Ngày đó, đến cái ăn bình thường cũng đâu có đủ. Thậm chí, có những lần cả đội thanh niên xung phong chúng tôi phải vô rừng đào rễ cây để ăn qua ngày. Ấy vậy mà không hiểu sao lại có nhiều sức đến thế! Nhưng cũng vì hoàn cảnh ăn uống kham khổ, thiếu thốn, rất nhiều người trong đội bị ảnh hưởng, suy nhược cơ thể.
Chỉ vào cổ họng mình, bà Mai tiếp tục giọng khản đặc – giọng này của tôi cũng là do di chứng từ chiến tranh trong thời gian hoạt động thanh niên xung phong. Ngày đó, bác sĩ chẩn đoán tôi bị bướu cổ do thiếu muối. Sau đó, dù đã được y, bác sĩ cố gắng chạy chữa, nhưng tôi vẫn không thể hoàn toàn lấy lại được giọng nói như khi chưa bị bệnh.
Năm 1966, bà Mai tiếp tục tham gia lực lượng Sư đoàn 3, Quân khu 5. Tại đây, bà được giao hoạt động trong Đội phẫu tiền phương và trở thành một y tá chiến trường với nhiệm vụ cấp cứu, nuôi dưỡng thương binh tại chiến tuyến.
Kể đến đây, bỗng giọng bà Mai trầm lặng hẳn, mắt chừng rướm lệ. “Hoạt động tại đơn vị mới được tầm 2 năm thì tôi nghe được tin bố, mẹ và cả chị hai ở nhà đều bị giặc giết hại. Tôi đã khóc rất nhiều. Nhưng tôi không kể cho một ai biết, vì sợ đồng đội cũng bị ảnh hưởng mà không thể tập trung vào công việc. Quãng thời gian đó, tôi rất muốn quay về quê hương để lo hương khói cho gia đình, nhưng công việc tại đơn vị không thể bỏ dở giữa lúc cuộc chiến đang rất cần người. Sau khi suy nghĩ, tôi tự dặn lòng gác lại việc riêng. Biến nỗi đau thành động lực, tôi tập trung hết mình cho công việc tại chiến trường cho đến khi đất nước giải phóng mới có dịp quay lại quê nhà tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” – bà Mai tỏ bày.
Đất nước được độc lập, bà Mai lại tiếp tục theo đơn vị truy quét Phun-rô tại Tây Nguyên. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bà trở về với cuộc sống đời thường và định cư tại huyện Đăk Hà. Bên cạnh lao động sản xuất, chăm lo xây dựng cuộc sống mới, bà Mai còn được các hội viên tin tưởng bầu làm Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong huyện từ ngày Hội được thành lập cho đến tận bây giờ.
Chào tạm biệt bà Trần Thị Xuân Mai, tôi đến thôn 4, thị trấn Sa Thầy để gặp gỡ bà Trần Thị Thảo (sinh năm 1952) cũng là một thanh niên xung phong của một thời bom đạn ác liệt.
Trong dòng hồi ức, bà Thảo nhớ như in: Năm đó, vì chưa đủ 16 tuổi nên gia đình không đồng ý cho tôi tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Nhưng tôi vẫn quyết tâm lên đường. Ngày đi, tôi không thông báo cho gia đình, vừa đi vừa khóc trên chuyến xe đến với vùng đất phía Tây Quảng Trị - nơi giáp biên giới với nước Lào.
|
Tổ thanh niên xung phong của bà được phân công nhiệm vụ phá bom nổ chậm. Cụ thể, sau khi địch rải bom, bà và đồng đội sẽ kiểm tra những quả bom chưa nổ, để cắm cờ, xác định vị trí để công binh đến phá.
“Tùy vào từng trường hợp, nếu mật độ bom chưa phát nổ dày, thì chúng tôi sẽ hỗ trợ phá cùng với đội công binh. Những năm tháng đó, tuy ác liệt, nhưng ai ai cũng lạc quan. Tôi vẫn nhớ cứ vào khoảng 5 giờ sáng và 5 giờ chiều mỗi ngày, máy bay B-52 của địch lại rải bom. Mấy chị em trong đội ôm nhau nằm dưới hầm, người khóc, người lo sập hầm… Ấy vậy, nhưng khi trận bom vừa kết thúc, mọi người đều an toàn, tiếng hát hò, cười nói lại vang lên như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Rồi có lần địch thả bom làm cháy kho lương, anh chị em trong đội không màng lửa, khói, lao vào cứu lương thực. Mười mấy con người đua nhau khuân vác… Kết quả là mặt mũi đứa nào đứa nấy đều lấm lem, tay chân trầy xước, nhưng đều rất vui mừng vì đa số kho lương được mang ra ngoài an toàn” – bà Thảo kể, như sống lại một thời hào hùng.
Gắn bó với chiến trường, đến năm 1970, cô gái 18 tuổi Trần Thị Thảo đã 2 lần bị thương bởi sức ép của bom đạn. Mặc dù lúc đó đơn vị cân nhắc để bà trở về với gia đình, nhưng bà vẫn kiên quyết ở lại chiến trường. Bà nói với cấp trên của mình: “Sức khỏe em còn đảm bảo, còn cống hiến được, em vẫn có thể tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu”. Chính vì quyết tâm sắt đá như vậy, bà Thảo đã tiếp tục cống hiến trong lực lượng Thanh niên xung phong đến năm 1973.
Năm 1986, bà Trần Thị Thảo đến thị trấn Sa Thầy lập nghiệp. Từ 2 bàn tay trắng, qua quá trình nỗ lực sản xuất, bà đã trở thành một trong những hộ gia đình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn. Đến nay, gia đình bà có 20 ha cao su, 1 ha cây ăn quả (mít, sầu riêng), 0,5ha cà phê và 400 m2 ao cá. Mỗi năm, sau trừ chi phí, gia đình bà Thảo thu được trên 400 triệu đồng.
Lắng nghe những câu chuyện, tôi thật sự khâm phục và cảm động về ý chí cũng như tinh thần lạc quan của thế hệ đi trước. Thật khó để có thể kể hết những mất mát, hy sinh của lớp thanh niên xung phong dũng cảm, kiên cường một thời bom đạn khốc liệt. Khi đất nước hòa bình, họ lặng lẽ trở về cuộc sống đời thường. Hàng ngày, họ vẫn tích cực lao động sản xuất, luôn là những tấm gương sáng để con cháu và các thể hệ trẻ hôm nay noi theo.
Tôi chợt nhớ đến những dòng thơ trong bài “Kỷ niệm một thời” mà bà Trần Thị Xuân Mai đã tự sáng tác: “Xin hãy một lần đến Trường Sơn/Nơi ẩn chứa biết bao huyền thoại/Hẳn sẽ nao lòng một thời nhớ lại/Kỳ tích thuở nào đâu dễ lãng quên…”.
Tất Thành