Thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh

29/04/2024 06:01

Tọa lạc tại số 28 đường Võ Văn Tần, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một điểm du lịch đặc biệt, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan mỗi ngày. Bảo tàng như một thước phim đưa chúng ta trở về giai đoạn lịch sử đầy oai hùng, để hiểu và trân trọng nền hòa bình đang có, đồng thời biết ơn công sức lớn lao của các thế hệ đi trước.

Được thành lập sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975) nhằm lưu lại những chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược, đồng thời để tố cáo tội ác của thực dân, đế quốc và nêu bật những hậu quả tàn khốc của chiến tranh, ban đầu công trình có tên là Nhà trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy, được mở cửa đón tiếp công chúng vào ngày 4/9/1975; năm 1990 đổi tên là Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược và từ năm 1995 đến nay mang tên Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

Ngày 6/11/1998, Bảo tàng chứng tích chiến tranh trở thành thành viên chính thức của hệ thống quốc tế các bảo tàng hòa bình.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Ảnh: H.T

 

Đây là Bảo tàng chuyên nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích tội ác và hậu quả tàn khốc của các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Qua đó, Bảo tàng kêu gọi công chúng nêu cao ý thức chống chiến tranh phi nghĩa, bảo vệ hòa bình và tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân các nước trên thế giới.

Bảo tàng gồm khu trưng bày ngoài trời và trong nhà. Ngay từ cổng vào là khu trưng bày các loại vũ khí, các phương tiện quân sự của Mỹ, gồm: các loại máy bay phản lực, máy bay trinh sát, máy bay lên thẳng đổ bộ quân, các loại xe tăng, đạn pháo, bom mìn. Khu trưng bày trong nhà với hơn 15 nghìn hiện vật, hình ảnh cùng hàng ngàn mét phim tư liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, về chiến tranh biên giới Tây Nam và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc; những hình ảnh, tư liệu trong chiến tranh, điển hình như các vụ tàn sát dân thường, hình ảnh rải chất độc hóa học ở miền Nam, ném bom rải thảm phá hoại miền Bắc, các hiện vật như mô hình nhà tù “chuồng cọp”,  máy chém, các dụng cụ tra tấn. Tất cả cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh, một cuộc chiến đã gây ra biết bao đau thương, mất mát cho dân tộc Việt Nam.

Tham quan không gian trưng bày “Tội ác chiến tranh xâm lược” và “Hậu quả chất độc da cam trong chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam”, tôi cũng như bao du khách khác, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài đã lặng người, không kìm được dòng nước mắt khi xem những hình ảnh về cảnh lính Mỹ tra tấn, đàn áp, giết hại dân thường; hình ảnh những nhà máy, xí nghiệp, bệnh viện của ta bị Mỹ ném bom rải thảm phá hủy hoàn toàn; hình ảnh hoang tàn, xơ xác của cánh rừng ngập mặn ở Cà Mau do bị rải chất độc hóa học. Cùng với đó là những hình ảnh vô cùng thương tâm về nạn nhân chất độc da cam.

Chạm tới tận cùng nỗi đau và gây ám ảnh với tất cả mọi người khi đọc những dòng chú thích ở những hình ảnh, hiện vật thể hiện sự tàn bạo của kẻ thù xâm lược. Bức ảnh đếm xác với một dãy xác chết nằm dài -  một hình thức báo cáo thành tích của lính Mỹ, chỉ cần có xác chết, đó là Việt Cộng, không cần biết đó là người già, phụ nữ hay trẻ em. Hay bức ảnh về cuộc thảm sát tại xã Sơn Mỹ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) ngày 16/3/1968. Với mục tiêu “tàn sát bất cứ thứ gì động đậy”, chỉ trong vòng 4 tiếng đồng hồ, lính Mỹ đã vào thôn tàn sát 504 thường dân vô tội, trong đó có 182 phụ nữ, 173 trẻ em và 60 cụ già trên 60 tuổi. Trước khi bị sát hại, nhiều người trong số các nạn nhân còn bị cưỡng bức, tra tấn, đánh đập hoặc cắt xẻo các bộ phận trên cơ thể...

Vũ khí quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: HT

 

Trong rất nhiều hình ảnh, tư liệu trưng bày trong bảo tàng, tôi đặc biệt chú ý bức hình chụp đoạn chú thích trích từ điện báo của Peter Arnett- phóng viên chiến trường, người chứng kiến trận đánh đồi 875, Đăk Tô gửi AP, tháng 11/1967: “...Chiến tranh đã làm cho người sống và người chết có cùng một màu xanh xao xám xịt trên đồi 875. Cách duy nhất để nói ai còn sống và ai đã chết trong số những con người kiệt sức là quan sát khi những viên đạn cối của đối phương rơi xuống. Những người sống chạy vội một cách không hổ thẹn vào những căn hầm bé tí được đào sâu vào đất đỏ trên đỉnh đồi, những kẻ bị thương bò vào những chỗ ẩn nấp dưới gốc cây đã bị gãy ngã rạp trên mặt đất. Chỉ có người chết là không di chuyển, nằm ngay trên những căn hầm nơi mà họ đã chết ngay khi viên đạn cối đầu tiên rơi trúng hoặc úp mặt vào đất nơi họ bị bắn gục...”.

Chiến tranh đã ám ảnh lương tri con người. Sau cuộc chiến tranh 30 năm (1945- 1975), dân tộc Việt Nam đã chịu tổn thất nặng nề: Khoảng 3 triệu người chết, trong đó có 2 triệu dân thường; khoảng 2 triệu người bị thương và 300.000 người mất tích. Trong vòng 10 năm, từ năm 1961 đến 1971, những “cơn mưa chất độc hóa học” không ngừng rải xuống. Có khoảng gần 5 triệu người đã bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc da cam và để lại những hậu quả nặng nề cho đến ngày nay.

Con số này mới chỉ nói lên một phần rất nhỏ về tội ác chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam.

 Là nơi lưu giữ, trung bày, tố cáo tội ác của chiến tranh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh không chỉ phản ánh sự phi nhân đạo của chiến tranh, mà còn khẳng định chân lý: Chính nghĩa, khát vọng hòa bình của Việt Nam đã làm nên chiến thắng. Qua đó khơi gợi những giá trị hòa bình, kêu gọi gìn giữ hòa bình, ngăn chặn chiến tranh tái diễn trên toàn thế giới.

Đến với Bảo tàng chứng tích chiến tranh, chúng ta càng thêm trân quý giá trị của hòa bình, độc lập. 

Hoàng Thúy

Chuyên mục khác