Thách thức việc làm

20/04/2023 06:02

Việc làm là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Và trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu việc làm hiện nay, từ việc làm năng suất thấp sang việc làm có năng suất cao hơn.

Thông tin từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, đến hết năm 2022, tổng số người từ 15 tuổi trở lên của tỉnh khoảng 395.773 người, trong đó 195.139 nữ, chiếm 49,32%.

Lực lượng lao động của tỉnh trong những năm qua tăng cả về quy mô và chất lượng. Ước tính đến cuối quý IV/2022, toàn tỉnh có 326.140 người thuộc lực lượng lao động.

Trong đó, lực lượng lao động thuộc khu vực thành thị là 101.404 người chiếm 31,09%, khu vực nông thôn là 224.736 người chiếm 68,91% lực lượng lao động; Tỷ lệ nam tham gia lực lượng lao động chiếm 51,70% (168.616 người), và tỷ lệ này ở nữ là 48,30% (157.524 người).

Việc làm phổ thông, giản đơn vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ảnh: HL

 

Kết quả khảo sát cũng cho thấy tỷ lệ lao động có việc làm giữa hai khu vực thành thị và nông thôn không chênh lệch nhiều, khu vực nông thôn có tỷ lệ lao động có việc làm cao hơn khu vực thành thị 1,26 điểm phần trăm (99,63% và 98,37%).

Tỷ lệ lao động có việc làm giữa nam và nữ chênh lệch không đáng kể, ở mức 0,46 điểm phần trăm (99,46% và 99,0%).

Việc làm là một phần quan trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu đưa Kon Tum phát triển nhanh và bền vững. Và trên thực tế, chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển đáng kể trong cơ cấu việc làm hiện nay, từ việc làm năng suất thấp sang việc làm có năng suất cao hơn.

Nếu như trước đây, có khoảng 80% lao động của tỉnh làm việc ở nông thôn và nông nghiệp, chỉ có một tỉ lệ nhỏ làm việc ở các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thì hiện nay đã có hơn 30% làm việc ở thành thị và trong khu vực kinh tế tư nhân.

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế trí thức đã và đang tạo ra những việc làm mới hiện đại, có chất lượng; mang hàm lượng tri thức cao.

Việc làm ở nông thôn sẽ ngày càng đa dạng hóa, cùng với sự phát triển của lĩnh vực sản xuất, dịch vụ ở nông thôn. 

Tự động hóa sẽ dần đến những thay đổi yêu cầu đối với một số công việc và từng bước (với diễn biến chậm hơn) thay thế con người. Đầu tiên, công nghệ sẽ giải phóng lao động, tạo điều kiện để lao động trình độ thấp làm ra được những sản phẩm có giá trị cao hơn.

Tuy nhiên, dù có những chuyển biến như trên nhưng phần lớn việc làm của tỉnh vẫn nằm ở khu vực sản xuất quy mô nhỏ, chất lượng thấp, có phạm vi bao phủ chưa rộng khắp.

Đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động, góp phần thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu việc làm. Ảnh: H.L

 

Một báo cáo khảo sát thị trường lao động tiến hành cuối năm 2021 do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ,TB&XH) tiến hành cho thấy, nhu cầu lao động qua đào tạo chung chỉ chiếm khoảng 32% tổng nhu cầu nhân lực.

Trong đó, nhu cầu tuyển lao động có trình độ đại học chỉ chiếm 9%, cao đẳng 5%, trung cấp 8%, sơ cấp, giấy chứng nhận nghề 10%.

Ngược lại, nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 68%, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp (chăm sóc cao su, cà phê, trang trại chăn nuôi), may mặc, xây dựng (thợ phụ), buôn bán, giúp việc, môi giới bất động sản, nhân viên giao hàng.

Đặc trưng chính của những việc làm này là có năng suất thấp, mức lương thấp, không được hưởng các chế độ phúc lợi xã hội, hầu như không có sự đảm bảo về việc làm.

Trình độ thấp của lực lượng lao động có thể cản trở Kon Tum hội nhập vào những chuỗi giá trị nhiều lợi nhuận hơn, hoặc những việc làm có giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị.

Thách thức hiện nay về việc làm là làm sao tạo được những việc làm có chất lượng hơn và bao phủ hơn. Đồng thời nâng cao chất lượng của các việc làm cũng như trình độ của lực lượng lao động hiện có.

Chúng ta đang có nhiều thuận lợi để thực hiện quá trình này, như kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ, liên tục trong những năm gần đây; hệ thống chính sách về phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề tiếp tục phát huy tác dụng, đi kèm việc tận dụng các cơ hội có được từ xu hướng phát triển kinh tế số.

Nhưng theo Cục Thống kê, để thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi cơ cấu việc làm, từ giản đơn, phổ thông là phổ biến, sang các lĩnh vực đòi hỏi kiến thức, tay nghề cao cần có các giải pháp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng sự chuyển đổi ngành nghề; đào tạo lại lao động để duy trì việc làm.

Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Tăng cường tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với người lao động; triển khai và nhân rộng Quy trình tổ chức triển khai đào tạo nghề gắn với chương trình, dự án, chính sách của Nhà nước và doanh nghiệp để tạo việc làm.

Đổi mới phương thức đào tạo, chú trọng đào tạo nghề phục vụ cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cơ giới hóa đồng bộ, chế biến, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; nghề về quản trị trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã và các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; đào tạo đảm bảo chất lượng và hiệu quả, sau khi học xong ít nhất có 80% lao động có việc làm ổn định và tăng thu nhập.

Một trong những động thái cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh đến việc nâng cao chất lượng việc làm cho lao động nông thôn là tháng 2/2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 353/KH-UBND về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của kế hoạch là hỗ trợ đào tạo hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn; góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo nhằm đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, đồng bào DTTS.  

Hồng Lam

Chuyên mục khác