Tết vui là Tết an toàn

09/02/2024 07:52

Tết, lễ hội Xuân là thời điểm nhu cầu giao lưu, đi lại của người dân tăng cao, kéo theo đó là những nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, việc tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự và chủ động phòng, chống dịch bệnh là điều quan trọng để bảo đảm đón Tết an toàn.

1. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, lượng người tham giao thông thường tăng cao với nhiều hoạt động từ về quê với gia đình, đi mua sắm tết, đến thăm thú bạn bè, ngao du ngắm cảnh kéo theo đó là tình hình trật tự ATGT cũng trở nên phức tạp hơn. Và, đến hẹn lại… lo, câu chuyện tưởng chừng như rất cũ nhưng lại là vấn đề “nóng” khiến các cấp, ngành chức năng và rất nhiều người trăn trở, lo lắng đó là ATGT.

Thực tế cho thấy, cứ sau mỗi kỳ nghỉ lễ, Tết, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, những con số thống kê về tình hình tai nạn giao thông luôn khiến mọi người phải xót xa.

Như dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, trong 9 ngày nghỉ Tết (từ ngày 29/1-6/2/2022), toàn quốc xảy ra 216 vụ tai nạn giao thông làm 121 người chết, 138 người bị thương. Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (từ ngày 20/1-26/1/2023), cả nước cũng xảy ra 152 vụ tai nạn giao thông, làm 89 người tử vong,  111 người bị thương.

Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân đảm bảo trật tự ATGT. Ảnh: nguồn Công an tỉnh

 

Nguyên nhân của hầu hết các vụ tai nạn giao thông đã được các ngành chức năng chỉ ra là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa tốt. Ngoài những lỗi như phóng nhanh, vượt ẩu, lấn làn thì một trong những vấn đề đáng lo ngại là một số người sau khi sử dụng rượu bia vẫn ”vô tư” tham gia giao thông. Điều này, không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân người điều khiển phương tiện, mà còn ảnh hưởng đến những người tham gia giao thông khác.

Hậu quả và hệ lụy mà tai nạn giao thông gây ra hẳn rằng mọi người đều thấy rõ. Đó là những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân cùng những nỗi đau kéo dài. Và nhiều gia đình cũng không có được một cái Tết vui vẻ, đoàn viên trọn vẹn khi không may có người thân bị tai nạn giao thông.

Để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông, phục vụ nhân dân đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024, ngày 22/12/2023, UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 4465/UBND-HTKT yêu cầu các đơn vị, địa phương tập đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, tuân thủ hiệu lệnh và hướng dẫn của lực lượng chức năng. Đồng thời, tăng cường, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhân dân.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, để đảm bảo đón Tết an toàn, cùng với sự vào cuộc của các ngành chức năng thì mỗi người dân cần nêu cao ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tuân thủ các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông. Từ đó, đường về nhà, đường du xuân mới là con đường niềm vui và hạnh phúc, chứ không phải nơm nớp nỗi lo tai nạn giao thông.

2. Diễn biến khó lường của dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó, có sự gia tăng của số ca mắc Covid-19 những ngày gần đây cũng là vấn đề khiến nhiều người lo ngại.

Mới đây, tại hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm 2024 do Bộ Y tế (tổ chức ngày 24/1), một trong những thông tin không mấy vui đã được Cục Y tế dự phòng đưa ra là chỉ trong 2 tuần đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 419 ca mắc Covid-19 và nhập viện rải rác tại 39 tỉnh, thành phố; tăng 2,4 lần so với 2 tuần trước đó. Đặc biệt, dịp Tết này, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao cùng với những diễn biến thất thường của thời tiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh phát triển kéo theo nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm, bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó Covid-19.

Với dịch bênh Covid-19, vắc xin và 2K vẫn là biện pháp hữu hiệu được ngành Y tế khuyến cáo. Ảnh: TH

 

Mặc dù, Covid- 19 đã được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm B và được giám sát như các bệnh cúm mùa thông thường, nhưng cũng không vì thế mà chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh. Bởi, theo đánh giá của Bộ Y tế, các dịch bệnh truyền nhiễm nói chung và Covid-19 nói riêng vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán.

Có lẽ, mỗi chúng ta đều còn nhớ rất rõ về những vất vả, khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh trong những tháng ngày chống dịch Covid-19. Vì thế, để bảo đảm đón Tết an toàn cùng với việc tăng cường giám sát, triển khai các biện pháp phòng bệnh của ngành chức năng thì mỗi người cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Với Covid-19, việc phòng bệnh bằng vắc-xin vẫn được xem là biện pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) tại các địa điểm tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh... tiếp tục là thông điệp được ngành Y tế khuyến cáo.

Có thể nói, một cái Tết vui chính là Tết an toàn, Tết khỏe mạnh.

Thùy Hương

Chuyên mục khác