07/02/2019 12:09
Trước đây, những năm không về quê ăn tết, chị Hương, ở đường Dương Đình Nghệ, TP Kon Tum thường vào sáng mùng 1, gọi điện (qua điện thoại) về hỏi thăm, chúc tết ông bà ở Hải Dương. Phí trả cho cuộc điện thoại khá cao nên chị cũng không thể gọi nhiều lần và thời gian lâu được. Nhưng, những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ, chị không chỉ gọi điện thoại để nghe được giọng nói của bố mẹ mà nhờ công nghệ, chị còn ngắm được gương mặt thân thương của ông bà, ngôi nhà thân yêu. “Có gia đình em trai đang ở quê cùng với ông bà nên từ các hoạt động chuẩn bị: dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa, gói bánh chưng… cho đến chúc tết họ hàng, sum họp gia đình… mấy ngày tết đều được em cập nhật một cách chi tiết nên cảm giác hương vị tết quê rất gần” – chị Hương kể.
Còn anh Sơn, nhà ở đường Lê Lợi, TP Kon Tum cho rằng, vì điều kiện gia đình nên Tết nay anh không thể về thăm quê, thăm bố mẹ. Thế nhưng anh không cảm thấy mình quá xa xôi. Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, chỉ cần có internet, anh có thể kết nối với đại gia đình đang ở miền Trung. Ngày ngày, thậm chí nhiều lần trong một ngày, vợ chồng anh và các con đều có thể nói chuyện, nhìn hình ảnh của người thân qua điện thoại, facebook… hàng giờ liền. Anh cho rằng, nhờ công nghệ thông tin và truyền thông mà khoảng cách được thu hẹp rất nhiều, đặc biệt, Tết là dịp đoàn viên, sum họp, mọi người càng có nhu cầu thăm hỏi cao. Nhờ công nghệ, nhờ những phần mềm chat, facebook, zalo, viber, facetime… mà mỗi người cảm nhận rõ hơn không khí Tết của quê hương, của những người thân yêu.
Không chỉ những người xa quê, mà những người vì công việc, phải trực Tết ở những vùng sâu, vùng xa cũng trở nên ấm lòng hơn. Có chồng là bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ trực trong dịp Tết này, chị Vy, ở đường Lạc Long Quân, TP Kon Tum kể rằng, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chồng chị đều gọi qua mạng facebook để nói chuyện với chị và các con. Chồng chị biết được ở nhà mấy mẹ con đón Tết ra sao, chị cũng biết chồng mình và các đồng đội của chồng trong đơn vị trực Tết, đón Tết cũng đầy đủ mai vàng, bánh chưng, cũng chúc Tết ấm áp tình quân dân với bà con vùng biên giới.
Không chỉ chọn cách trò chuyện, cập nhật hình ảnh, hoạt động mà qua ứng dụng công nghệ của các trang mạng xã hội facebook, zalo…, mọi người còn có thể cảm nhận được không khí tết, hương vị tết của người thân, bạn bè ở khắp mọi miền tổ quốc. Chị Thơm, ở đường Nguyễn Bặc, TP Kon Tum kể, qua mạng xã hội, chị biết thêm đặc trưng văn hóa ẩm thực từng vùng miền Tết đến, như ở miền Bắc có bánh chưng, bánh gio, miền Trung có món bánh tét, bánh thuẫn, rồi người Quảng Ngãi có món bánh nổ… Chị còn biết được bạn bè mình, người này đi du lịch dịp Tết, người kia về quê đón Tết, người kia nữa cùng cả nhà sum vầy làm các món bánh truyền thống….
|
Sự phát triển công nghệ thông tin mở ra cuộc “cách mạng” làm thay đổi cả về lượng và chất của nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Ngày Tết cũng vậy. Nhờ công nghệ, nhờ những phần mềm chat, facebook, zalo, viber, line, facetime… mà khoảng cách được rút ngắn. Đặc biệt là với những người xa quê, những người vì công việc phải trực tết ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, việc cập nhật các hoạt động, hình ảnh… để liên lạc với người thân có giá trị rất lớn về mặt tinh thần. Mỗi người không chỉ gần nhau qua các phần mềm ứng dụng mà còn cảm nhận không khí đoàn viên, sum họp được lan tỏa đến với mọi vùng miền, mọi nhà, mọi người trong dịp Tết về.
Bài, ảnh: Nguyên Phúc