Tết Mậu Thân 1968 và ký ức không thể nào quên

06/02/2018 07:08

​Nhân kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 của quân và dân miền Nam, tôi đã gặp 2 nhân chứng từng tham gia vào sự kiện lịch sử trọng đại này tại Kon Tum. Đó là ông Hoàng Cầu – nguyên phó chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 304 (Tỉnh đội Kon Tum) và bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên cán bộ giao liên của Ban cán sự H.5 (thị xã Kon Tum).

Ông Hoàng Cầu (ở tổ dân phố 6, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), sinh năm 1936 tại huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1954, ông tham gia cách mạng, công tác tại Tỉnh đội Quảng Ngãi. Từ năm 1955-1959, ông được cấp trên điều ra Quân khu 4, đến năm 1960 được biệt phái làm chuyên gia quân sự tại Lào. Cuối năm 1960, ông về Việt Nam và công tác tại Sư đoàn 312. Đến năm 1963, ông được điều vào Tây Nguyên, công tác ở Tiểu đoàn 304 thuộc Tỉnh đội Kon Tum, đóng quân tại xã Đăk Ui, huyện H.16 và trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến trường Kon Tum từ năm 1963-1975.

Ông Hoàng Cầu - nguyên Phó Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 304

 

Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, ông là cán bộ khung dự bị của Tiểu đoàn 304. Giao thừa năm ấy, khi nhận được lệnh của cấp trên, cánh quân của đơn vị ông đánh vào khu vực xã Đăk Blà, cầm cự với quân Mỹ-ngụy 3 ngày đêm liền. Sau đó, được lệnh rút quân sang xã Ngọc Bay chiến đấu với quân địch trong 1 tháng trời. Trong quá trình chiến đấu anh dũng, ông bị 2 vết đạn bắn trúng vào người, 1 ở cằm, 1 ở bắp đùi trái. Ông được cấp trên khen thưởng vì đã anh dũng, gan dạ chiến đấu với quân địch trong suốt chiến dịch Mậu Thân 1968. Sau trận đánh Tết Mậu Thân, ông được đồng đội đưa về điều trị vết thương trong 6 tháng tại Bệnh xá Tỉnh đội Kon Tum đóng tại xã Đăk Ui, huyện H.16.

Chỉ vào 2 vết thương còn in rõ dấu vết của một thời chiến đấu oanh liệt, ông nói vào những đêm trái gió trở trời, vết thương đã hành hạ bản thân suốt những năm tháng sau này. Ông cho rằng, cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân tỉnh Kon Tum trong chiến dịch Mậu Thân 1968 là một trang sử hào hùng, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Rời nhà ông Hoàng Cầu, chúng tôi đến thăm bà Nguyễn Thị Lan Hương ở tổ dân phố 4, phường Duy Tân, thành phố Kon Tum.

Bà Hương sinh năm 1951 ở xã Nghĩa Thắng (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1961, khi mới 10 tuổi, bà tham gia cách mạng, làm giao liên đưa thư cho Ban binh vận huyện Tư Nghĩa. Năm 1966, khi mới 15 tuổi, bà thoát ly gia đình lên Kon Tum hoạt động cách mạng. Bà được điều về Ban Nông hội của Tỉnh ủy Kon Tum, đóng tại làng Tân Ba, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông bây giờ (hồi đó gọi là H.80).

Năm 1967, bà được tổ chức điều về H.5. Tại đây, bà có tham gia 1 lớp bồi dưỡng lý tưởng cách mạng trong thời gian nửa tháng tại khu căn cứ của H.5, đóng tại xã Ngọc Réo ngày nay. Sau đó, bà được Ban cán sự H.5 gọi lên giao nhiệm vụ “đặc biệt”.

Bồi hồi nhớ lại, khi đó bà không hiểu nhiệm vụ “đặc biệt” là nhiệm vụ gì. Một cán bộ lãnh đạo H.5 hỏi bà: “Nếu khi làm nhiệm vụ mà lỡ bị sa vào tay giặc thì cháu nghĩ thế nào?. Bà trả lời: “Nếu làm nhiệm vụ mà bị địch bắt, cháu thề sẽ luôn giữ vững khí tiết của người cách mạng, không khai báo bất cứ một điều gì cho địch”.

Bà Nguyễn Thị lan Hương từ năm 15 tuổi đã thoát ly gia đình lên Kon Tum hoạt động cách mạng

 

Sau đó, bà được tổ chức đưa vào cơ sở cách mạng tại Trung Tín (phường Ngô Mây bây giờ). Được một thời gian, bà được tổ chức đưa vào hoạt động tại nội thị Kon Tum, giả làm con nuôi của bà Kiều Thị Truy – một cơ sở cách mạng trong lòng địch. Tại nhà bà Truy, bà vừa làm công việc hàng ngày của một người con trong gia đình, vừa gầy dựng cơ sở cách mạng, vừa nắm tình hình quân địch rồi thông tin cho Ban cán sự H.5 biết để chỉ đạo cuộc đấu tranh.

Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, bà bí mật đưa các chiến sĩ đặc công đi nắm tình hình quân địch tại các nơi trọng yếu như Tòa Tỉnh trường, khu sân bay, khu quân sự trên đường vào Ngục Kon Tum, khu quân sự phía bắc và phía nam cầu Đăk Bla… Khi ấy, bà và các chiến sĩ đặc công giả làm các cặp tình nhân đi dạo chơi để nắm tình hình của địch.

Mặt khác, bà còn tìm cách đưa các loại vũ khí, đạn dược từ căn cứ đưa vào giấu tại các căn hầm bí mật được đào trong nhà bà Truy, quán cà phê Cao Nguyên của bà Bùi Thị Tưởng và nhà của một số cơ sở cách mạng khác trong nội thị Kon Tum.

Sau khi hoàn thành các công việc chuẩn bị, chỉ chờ lệnh là quân ta đồng loạt tấn công vào các cứ điểm trọng yếu của quân Mỹ - ngụy tại Kon Tum trong đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968.

Sau trận đánh đêm giao thừa Tết Mậu Thân, một số cơ sở cách mạng trong nội thị Kon Tum bị lộ, một số người của ta bị địch bắt. Riêng bà đã may mắn thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù trong gang tấc khi địch vây ráp và truy tìm. Vài ngày sau, bà thoát ra được vùng căn cứ H.5 và tham gia hoạt động cách mạng đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng năm 1975.

Bài, ảnh: Cao Cường  

Chuyên mục khác