Tết Độc lập

01/09/2023 06:13

Tinh thần Tết Độc lập 2/9 bất diệt mãi tiếp thêm niềm tin, động lực tinh thần cho các thế hệ trong bảo vệ, xây dựng quê hương phát triển.

Những ngày này, trên các tuyến đường phố rực một màu cờ đỏ sao vàng mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, được nhân dân ta gọi là Tết Độc lập. 

Nơi tôi ở, từ mấy ngày trước, cờ Tổ quốc đã được các gia đình treo trước nhà, tung bay trong gió.

Dừng xe dưới cột cờ Tổ quốc ở Quảng trường 16/3, tôi thấy một nhóm bạn quen đang bàn chuyện khá sôi nổi. Nhận ra tôi, các bạn rối rít chào hỏi. Tôi tò mò: Các bạn đang bàn chuyện gì vui thế? Đáp rằng: Đang bàn chương trình mừng Tết Độc lập ạ. Vậy đã xong chưa? Đáp rằng: Rồi ạ. Cả nhóm sẽ tổ chức gặp mặt ăn Tết.

“Tổ chức gặp mặt ăn Tết”- nghe náo nức lạ. Ký ức ăn mừng Tết Độc Lập thời thơ ấu ở vùng quê nghèo ùa về!

Quê tôi vốn là một vùng bán sơn địa, đất đai cằn cỗi nên nghèo. Một năm người dân quê tôi có ăn hai cái Tết quan trọng nhất: Tết Nguyên đán và Tết Độc lập.

Những ngày này, trên các tuyến đường phố rực một màu cờ đỏ sao vàng mừng 78 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Ảnh: Nguyễn Ban

 

Tết Độc Lập nằm trong tiết tháng 7 mưa ngâu nên gần như năm nào cũng mưa. Mưa sụt sùi cả ngày.

Nhưng không vì thế mà giảm đi sự háo hức chờ đón của lũ trẻ chúng tôi. Hồi nhỏ, tôi thường nghe bà ngoại nói: Ông trời khóc thương Bác Hồ đấy, vì Bác ra đi cũng đúng vào ngày này.

Để đón Tết Độc lập, người dân quê tôi đã rục rịch chuẩn bị cả tháng trời. Cũng không phải là hoang phí gì, mà đận ấy mới bắt đầu đổi mới, cuộc sống còn khó khăn quá, để có ngày tết tươm tất một tý phải lo dành dụm, chắt chiu từng thứ.

Trước Tết ít ngày, thanh niên trong làng đã hò nhau xuống ao kéo cá. Đội thiếu niên í ới gọi nhau đi quét đường làng. Mấy bà, mấy chị tất bật lo lá dong, đậu xanh, gạo ngon để làm bánh.

Còn đám lau nhau chúng tôi thì nằng nặc đòi mẹ cho mặc quần áo mới- vốn để dành cho lễ tựu trường đã cận kề- rồi lăng xăng chạy xem chia cá, bùn dính đầy người. Cá kéo lên được chia cho từng nhà; gia đình thương binh, liệt sĩ hay có con em đang đi bộ đội sẽ được chia phần nhiều hơn.

Nhà nào cũng để dành gạo ngon làm bánh cuốn, bánh lá- loại bánh bột gạo tẻ gói bằng lá dong, trong có nhân bằng hành khô, thịt, mộc nhĩ (nấm mèo) băm nhỏ, rồi luộc hoặc hấp. Vì vậy, cứ vào dịp Tết Độc Lập, khắp làng đâu đâu cũng thơm nức mùi hành phi.

Cờ Tổ quốc trong ngày Tết Độc lập. Ảnh: LH

 

Nhà nào không có điều kiện làm bánh thì cũng có rổ bún tươi, thứ bún được làm bằng gạo chiêm, sợi dai dai, mềm mềm, trong vắt, đổ thành từng miếng tròn như miệng bát ăn cơm. Bún quê tôi mà ăn với riêu cua đồng -được chế biến khá kỳ công- thì tuyệt. Mấy lò bún trong làng luôn hoạt động hết công suất mà cũng không đủ cầu.

Nhưng thích nhất là vào đêm trước Tết Độc Lập, khi ấy nhiều nhà rủ nhau mổ chung một con lợn (heo). Các ông, các bà bận tíu tít, đám trẻ con cũng gần như cả đêm không ngủ, lăng xăng hóng chuyện người lớn.

Trong ngày Tết Độc lập, một nghi thức không thể thiếu là mâm cơm cúng Bác Hồ. Trong các gia đình làng tôi, hầu hết đều có bàn thờ Bác Hồ, được đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ngày ấy, tôi còn nhớ, sáng 2/9, cả gia đình dậy sớm, ăn mặc chỉnh tề, thành kính cúi đầu, dâng hương lên Bác.

Sau khi dâng hương Bác Hồ chủ nhà làm lễ dâng cúng tổ tiên, mời tổ tiên về ăn Tết Độc lập và chia vui cùng con cháu. Sau đó sẽ dọn mâm cỗ mời anh em, con cháu trong nhà và tiếp đãi khách.

Ở nhà tôi, Tết Độc lập có khác hơn những gia đình khác. Ngày này là bạn bè đồng ngũ của bố tôi- những người từng vào sinh ra tử trên chiến trường Tây Nguyên-Nam Lào tề tựu bên nhau.

Các bác, các chú ngồi bên bậc thềm, kể chuyện xưa, xung quanh là mấy đứa cháu háo hức lắng nghe. Đó, tụi bay coi, có ở nước mô mà người dân gọi ngày Quốc khánh là Tết không? Một bác hỏi.

Mấy đứa ngơ ngác nhìn nhau. Có không nhỉ? Ông bật cười: Không có mô. Chỉ có nước ta thôi, ngày Quốc khánh thiêng liêng như Tết, à mà không, còn có giá trị và ý nghĩa hơn cả Tết.

Người dân ở xã Ia Đal, huyện biên giới Ia H’Drai thắp nhang trên bàn thờ Bác Hồ trong ngày Tết Độc lập. Ảnh: LH

 

Trong câu chuyện rì rầm hết đêm, tôi còn hóng được những kỷ niệm không phai mờ thời máu lửa, có nỗi lo cơm áo thường ngày, có niềm vui vì con cái học hành giỏi giang, cũng có nỗi buồn khi buổi họp mặt năm nay vắng thêm một người nữa.

Hình ảnh ấy đã lâu lắm rồi, nhưng được tôi xếp riêng vào một góc ký ức, cứ mỗi dịp Tết Độc lập 2/9 lại “mở ra” mà nhớ, mà thương, mà bùi ngùi nhớ về không khí Tết Độc lập ngày ấy.

Tôi dần trưởng thành. Cuộc sống đẩy đưa, tôi tiếp tục đón những cái Tết Độc Lập của đất nước tiếp theo trong cuộc đời mình trên quê hương mới với nhiều sắc thái khác nhau.

Từ Tết Độc Lập ấm cúng trong con hẻm nhỏ với dăm ba gia đình xóm giềng; cùng chung cang rượu ghè thơm nức với người dân ở ngôi làng nằm lưng chừng núi Ngọc Linh quanh năm mây phủ, đến quây quần bên đống lửa cùng các chiến sĩ biên phòng giữa rừng già giáp biên giới Việt – Lào. 

Bản thân tôi cũng không còn cảm giác háo hức trẻ thơ nữa, mà thay vào đó là những suy nghĩ về trách nhiệm của mình và thế hệ mình với lịch sử, với đất nước.

Nhưng trong tâm trí tôi vẫn đau đáu hình ảnh các bạn chiến đấu của bố tôi ngồi trò chuyện suốt đêm về trách nhiệm của cựu chiến binh trước vận hội mới của đất nước.

Vừa về đến cổng, chưa kịp dựng xe, cậu hàng xóm đã “vọt” sang, nói oang oang: Tết Độc lập này ông có chương trình đi đâu chơi không? Nếu chưa có thì anh em mình tổ chức gặp mặt ăn Tết nhé.

Tôi biết, ở xóm trên, người ta tổ chức ăn Tết Độc lập mấy năm nay rồi. Vui đáo để. Mới đầu chỉ là một nhóm người trong xóm tổ chức sum vầy cùng nhau chào đón ngày Quốc khánh, đơn giản là bảo nhau treo cờ Tổ quốc, rồi tập trung ăn với nhau bữa cơm thân mật; hàn huyên chuyện gia đình, con cái, chuyện xóm chuyện phường.

Thời gian sau, nhiều người trong xóm thấy việc sinh hoạt này vừa vui, lại có ý nghĩa, nên số lượng người tham gia mỗi năm một đông. Bây giờ đã trở thành hoạt động chung của cả xóm ấy rồi đấy.

Rõ ràng là tổ chức đón Tết Độc lập vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm vừa là một hoạt động sinh hoạt văn hóa lành mạnh, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức tự hào dân tộc.

Ý ông thế nào? Thấy tôi im lặng, cậu hàng xóm hối. Tất nhiên là tôi ok cái rụp. Phải rồi, sao lại không chứ?

Ờ, xem nào. Các nhà đã treo cờ Tổ quốc. Ngày mai tập trung mọi người dọn dẹp đường hẻm; phát quang mấy bụi rậm trước nhà thím Năm; mời mấy bác cựu chiến binh kể chuyện đón Tết Độc lập ở chiến trường; tìm địa điểm để ăn Tết; tập trung mấy bà, mấy chị lên thực đơn, đi chợ.

Mới nghĩ đến đó, có cái gì đó vừa hưng phấn nhẹ nhàng, vừa hồi hộp, vừa thân quen rung nhè nhẹ trong tâm hồn, nhất là những ngày nơi nơi bắt đầu rục rịch đón Tết Độc lập.

Đứng dưới bóng cờ Tổ quốc đỏ thắm, tôi như chìm đắm trong âm hưởng linh thiêng của những ngày thu xưa và Quốc khánh đầu tiên, với lá cờ đỏ sao vàng no gió nơi Quảng trường Ba Đình và lời Tuyên ngôn “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” luôn vang vọng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, của đất nước.                                                                     

Lê Hải

Chuyên mục khác