05/02/2019 13:08
Nhắc đến du học sinh, người ta thường nghĩ ngay đến những “rich kids” (những thanh thiếu niên thuộc con nhà giàu có) nhận được sự hỗ trợ từ gia đình. Nhưng không hẳn vậy, có khá nhiều bạn du học sinh, rất chật vật để có thể bám trụ được ở nước ngoài. Khi mới bắt đầu, các bạn phải thích nghi về ngôn ngữ, những phong tục tập quán, văn hóa ứng xử của nước bạn. Quan trọng hơn, là không phải ai cũng dư giả về kinh tế. Với số học bổng ít ỏi, các bạn phải để dành tiền trang trải cho cuộc sống, những nhu cầu thiết yếu: ăn mặc, trang phục, những trang thiết bị về học tập; thậm chí có những bạn phải làm thêm để gửi tiền về cho gia đình.
Bạn Nguyễn Thị Ánh Tuyết, ở đường Hùng Vương, thành phố Kon Tum hiện là du học sinh tại Viện nghiên cứu Japan Advanced Institute of Science and Technology (JAIST) (Nhật Bản) là một đơn cử. Đây đã là cái tết thứ 3 bạn xa gia đình, mặc dù đã thích nghi với việc không có người thân bên cạnh, nhưng mỗi dịp tết đến xuân về, bạn vẫn không tránh khỏi những phút bâng khuâng, chạnh lòng khi nghĩ về gia đình, tình yêu ấm áp bên bố mẹ, chị gái và mâm cỗ truyền thống.
Bạn Tuyết chia sẻ: Vào mỗi lúc đêm giao thừa, tôi thường gọi điện thoại trực tuyến về gia đình để cùng mọi người “tụ họp”, trao nhau những lời chúc, trò chuyện những công việc đã chuẩn bị trong dịp tết. Tuy nhiên, có lẽ điều tôi mong chờ nhất, chính là những câu hỏi han của mọi người trong gia đình, bởi đây là niềm động viên, điều an ủi lớn nhất cho tôi. Vui nhất chính là đêm giao thừa, tôi và mọi người trong gia đình cùng nhau chờ pháo hoa. Dù chỉ là xem thông qua chiếc điện thoại của mẹ tôi cầm trên tay- ấy vậy mà tôi cũng cảm thấy ấm áp vô cùng!
Tuyết tâm sự: Sau khi kết thúc cuộc điện thoại trực tuyến, cũng là lúc trong mình xuất hiện những khoảng trống vắng. Cứ mỗi lần như thế, các câu các hỏi luôn tự xuất hiện trong đầu: Tại sao mình lại đi xa đến vậy? Tại sao mình lại không được ở cùng mọi người? Tại sao mình lại quyết định đến đây... rất nhiều câu hỏi “tại sao” cứ bám lấy cho đến khi mình chìm vào giấc ngủ. Cũng chính vì vậy, mà trong những ngày mùng 1, mùng 2 Tết (tính theo lịch Tết Nguyên đán), mình luôn cùng những người bạn đồng hương tụ tập với nhau, để vơi bớt đi phần nào nỗi nhớ, có người cùng tiếng nói, san sẻ nỗi niềm. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán không phải là dịp lễ của nước Nhật, nên chúng mình chỉ tranh thủ tụ tập một vài ngày, sau đó phải quay lại công việc của mỗi người. Vào mỗi dịp như thế, chúng mình đều làm những món ăn truyền thống của ngày tết: bánh chưng, chả ram, chả lụa... cùng tổ chức liên hoan, ăn uống, sau đó là các chương trình vui chơi, du lịch để xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương.
|
Còn Trần Phương Thảo ở đường Hà Huy Tập, thành phố Kon Tum hiện là du học sinh Đại học Sunderland (Anh quốc) chia sẻ: Tại Anh, Tết Nguyên đán không được tính là ngày lễ nên chúng tôi không thể về. Nhà trường chỉ cho nghỉ những ngày lễ lớn như: Lễ Giáng sinh, Lễ Phục sinh, Tết Dương lịch. Vì vậy, tôi không thể trở về gia đình trong ngày Tết Nguyên đán, mà chỉ có thể sum vầy cùng gia đình vào các dịp khác trong năm.
Thảo cho biết, đối với những du học sinh có thể sắp xếp được lịch nghỉ, để cùng đoàn tụ với gia đình trong dịp Tết Nguyên đán, thì chi phí đi lại cũng là cả một vấn đề cần phải cân nhắc, tính toán. Bởi, trong các hãng hàng không bay từ Anh quốc về Việt Nam, tùy vào thời điểm trong năm, mà giá vé có thể tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, để mua được mức giá thấp (đối với những ai chịu khó “săn” vé máy bay trước khoảng từ 3-4 tháng), thì giá vé rẻ nhất cũng rơi vào khoảng 600 – 700 Bảng Anh (tương đương 18 – 20 triệu VNĐ). Còn nếu vào những thời điểm cao điểm trong năm, giá vé có thể đẩy lên đến 1.000 Bảng Anh (khoảng 29,7 triệu VNĐ). Như vậy, nếu tính vé khứ hồi, số tiền đã lên đến hàng chục triệu đồng. Đây là con số mà chỉ những du học sinh Việt Nam có điều kiện tầm trung trở lên, mới quyết định lên kế hoạch về tết. Đối với những du học sinh có điều kiện thấp hơn, không phải ai cũng có thể dễ dàng chấp nhận phương án bỏ ra số tiền mình đã dành dụm cả một năm làm thêm để có một vài ngày nghỉ tết...
Thảo chia sẻ thêm: Tuy tôi không được về nhà, nhưng không khí ở đây cũng rạo rực không kém. Tại mỗi thành phố ở Anh quốc, đều có một Hội Sinh viên Việt Nam. Mỗi khi thời điểm Tết Nguyên đán gần kề, mọi người lại tụ tập với nhau, cùng hát hò, ăn uống, nhảy múa và giao lưu văn hóa với những du học sinh nước khác. Không chỉ riêng Hội Sinh viên Việt Nam, mà Hội Sinh viên của các nước khác như Malaysia, Trung Quốc... cũng tổ chức các hoạt động tương tự.
Ngoài các du học sinh nước ngoài, còn có không ít sinh viên trong nước cũng có những quyết định ăn tết xa nhà vì nhiều lý do. Bạn Trần Diệm – một sinh viên người thành phố Kon Tum đang học Trường Đại học Duy Tân tại Đà Nẵng tâm sự: Tôi quyết định Tết Nguyên đán năm nay ở lại đi làm, lấy thêm kinh nghiệm. Hiện tại, tôi đã xin được việc làm hợp đồng tại một công ty, khoảng thời gian này cũng là dịp để tôi làm quen với mọi người và tạo cho họ ấn tượng tốt. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi ăn tết xa gia đình... cũng buồn lắm! Tuy nhiên, tôi tin rằng bố mẹ sẽ hiểu cho tôi.
Một số sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khác thì quyết định, đây là thời điểm để kiếm thêm thu nhập, gửi tiền về cho gia đình và trang trải những chi phí học hành trong thời gian tới. Bởi, Tết Nguyên đán là thời điểm các công ty, cửa hàng tư nhân đều cần thuê nhân viên thời vụ, để bù cho lượng nhân viên chính thức về quê ăn tết, và mức lương họ trả để làm việc trong những ngày này cũng cao, dễ chấp nhận.
Bạn Đỗ Hữu Thịnh - một sinh viên năm 4 ở thành phố Kon Tum đang học Đại học Nguyễn Tất Thành (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Năm ngoái, bắt đầu từ ngày 26 tết, tôi được thuê bảo vệ vườn hoa tại công viên Tao Đàn thuộc Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Chỉ trong 2 tuần, từ 26/12 – 9/1 (âm lịch), tôi đã nhận được số tiền 8 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí cho học kì sau...
Có thể nói, ăn tết xa nhà là khoảng thời gian vô cùng ý nghĩa, để các bạn trẻ chiêm nghiệm lại mình, để thêm trân quý những phút giây đoàn viên bên gia đình! Và dù với lý do gì, dù ở đâu, thì các bạn trẻ đều cho rằng, phải biết chấp nhận để làm quen, tạo hành trang tự lập cho cuộc sống của mình.
Tất Thành