Tết của những người mặc blouse trắng

26/01/2020 13:22

Với hầu hết mọi người, Tết là dịp nghỉ ngơi để được quây quần bên gia đình, được du xuân, song với nhiều y, bác sĩ Bệnh viện Đa Khoa tỉnh, Tết là những ngày bận rộn và chịu nhiều áp lực nhất. Công việc chăm lo sức khỏe của người bệnh không có chỗ cho sự lơ là, thờ ơ, dẫu đó là “Tết đến, Xuân về”.

Những đêm giao thừa không ngủ

 Trong thời khắc giao thừa hay những ngày đầu năm mới, khi mọi người được sum họp bên gia đình thì họ - những người mặc blouse trắng vẫn âm thầm, miệt mài với công việc.

31 năm trong nghề, quá nửa thời gian ấy bác sĩ Nguyễn Duy Khánh – Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đón giao thừa trong bệnh viện.

Anh chia sẻ: Trong sâu thẳm của mỗi người, những đêm giao thừa luôn có ý nghĩa rất riêng, nhưng với những người khoác blouse trắng không có khái niệm đêm giao thừa, nếu hôm đó rơi vào ca trực. Bệnh nhân vào viện, nhất là sản phụ thì đâu có “nhân nhượng” ngày nào, giờ nào. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nếu như “ngoài kia”, mọi người đón Tết bằng tiếng cười thì trong viện, chúng tôi đón Tết bằng tiếng khóc chào đời của những sinh linh bé bỏng.

Trong khi nhiều người cho rằng, đầu năm mới người ta kiêng gặp bà đẻ nhưng với các bác sĩ sản khoa điều đó chẳng quan trọng, miễn sao họ giúp được sản phụ “mẹ tròn con vuông”. Mặc dù ngày Tết, lượng bệnh nhân nhập khoa không nhiều, nhưng đã vào viện thì toàn những ca khó, có nhiều trường hợp bệnh nhân cấp cứu do… cố ăn Tết. Trong khi đó, nếu như ngày thường, các bác sĩ có thể hội chẩn tham khảo ý kiến của đội ngũ y, bác sĩ nhưng vào Tết thì bác sĩ trực phải tự mình đưa ra quyết định đối với những ca khó nên rất áp lực. Tuy nhiên, chính những tiếng khóc chào đời của con trẻ, niềm vui của các gia đình khi được đón thêm thành viên mới là niềm vui, hạnh phúc với những người thầy thuốc Khoa Sản mà không phải công việc nào cũng có được.

Tết là những ngày bận rộn nhất với các y, bác sĩ. Ảnh: TH 

 

“Hàng ngày khi đón mỗi bé ra đời chúng tôi đã rất vui, nhưng đêm giao thừa cảm giác đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn trước hạnh phúc của gia đình sản phụ. Mong ước duy nhất đầu năm mới chỉ là tất cả các sản phụ được an toàn, các bé chào đời khỏe mạnh, thế là thắng lợi lớn của đội ngũ y, bác sĩ ” – bác sĩ Nguyễn Duy Khánh tâm sự.

Còn bác sĩ Nguyễn Cảnh Son – Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết: 17 năm trong nghề,10 năm làm ở Khoa Cấp cứu, chuyện đón giao thừa trong bệnh viện với tôi đã trở thành quen. Có năm, các anh em mải lo cấp cứu cho bệnh nhân không biết giao thừa qua lúc nào, bởi công việc không cho phép chúng tôi được lơ là hoặc mất tập trung dù chỉ một phút, chỉ cần một chút sơ suất có thể phải trả giá bằng tính mạng của bệnh nhân. Dù không được đón giao thừa cùng gia đình, không được ngắm những màn pháo hoa, nhưng ở đây chúng tôi sum vầy trong trong tình thương, trách nhiệm với bệnh nhân và niềm vui sẽ vẹn tròn hơn khi mỗi bệnh nhân được cứu chữa qua cơn nguy kịch.

Bác sĩ Đoàn Thị Tuần – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh chia sẻ: Với bệnh nhân họa hoằn lắm cũng chỉ phải đón giao thừa ở bệnh viện một vài lần trong đời nhưng với các y, bác sĩ thì gần như đây là chuyện thường xuyên. Dẫu có bao nhiêu năm đón giao thừa cùng bệnh nhân thì cảm giác đón năm mới ở bệnh viện bao giờ cũng rất thiêng liêng; ca trực đêm giao thừa, mọi người như gần gũi, xích lại gần nhau hơn thường lệ, không khí ấm áp như một gia đình.

Khi chọn nghề y, những người thầy thuốc chấp nhận hy sinh nhiều thứ, trong đó có niềm vui đón giao thừa bên gia đình, người thân. Với họ, đêm giao thừa cũng là đêm trắng.

Áp lực mang tên ngày Tết

Với bệnh viện, ngày thường hay Tết đều phải tập trung cao độ, nhưng vào ngày Tết các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực – chống độc, ngoại chấn thương thường bận rộn nhất.

Một trong những nơi luôn “nóng” nhất chính là khu vực cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Bình thường, Khoa Cấp cứu đã là nơi “đầu sóng ngọn gió”  thì vào ngày Tết, y, bác sĩ, điều dưỡng cấp cứu càng phải hoạt động hết công suất.    

Bác sỹ Nguyễn Cảnh Son bộc bạch: Mỗi dịp Tết là Khoa Cấp cứu lại phải căng mình đón bệnh nhân, nhất là vào thời điểm sau giao thừa, chiều mùng 1, mùng 2 Tết, lượng bệnh nhân đến khoa tăng cao và thường dồn vào một lúc. Chưa hết, những ngày Tết, khu khám bệnh cũng nghỉ cộng với nhiều bệnh nhân nặng từ các cơ sở y tế tuyến dưới chuyển lên càng khiến Khoa Cấp cứu quá tải. Bệnh nhân cấp cứu nhiều nhất là tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, một số trường hợp bị thương tích do đốt pháo, đánh nhau.

Sự hồi phục của bệnh nhân là niềm vui của các bác sĩ. Ảnh: TH 

 

Theo thống kê, nếu như ngày thường, bình quân mỗi ngày Khoa Cấp cứu tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân thì vào Tết phải lên tới 200 – 250 bệnh nhân. Công việc của các y, bác sĩ khoa cấp cứu những ngày Tết vô cùng vất vả, phải tập trung cao độ để tiếp nhận bệnh nhân, thăm khám và nhận định tình hình bệnh phải thật nhanh, chính xác để chuyển bệnh nhân đến các khoa chuyên môn điều trị.

“Nói thật, ngày Tết luôn là nỗi ám ảnh cho tất cả các y, bác sĩ trong Khoa. Mọi người đều thấy “sợ” Tết, vì đây là ngày vất vả, áp lực nhất trong năm” – bác sĩ Nguyễn Cảnh Son trải lòng.

Cùng với các y, bác sĩ ở Khoa Cấp cứu, vào ngày Tết, các bác sĩ ở Khoa Ngoại chấn thương cũng vất vả không kém.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Lâm (31 tuổi) giãi bày: Vào Tết, phòng mổ liên tục sáng đèn, hoạt động hết công suất và các bác sĩ cũng vậy. Nhiều bệnh nhân bị tai nạn giao thông vào viện trong tình trạng ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, các bác sĩ phải hối hả chạy đua với thời gian để giành giật mạng sống với tử thần. Khi mọi người vui chúc nhau những lời tốt đẹp nhất của năm mới thì trong phòng mổ, bác sĩ chúng tôi chỉ nghe có tiếng tít tít của máy thở, các thiết bị hỗ trợ, máu, dịch tiết của bệnh nhân...Chưa hết, bác sĩ còn phải chịu rất nhiều áp lực, bởi nếu cứu chữa mà bệnh nhân qua khỏi thì không sao nhưng nếu điều không may xảy ra bác sĩ rất buồn, thậm chí phải chịu những chỉ trích, đe dọa từ phía người nhà bệnh nhân.

Số lượng bệnh nhân gia tăng, hầu hết là các ca bệnh nặng, việc cứu chữa cho bệnh nhân đã căng thẳng, nhưng vào ngày Tết các y, bác sĩ còn phải chịu thêm áp lực từ phía người nhà, người thân của người bệnh, trong đó có nhiều người đến viện sau khi đã uống rượu, gây náo loạn, thậm chí đe dọa bác sĩ.

Áp lực công việc cao, không được nghỉ ngơi đón Tết, nhưng với các bác sĩ thì tinh thần trách nhiệm là điều luôn được đặt lên trên hết. Họ sẵn sàng làm mọi việc chỉ với một mục đích duy nhất là giữ lại mạng sống cho người bệnh.

Và, bên cạnh những vất vả, căng thẳng ấy, các bác sĩ cũng có những niềm hạnh phúc riêng. Nguyễn Thanh Lâm kể: Đó là chuyện cách đây đã 5 năm rồi, hôm ấy 29 tháng Chạp, 1 bệnh nhân cấp cứu từ Đăk Tô chuyển xuống do bị ngã từ trên mái nhà xuống và có dấu hiệu chấn thương sọ não phải mổ gấp. Khi ấy, người nhà bệnh nhân nắm tay em gửi gắm sự tin tưởng, niềm hy vọng vào em và chính điều đó đã tiếp thêm nghị lực để em thực hiện thành công ca phẫu thuật; sau đó bệnh nhân hồi phục rất nhanh.

Cũng theo bác sĩ Đoàn Thị Tuần, năm nào cũng vậy, mong muốn lớn nhất của anh em bác sĩ là năm tới “nhàn” hơn, ít bệnh nhân hơn, nhưng chưa năm nào như ý muốn. Thôi thì mong rằng những ngày trực Tết năm nay sẽ là kỷ niệm vui chứ không có nỗi buồn, nỗi xót xa khi phải chứng kiến bệnh nhân ra đi, các gia đình mất mát người thân.

Một mùa xuân nữa lại về mang theo những niềm tin và hy vọng mới và những người thầy thuốc bằng tâm huyết, tấm lòng yêu nghề đang thắp lên niềm hy vọng về sự sống, sự hồi sinh cho bệnh nhân, góp phần mang hơi thở mùa xuân đến với mọi người, mọi gia đình.

Thùy Hương

Chuyên mục khác