Tết của những người khoác blouse trắng

27/02/2018 07:02

Khi những màn pháo hoa tung mình trên bầu trời, nhà nhà quây quần bên mâm cơm đoàn viên, cùng nhau du xuân, chúc tết thì ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhiều y, bác sĩ vẫn âm thầm, tất bật cứu chữa người bệnh. Ăn mì tôm sống, đón giao thừa tại bệnh viện… là câu chuyện không còn lạ với những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Đón tết với… mì tôm sống

Mùng 6 tết, có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chúng tôi như ngợp trước vòng xoáy công việc của các y, bác sĩ nơi đây.

Tại phòng cấp cứu, bệnh nhân này vừa được đưa vào, cửa đã mở để đón ca khác. Những màu áo blouse trắng căng mình tiếp nhận, chân đi như chạy, vừa phân loại bệnh nhân, cầm máu, ưu tiên cấp cứu những bệnh nhân nặng rồi điều trị…

“Lượng bệnh nhân ngày tết gần như gấp đôi ngày thường nên chúng tôi phải làm việc như một con thoi” - vừa kiểm tra lại số lượng thuốc, chị Nguyễn Ngọc Anh Thi - Điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu vừa chia sẻ.

Tết, Khoa Cấp cứu căng như dây đàn. Bởi, đây là thời điểm các ca bệnh: ngộ độc thực phẩm, tai nạn giao thông, tai nạn pháo, đánh nhau… gia tăng. Do vậy, từ ngày 29 tết, 15 điều dưỡng phải thay nhau trực, mỗi kíp trực gồm 4 người. Tuy vậy, số lượng bệnh nhân quá đông nên nhiều lúc, các điều dưỡng đang trong thời gian nghỉ trực vẫn phải tăng cường, lên hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Mùng 3 tết, bệnh nhân ùn ùn nhập viện, các y, bác sĩ không kịp nghỉ tay. “Mì tôm để sẵn, không có thời gian chế, chúng tôi phải tranh thủ ăn sống lót dạ để tiếp tục lo cho bệnh nhân. Những ngày tết, 2h chiều ăn cơm trưa là chuyện bình thường” – chị Thi bộc bạch.

Năm nay, để đảm bảo việc phục vụ bệnh nhân, trước, trong và sau tết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã lên kế hoạch, bố trí khoảng 70 cán bộ, y, bác sĩ túc trực. Chính vì vậy, không chỉ Khoa Cấp cứu, ở những khoa khác, các y, bác sĩ cũng quay cuồng với công việc.

Trong những ngày tết, các y bác sĩ vẫn luôn túc trực bên bệnh nhân

 

Như tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, các y, bác sĩ cũng khẩn trương, hối hả, “thầm lặng chiến đấu” để giành lại sự sống cho người bệnh trong từng giây phút. Những chiếc máy cứ tích tắc, y, bác sĩ cũng căng mắt thức trắng vừa theo dõi, điều trị; phần lại động viên, an ủi người nhà…

Không chỉ căng thẳng từ công việc, ngày tết, các y, bác sĩ còn khóc thầm vì chịu nhiều áp lực từ phía người nhà bệnh nhân. “Tâm lý chung, ai cũng muốn được cấp cứu cho người nhà mình một cách nhanh chóng, tuy nhiên, khi bệnh nhân đông, chúng tôi phải ưu tiên cấp cứu những ca bệnh nặng trước, để đảm bảo sự sống cho bệnh nhân. Nhiều người nhà không hiểu, gây sự, khiến chúng tôi rất áp lực” – chị Thi chia sẻ.

Sum vầy trong tình thương

Đón giao thừa cùng gia đình, với nhiều người, đó là điều bình thường, nhưng với những y, bác sĩ làm tại bệnh viện, đó là hạnh phúc lớn lao.

Mậu Tuất 2018 là năm đầu tiên 2 vợ chồng điều dưỡng Bùi Xuân Trường, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cùng được đi xem pháo hoa, đón giao thừa. “Vợ tôi làm nữ hộ sinh, Khoa Sản. Mọi năm trước lịch trực của 2 vợ chồng chệch nhau, có tết còn không gặp nhau. Năm đầu tiên được đón thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cùng vợ con, thật sự rất vui mừng”- anh Trường chia sẻ.

Dù ở cùng gia đình nhưng vì tính chất công việc, anh Trường không bao giờ tắt điện thoại. “Không riêng đêm giao thừa, những ngày nghỉ trực, như các đồng nghiệp khác, tôi không đi chơi xa và luôn để điện thoại. Bất kể khi nào, bệnh nhân đông, tôi sẵn sàng lên túc trực, hỗ trợ cùng đồng nghiệp” – anh Trường nói.

Câu chuyện của một nữ hộ sinh có chồng làm tại phòng mổ khiến nhiều người xúc động. Năm nay, lịch trực chệch nhau nên 2 vợ chồng chị chỉ được gặp nhau vào đúng ngày mùng 2 tết. Quê ở xa, không có nội, ngoại ở gần, 2 con còn nhỏ, tết đến, chị lo ngay ngáy.

“Khi có lịch trực, tôi phải nhờ bà ngoại ở quê vô giúp vợ chồng tôi chăm cháu. Tết nhất cũng muốn đoàn viên, vui vẻ với gia đình lắm nhưng công việc mà, phải chấp nhận thôi. Chỉ thương mẹ, vì con, vì cháu phải lặn lội xa quê, đón tết thui thủi một mình trong này” – chị nghẹn ngào.

Với nhiều người làm tại bệnh viện, việc về quê, đoàn viên cùng gia đình trong ngày tết là điều khó xảy ra. Như chị Anh Thi, 21 năm gắn bó với nghề, cũng là khoảng thời gian chị không được đoàn viên, đi chơi xa cùng gia đình trong dịp tết.

“Nhiều lúc đi trực về, mệt quá chỉ muốn ngủ lấy lại sức cho ca trực tiếp theo nên việc đi thăm, chúc tết anh em, họ hàng gần như bị bỏ qua. Cũng may nhiều người hiểu và thông cảm” – chị Thi nói.

Chị còn chia sẻ, ngày trước, tết đến, các con còn hỏi, đòi mẹ dẫn đi chơi, nhưng năm này qua năm khác, con chị quen với việc mẹ đi trực ngày tết. Lúc chị nghỉ trực, các con cũng không đòi đi chơi mà để mẹ nghỉ ngơi. Thấy con thiệt thòi chị cũng thương lắm, nhưng phải chấp nhận. 

Bác sĩ Khoa Nội tim mạch, lão khoa thăm khám cho bệnh nhân

 

Nghề là nghiệp, dù công việc vất vả, dù không được đón tết với gia đình nhưng khi nhìn bệnh nhân đau đớn, chống chọi với những cơn đau vật vã, các y, bác sĩ gác hết mọi việc sang một bên, quên hết mệt mỏi, tập trung vào chuyên môn cứu chữa bệnh nhân.

Nhấp vội ngụm nước, chị Anh Thi nói rằng, dù không được đón tết cùng gia đình, nhưng ở Bệnh viện, y, bác sĩ được sum vầy trong tình thương, trách nhiệm với bệnh nhân. Trong dòng câu chuyện, ánh mắt chị rạng ngời, vui vẻ: Năm nay, qua tết, mọi việc đều bình an, bệnh nhân và các y, bác sĩ đều an toàn, thật sự rất vui mừng.

Còn một nữ hộ sinh cũng phấn khởi chia sẻ: Dù phải căng như dây đàn tập trung vào công việc, dù không được quây quần, cùng gia đình ăn bánh chưng ngày tết nhưng nghĩ đến những lúc đón các thiên thần bé nhỏ từ người mẹ, thấy mẹ tròn con vuông, gia đình, người thân mừng rỡ, chúng tôi cũng hạnh phúc vô cùng.  

Chiều, hoàng hôn dần buông, trong bệnh viện, các y, bác sĩ vẫn quay cuồng với công việc. Xa xa, thấp thoáng bóng dáng blouse trắng đang nhai vội miếng mì tôm sống, nhấp ngụm cà phê đắng rồi lại tiếp tục cầm máu, thay băng, chữa trị cho bệnh nhân…

Bình An

Chuyên mục khác