Tết ấm vùng biên

09/02/2021 06:29

Những ngày cuối năm, về thăm các hộ dân nhập tịch ở vùng biên giới Đăk Glei, Ngọc Hồi, chúng tôi cảm nhận được niềm hân hoan, mừng vui của bà con. Không mừng vui sao được, khi họ đã trở thành công dân Việt Nam, được hòa mình trong cộng đồng các dân tộc, chung sức, đồng lòng xây dựng cuộc sống ấm no.

Niềm nở đón chúng tôi ở trụ sở UBND xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, anh A Phương - cán bộ Tư pháp xã cho biết: Từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn có 14 người di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập tịch. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay cuộc sống của bà con đã ổn định, ai nấy đều có nhà cửa, rẫy vườn…

Chứng thực lời nói của mình, anh Phương giục tôi uống hết ly trà nóng để đến “mục sở thị” cuộc sống của bà con sau khi nhập tịch. Theo những con đường bê tông phẳng phiu, chúng tôi đến thôn Broong Mẹt. Chỉ tay vào những dãy nhà tường xây kiên cố, mái lợp tôn, san sát hai bên đường, anh Phương giới thiệu: Đây là nhà của những hộ dân di cư tự do từ Lào sang và được nhập tịch. Giờ này bà con đang trên  rẫy, các cháu nhỏ đang đi học nên vắng vẻ.

Vợ chồng chị Y Tha bên vườn cà phê mới trồng nhờ nguồn vốn vay. Ảnh: VT

 

Nói rồi, anh Phương tiếp tục dẫn chúng tôi đi thăm vườn cà phê của chị Y Tha. Vượt qua những vườn cà phê đang vươn mầm xanh trong nắng, tiếp nối là những vườn cao su, bời lời xanh ngát phủ xanh sườn đồi, anh Phương nói: Những vườn cây này của các hộ dân được nhập tịch, họ chăm chỉ lắm, lại được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách quan tâm của Nhà nước, được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế nên đời sống ngày càng khởi sắc, không còn hộ nào thuộc diện hộ nghèo.

Tiếp chúng tôi, chị Y Tha tâm sự: Vườn cà phê này mới trồng vào đầu năm 2020 từ tiền vay ngân hàng đấy. Gia đình vay 20 triệu đồng cộng với số vốn gia đình tiết kiệm được để trồng 500 cây cà phê xen canh trên 2ha mì và mua thêm 3 con bò giống. Trước đây gia đình tôi khổ lắm, vợ chồng kết hôn không giá thú, chỉ biết trông chờ bà con họ hàng giúp đỡ. Từ khi trở thành công dân Việt Nam, gia đình tôi nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình hỗ trợ, được tiếp cận các nguồn vốn vay làm kinh tế, vợ chồng tôi yên tâm lo cho cuộc sống, bây giờ nhà cửa đã ổn định, có chút của ăn của để.

Điều khiến vợ chồng chị Y Tha phấn khởi hơn cả là sau khi nhập tịch, những đứa con của anh chị đã có quốc tịch và giấy tờ tùy thân đầy đủ, các cháu có thể yên tâm đến trường mà không còn lo lắng vướng víu giấy tờ như trước đây.

Rời làng Broong Mẹt, chúng tôi đến thăm gia đình anh A Nhơi ở thôn Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi). Trong căn nhà cấp 4 khang trang, anh Nhơi phấn khởi khoe: Mình vốn là người di cư tự do từ Lào sang và lấy vợ người Việt, được nhập tịch năm 2019. Từ khi sang đây, tôi luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của hàng xóm, của chính quyền. Hiện giờ, ngoài nhận khoán 2ha cao su, gia đình tôi còn có gần 1ha cao su, 2ha bời lời sắp thu hoạch, trừ mọi chi phí, mỗi tháng thu về hơn 10 triệu đồng. Cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định, năm mới, gia đình tôi có điều kiện chung vui đón tết với bà con nơi đây.

Anh Xiêng Lăng Nghiếu cùng gia đình gói bánh sừng trâu đón Tết. Ảnh: VT

 

Ghé thăm nhà anh Xiêng Lăng Nghiếu cũng ở thôn Đăk Răng, là một người di cư tự do từ Lào sang và kết hôn không giá thú với người Việt, vừa đúng lúc anh đang cùng mọi người gói bánh sừng trâu đón tết. Già làng Brol Vẻ cho biết: Bánh sừng trâu là bánh truyền thống của người Triêng, được gói để dùng trong những dịp đặc biệt, nhất là ngày tết. Xiêng Lăng Nghiếu di cư tự do từ Lào sang Việt Nam, lấy con gái tôi là Y Hương, được nhập tịch từ năm 2019. Nó gói bánh sừng trâu giỏi lắm, như người Triêng vậy.

Bánh sừng trâu nhỏ gọn, nằm gọn trong bàn tay người lớn. Gọi là bánh sừng trâu bởi hình dáng bánh tựa những chiếc sừng trâu thu nhỏ. Bánh được làm từ nếp than do chính bà con trồng, trộn với ít muối rồi gói cẩn thận trong lá đót, sau đó dùng lạt tre buộc lại. Bánh sừng trâu thường dùng với thịt chuột thui rơm, treo gác bếp.

Theo lời già Brol Vẻ, trước đây cuộc sống khó khăn, bà con rất ít khi gói bánh sừng trâu, bây giờ cuộc sống khá rồi, mọi người nhớ đến nếp xưa lại làm bánh sừng trâu và nhiều món ăn truyền thống khác, đồng thời khôi phục nhiều lễ hội, tập tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Nghe cha tâm sự, cô con gái Y Hương nói xen vào: Giờ mọi người đã biết ăn ngon, mặc đẹp rồi, tết về, nhà nào cũng rộn ràng mua sắm. Trước đây, cuộc sống chưa ổn định, khổ lắm, ngày tết cũng như ngày thường, vẫn phải lên rừng, lên rẫy.

Gia đình anh Nghiếu hiện có 1,5ha cao su đã khai thác. Ảnh: VT

 

Chị Hương dứt lời, anh Nghiếu gật, cười nói: Gia đình tôi hiện có 1,5ha cao su đã khai thác và nhận khoán 1ha, nuôi thêm 3 con bò và gà vịt, thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng. Tết đến, gia đình tôi chi ra 1 khoản sắm sửa đón một cái Tết ấm cùng bà con.

Đúng như chị Hương tâm sự, gia đình chị cũng như bao hộ dân khác ở Đăk Răng, những cái tết vẫn phải làm để kiếm cái ăn, để khỏi phải mua sắm gì đã lùi xa trong quá khứ. Giờ đây, cuộc sống không ngừng được nâng cao, bà con có điều kiện ăn Tết kĩ hơn, vấn đề mọi người bận tâm là năng suất lao động, giá nông sản tăng hay giảm, sắm sửa gì cho gia đình đón năm mới…

Nhận xét về đời sống hiện tại của người dân được nhập tịch trên địa bàn huyện, ông Phan Thanh Tùng – Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Ngọc Hồi cho biết: Đến nay, trên địa bàn huyện không còn trường hợp người dân nhập tịch nào thuộc diện hộ nghèo, đa số đều có diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, bời lời… và có thu nhập ổn định. Những người nhập tịch cũng như những người dân khác đều được Nhà nước quan tâm, đầu tư hưởng lợi từ các công trình điện, đường, trường, trạm… và các chế độ chính sách theo quy định của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 21 hộ nhập tịch vào năm 2019, có 8 hộ là dân tộc Brâu còn được hỗ trợ 8 con bò giống theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ kinh tế - xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống của người dân nhập tịch ở vùng biên Đăk Glei, Ngọc Hồi ngày càng ấm no, đủ đầy. Họ chung sức đồng lòng cùng cộng đồng hăng say lao động gây dựng cuộc sống ấm no, quê hương giàu đẹp. 

Một mùa Xuân mới đã đến, mang theo những niềm tin mới về một vùng biên đoàn kết, căng tràn sức sống.

Văn Tùng

Chuyên mục khác