“Tên Anh đã thành tên đất nước”

27/07/2021 06:01

Lần nào đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cũng vậy, chia tay các anh trong khói hương bảng lảng, trong nặng trĩu những tâm tư, lòng lại nhớ đến bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân. Thầm nghĩ khi cuộc tìm kiếm vẫn chưa hồi kết, thì những phần mộ với dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được tên” vẫn lặng lẽ, âm thầm nhận về mình tên chung “đất nước”.

Mỗi lần có dịp đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sau khi dành những phút mặc niệm ngay ở Đài tưởng niệm, tôi thường rẽ về phía tay phải Nghĩa trang, đi về  dãy sau nơi có những phần mộ liên tiếp đều cùng một dòng chữ lặng im “Liệt sĩ chưa xác định được tên”. Lặng lẽ cúi xuống, thắp cho các anh nén tâm nhang, hòng mong được góp phần sưởi ấm anh linh những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc và gửi những trái tim hồng vào đất trời, gửi đến anh linh các anh hùng liệt sĩ muôn vạn tấm lòng tri ân - mà lòng trĩu nặng, khóe mắt cay cay. Vì khói hương bay vào hư vô? Hay vì dẫu chiến tranh đã lùi xa 46 năm nhưng những nỗi đau mang tên chiến tranh còn đó?

Lãnh đạo tỉnh thắp hương các mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ . Ảnh: VP

 

Nào đâu ở mỗi Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, trên các nghĩa trang liệt sĩ khắp dải đất hình chữ S vẫn còn biết bao phần mộ liệt sĩ với dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được tên”, ngắn gọn nhưng chất chứa đau thương nằm đó. Và điều đó đồng nghĩa với việc vẫn còn biết bao gia đình khắc khoải, thao thức tìm kiếm danh tính các liệt sĩ giữa trùng điệp thông tin mơ hồ suốt nửa thập kỷ qua. Người ra chiến trường nằm đâu đó trong các trận địa hoặc đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ. Còn người thân của các anh vì những thông tin còn lưu lại quá ít, vì “Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường” nên mãi vẫn mòn mỏi nỗi niềm ngóng trông...  Bao nhiêu ánh mắt mờ đục, lặng câm của những người mẹ, bao nhiêu khắc khoải, mỏi mòn của những người vợ, người con trong nỗi niềm tìm lại hài cốt của những người con, người chồng, người cha đã nửa thế kỷ trôi qua vẫn chưa có lời hồi đáp.

Các anh hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhìn những phần mộ đồng đội xung quanh các anh là biết. Từ nhiều miền quê khác nhau, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các anh bằng sức trẻ, bằng tuổi đôi mươi, bằng lòng quả cảm và tình yêu đất nước nồng nàn đã lên đường ra trận. Chiến tranh ác liệt, sự sống, cái chết kề gang tấc, dù biết rằng mỗi bước đường mỗi bước hy sinh nhưng các chàng trai, cô gái xuân xanh không nề hà gian khó, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Chiến tranh đã lùi xa 46 năm. Trên những vùng đất nhuốm máu đào của các anh chị nay đã hồi sinh. Những vạt rừng nham nhở bởi bom Napan, bởi chất độc hóa học nay đã xanh bạt ngàn cà phê, cao su…  Những vùng chiến khu xưa, những nơi mà các anh hành quân ngang qua đã đổi thay từng ngày, trường học, trạm xá liền kề bên những mái nhà ngói đỏ, tiếng con trẻ ê a đọc bài vang vang trong gió.

Năm tháng trôi qua với bao thay đổi. Chỉ các anh những nhân chứng lịch sử mãi không già, vẫn mãi mãi tuổi hai mươi với khát khao cống hiến, khát vọng độc lập.

Những mộ liệt sĩ chưa xác định được tên. Ảnh: NP

 

Cho đến hôm nay, trên các nghĩa trang liệt sĩ vẫn còn nhiều phần mộ trắng hàng bia những ngôi sao không nói, đang chờ một tấm bia ghi đầy đủ danh tính, quê hương. Và những cuộc tìm kiếm của nhiều gia đình vẫn đang tiếp tục trong hy vọng và khắc khoải… Tổ quốc thiêng liêng nên còn biết bao những gia đình đã nuốt thổn thức riêng tư, vượt qua trận chiến của lòng mình ngay trong những tháng ngày bom đã ngừng rơi, đạn đã ngừng lạc. Còn bao nhiêu người vợ, người mẹ mong tìm được hài cốt chồng, con về với tổ tiên ở quê nhà khi tóc đã bạc trắng đầu. Còn bao nhiêu người con chưa một lần được gặp bố nhưng chỉ cần nghe có chút thông tin lại ngược xuôi hành trình.

Đã nghe nhiều câu chuyện kể cảm động, da diết về hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ – thân nhân của các anh chị đồng nghiệp, của bạn bè. Nên khi nhìn những dòng chữ lặng im trên những phần mộ, lòng chợt bùng lên những cảm xúc về những điều thật thiêng liêng và lớn lao. Cảm xúc về tình đất nước, về nghĩa đồng bào. Cảm xúc về sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ và bền bỉ. Nhận ra mình mang ơn những giọt nước mắt lặng lẽ trong những tháng ngày đằng đẵng đợi chờ, những hy sinh âm thầm và bền bỉ của bao người mẹ, người vợ, người con. Mang ơn các anh đã không tiếc máu xương, lặng thầm hy sinh để đất nước “nở hoa độc lập, kết trái tự do”.

Lần nào đến Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh cũng vậy, chia tay các anh trong khói hương bảng lảng, trong nặng trĩu những tâm tư, lòng lại nhớ đến bài thơ Dáng đứng Việt Nam của Lê Anh Xuân. Thầm nghĩ khi cuộc tìm kiếm vẫn chưa hồi kết, thì những phần mộ với dòng chữ “Liệt sĩ chưa xác định được tên” vẫn lặng lẽ, âm thầm nhận về mình tên chung “đất nước”. Như nhà thơ Lê Anh Xuân đã nói hộ tâm tình “Tên Anh đã thành tên đất nước”, để “Đất nước bay lên bát ngát mùa xuân”, để lớp lớp thế hệ hôm nay tiếp bước khát khao cống hiến, khát vọng độc lập của các anh, không ngừng nỗ lực để hiện thực khát vọng Việt Nam hùng cường.         

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác