Tập trung phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS

08/09/2023 13:30

Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030” (viết tắt là Chương trình), UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chương trình giai đoạn 2022-2023 với tổng nguồn vốn 1.659,895 tỷ đồng.

Qua gần 2 năm triển khai thực hiện, UBND tỉnh giải ngân 518,742 tỷ đồng, đạt 31,25% kế hoạch. Trong đó, ngân sách Trung ương 445,198 tỷ đồng, đạt 34,33%; ngân sách địa phương 2,385 tỷ đồng; nguồn tín dụng 71,159 tỷ đồng, đạt 32,97% kế hoạch.

Từ nguồn vốn Chương trình, đến nay, toàn tỉnh có 6.137,97km đường giao thông được đầu tư, nâng cấp và mở mới, đảm bảo thuận lợi cho sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân.

Nhiều công trình thủy lợi lớn đã và đang được tu bổ, nâng cấp và xây mới, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, gắn với các chính sách xã hội để từng bước giải quyết nước sinh hoạt cho nhân dân và phục vụ phát triển KT-XH. 100% số xã, phường, thị trấn và thôn, làng có điện quốc gia và hệ thống truyền tải lưới điện được chú trọng đầu tư đưa vào vận hành, góp phần nâng tỷ lệ hộ được sử dụng điện đạt 99,84%, tăng 1,71% so với năm 2015.

Làm đường giao thông nông thôn xã Pô Kô, huyện Đăk Tô. Ảnh: TVP

 

Về sản xuất, các loại cây trồng chủ lực của tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển, như: 29.127ha cà phê, đạt 100,67%; 77.541ha cao su, đạt 100,73%; 2.863ha mắc ca, đạt 85,13%; 10.145ha cây ăn quả, đạt 96,85%; 1.784ha sâm Ngọc Linh, đạt 79,62%; 5.784ha cây dược liệu khác, đạt 106,97%.

Chăn nuôi tiếp tục ổn định. Đến nay, toàn tỉnh nuôi được 269.377 con gia súc, đạt 97,15% kế hoạch, bằng 101,67% so với cùng kỳ. Diện tích nuôi trồng thủy sản ao hồ nhỏ trên 850 ha, đạt 100% kế hoạch, bằng 109,56% so với cùng kỳ và có tổng sản lượng thủy sản ước trên 3.279 tấn, đạt 9,33% kế hoạch, bằng 105,77% so với cùng kỳ.

Công tác giảm nghèo tiếp tục được quan tâm và đã thực hiện cấp 60.321 thẻ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ kinh phí tiền điện cho 21.988 hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với tổng kinh phí 3.628 triệu đồng. Công tác giải quyết đất ở, đất sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS tiếp tục được chú trọng, nên 98,14% số hộ có đất ở và 97,89% số hộ có đất sản xuất.

Toàn tỉnh có 10/10 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục (PCGD) mầm non trẻ 5 tuổi; 9/10 huyện, thành phố duy trì chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3 và huyện Kon Rẫy đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 2; 8/10 huyện đạt chuẩn PCGD trung học cơ sở (THCS) mức độ 2 và 2 huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 1; 189 trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS, trung học phổ thông chuyển sang học nghề đạt khoảng 21,9%, đạt 87,6% kế hoạch và tăng 51% so với cùng kỳ.   

Đến nay, toàn tỉnh có 100% số trạm y tế có bác sĩ; 99% số xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,5%, bằng 99,09% kế hoạch, tăng 2,3% so với cùng kỳ.

Bà con DTTS huyện Đăk Hà phát triển chăn nuôi bò. Ảnh: TVP

 

Công tác bảo vệ, khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS được triển khai tích cực. Đến nay, tỉnh trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn/làng đồng bào DTTS tại chỗ không có cồng chiêng, vượt mục tiêu đề ra. Toàn tỉnh có 409 làng có nhà rông. 

Nhờ triển khai thực hiện tốt Chương trình, nên góp phần GRDP bình quân đầu người tăng từ 46,78 triệu đồng năm 2021 lên 52,44 triệu đồng năm 2022, đạt 100,84% kế hoạch. Theo đó, toàn tỉnh chỉ còn 15.215 hộ DTTS nghèo, chiếm 95,43% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh và 7.936 hộ DTTS cận nghèo, chiếm 89,60% tổng số hộ cận nghèo toàn tỉnh.

Nhìn chung, việc triển khai thực hiện Chương trình được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt bằng các chương trình, kế hoạch cụ thể và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, từ đó tạo sự nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Nhờ đó, kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có bước phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo, thất nghiệp, thiếu việc làm và các tệ nạn xã hội giảm dần. Trình độ dân trí, chất lượng nguồn lao động được nâng cao, tạo điều kiện, cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.               

Trần Văn Phúc

Chuyên mục khác