28/03/2020 13:03
Theo số liệu tổng hợp của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh hiện có 2.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 39.000 trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Qua theo dõi, đánh giá của ngành chức năng, phần lớn các em sống trong các gia đình nghèo, hoặc có cha mẹ ly hôn, hay thuộc các hộ có vấn đề xã hội (như nghiện ma túy, vi phạm pháp luật, mồ côi cha hoặc mẹ)... nên dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, tai nạn thương tích.
Quan tâm, chăm lo và bảo vệ trẻ em nói chung và đặc biệt là các em có hoàn cảnh đặc biệt trên, các cấp và các ngành đã thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, cũng như triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, hoạt động cụ thể, thiết thực.
Trong đó, Sở LĐ-TB&XH thường xuyên phối hợp với ngành GD&ĐT tỉnh, Công an tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ trẻ em đến giáo viên và học sinh trong các trường học; đến cán bộ, đảng viên và nhân dân tại cộng đồng.
“Nội dung tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được triển khai rộng khắp; trong đó, tập trung vào Luật Trẻ em, các chế độ chính sách liên quan đến trẻ em, các chuyên đề về phòng chống bạo lực học đường, phòng chống ma túy học đường, giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các làng vùng đồng bào DTTS. Hình thức tuyên truyền khá đa dạng, phong phú, trong đó đặc biệt chú trọng nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại các thôn làng, khu dân cư, trường học có kết hợp trình chiếu các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc trẻ, hướng dẫn kỹ năng phòng tránh, phát hiện trẻ bị lạm dụng, bị bạo hành… Những hoạt động này đã góp phần tác động, nâng cao nhận thức và hành động của cộng đồng trong việc quan tâm, bảo vệ và chăm sóc các em tốt hơn” - ông A Kang, Giám đốc LĐ-TB&XH thông tin.
|
Để xây dựng môi trường gia đình an toàn, lành mạnh, nhằm phòng, chống bạo lực gia đình và các hình thức khác xâm hại trẻ em, các ngành chức năng đã tham mưu tỉnh triển khai 6 mô hình can thiệp, phòng chống bạo lực gia đình; 20 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình và 27.600 mô hình ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại cộng đồng.
Các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh cũng đã phối hợp mở các diễn đàn, tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề có kết hợp lồng ghép tuyên truyền về bảo vệ trẻ em, nhất là những trường hợp các cháu nhỏ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; về vai trò, vị trí, tầm quan trọng trong phòng, chống bạo lực gia đình và phòng chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, hàng năm, ngành GD&ĐT tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo các trường học triển khai xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường phối hợp giữa nhà trường với lực lượng công an địa phương và phụ huynh để truyền dạy những giá trị sống tích cực, tăng kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên.
Đồng thời, ngành GD&ĐT đã cùng Ban An toàn giao thông tỉnh, các huyện thành phố tổ chức tuyên truyền nói chuyện chuyên đề về an toàn giao thông; phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức các buổi ngoại khóa cho gần 130 ngàn lượt học sinh ở 225 trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh về phòng tránh các tệ nạn xã hội.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh còn xây dựng và công khai thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học có sự tham gia của người học; thiết lập kênh thông tin như hộp thư góp ý, đường dây nóng và các hình thức khác để tiếp nhận, xử lý các thông tin của người học; bảo mật cho người cung cấp thông tin. Nhờ đó, các trường đã ngăn chặn, xử lý kịp thời, có hiệu quả các vụ việc học sinh đánh nhau ở trong hoặc ngoài nhà trường.
Các huyện và thành phố đã quan tâm xây dựng, duy trì hoạt động của các hệ thống bảo vệ trẻ em tại cộng đồng; 30 điểm tham vấn và câu lạc bộ cho trẻ em, nhóm trẻ em nòng cốt; 2 dịch vụ công tác xã hội trẻ em cấp tỉnh và Hội đồng Tư vấn cấp tỉnh; duy trì hoạt động mô hình chăm sóc bán trú ban ngày cho 30 trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh; mô hình phòng điều tra thân thiện tại Công an tỉnh.
Chung tay cùng các cấp, các ngành, những năm qua, Ủy ban MTTQVN tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả chương trình “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong đó bao gồm nội dung liên quan đến phòng chống xâm hại trẻ em. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã xây dựng các địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng cho phụ nữ và trẻ em bị bạo hành.
Với sự triển khai đồng bộ trong công tác chăm lo và bảo vệ trẻ em từ tỉnh đến cơ sở, trong thời gian qua, đã có 435 ca trẻ có hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp khi bị bạo hành, hay có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng. Hàng năm, các ngành chức năng đã quan tâm, thực hiện tích cực, kịp thời chính sách bảo vệ, hỗ trợ vật chất cho khoảng 30 nghìn lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt hoặc có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được cải thiện cuộc sống tốt hơn tại cộng đồng.
Có thể nói, những sự đóng góp tích cực và hiệu quả của các cấp, các ngành và địa phương trong thời gian qua đã góp phần quan trọng tạo môi trường vui chơi, học tập và phát triển an toàn cho trẻ em.
Mai Trâm