Tạo mọi điều kiện cho người khuyết tật vươn lên

26/12/2022 13:11

Thời gian qua, tỉnh ta chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về Luật Người khuyết tật và các chính sách liên quan để tạo mọi điều kiện cho người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, giúp họ từng bước xóa bỏ mặc cảm, tự ti, vượt qua rào cản bản thân để tham gia đầy đủ và bình đẳng trong mọi lĩnh vực xã hội.

Với sự thiệt thòi về nhiều mặt, người khuyết tật gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, sinh hoạt, học tập so với người bình thường. Nhưng bằng nghị lực phi thường của mình cộng với sự chung tay chăm lo của toàn xã hội, nhiều tấm gương người khuyết tật tại cộng đồng đã vượt qua nghịch cảnh và vươn lên trở thành công dân có ích, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ.

Mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng có điểm chung là đều ý thức tự nỗ lực vươn lên để không là gánh nặng cho xã hội, luôn tìm cơ hội để hòa nhập với cộng đồng, bình đẳng với mọi người xung quanh.

Có thể kể đến trường hợp của anh Vũ Quốc Long tại thôn Ngọc Tiền (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi). Nghịch cảnh bất chợt ập đến với anh cách đây hơn 9 năm, anh bị mù cả 2 mắt bởi căn bệnh quái ác. Nhiều lúc suy sụp muốn buông xuôi mọi thứ, nhưng với sự động viên của gia đình và chính quyền địa phương, anh đã nỗ lực vươn lên và truyền cảm hứng cho nhiều hoàn cảnh khó khăn khác. Hiện, anh đang là hộ người khuyết tật sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, với mô hình chăn nuôi gà, quy mô từ 3000 – 5000 con/năm, cho thu nhập ổn định.

Khám chữa bệnh cho trẻ em khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh. Ảnh: H.T

 

Tương tự như chị Trần Thị Tuyết Sương (tổ 3, phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) bị khuyết tật từ nhỏ nhưng không cam chịu với số phận, chị không ngừng nỗ lực để học tập, tìm kiếm lối đi riêng cho mình để không phụ thuộc vào người thân và xã hội. Chị hiện mở hàng tạp hóa buôn bán các mặt hàng nhỏ lẻ để mưu sinh, lại được chính quyền quan tâm động viên, hỗ trợ nhiều chính sách về y tế, trợ cấp nên cũng giúp chị vơi đi phần nào nỗi lo cơm áo gạo tiền hàng ngày để có thể vui sống. Hiện tại, hàng tháng chị Sương cũng được nhận 720 nghìn đồng tiền trợ cấp và miễn phí 100% các khoản phí khám chữa bệnh khác.

Hiện nay, số lượng người khuyết tật được tiếp cận với các chính sách, chương trình chăm sóc của Nhà nước và cộng đồng ngày càng tăng. Toàn tỉnh hiện có 7.699 người khuyết tật, trong đó có 7.617 người được cấp giấy xác nhận khuyết tật; 5.754 người khuyết tật được trợ cấp xã hội; 100% người khuyết tật đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ; 100% các bệnh viện tuyến tỉnh đã có khoa phục hồi chức năng để phát triển sâu các kỹ thuật vật lý trị liệu, chữa bệnh cho người khuyết tật...

Bà Y Thah ở thôn Kon Tum Kơ Nâm (phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum) bị teo cơ từ rất trẻ, vào năm 23 tuổi. Giờ đây khi tuổi đã già, đôi chân bị bệnh ngày càng teo tóp gây khó khăn trong đi lại và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Số tiền ít ỏi từ việc dệt vải thổ cẩm để bán chẳng đáng là bao nên bà thường xuyên phải vay mượn tiền của bà con hàng xóm để mua gạo, thuốc thang. Trong sự khốn khó, bà đã kịp thời được chính quyền địa phương làm thủ tục xác nhận khuyết tật và được hưởng đầy đủ các chính sách hỗ trợ, hàng tháng được nhận 720 nghìn đồng và miễn 100% chi phí khám chữa bệnh. Giờ đây bà Y Thah đã không còn phải lo lắng từng bữa ăn hàng ngày cũng như những cơn đau bệnh bất chợt ập đến khi trái gió trở trời.

Ông A Kang – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Những năm qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và phổ biến về Luật Người khuyết tật, nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội đối với chăm lo cho người khuyết tật đã không ngừng nâng cao. Ngày càng có nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cá nhân tham gia các hoạt động từ thiện trợ giúp người khuyết tật. Các sở, ngành liên quan cũng phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ trợ giúp người khuyết tật từng bước được cải thiện. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và giải quyết việc làm đã tác động tích cực đến đời sống của đại đa số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh”.

Có được những kết quả đó là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ trong việc triển khai đầy đủ, hiệu quả các chính sách, đề án về người khuyết tật trên địa bàn. Các kế hoạch ban hành đảm bảo cụ thể, chi tiết và có sự điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo từng giai đoạn để đảm bảo hiệu quả; quan tâm hỗ trợ các chính sách về vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm, đẩy mạnh quảng bá và tiêu thụ sản phẩm do người khuyết tật làm ra.

Ông A Kang cho biết: “Do nhiều hạn chế về điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng của tỉnh, công tác trợ giúp người khuyết tật trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng có thể khẳng định, những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua sẽ là tiền đề và “hành trang” vững chắc để tiến tới xây dựng một môi trường lành mạnh, không rào cản, bảo đảm sự bình đẳng của người khuyết tật trong mọi lĩnh vực xã hội”.

Hoàng Thanh       

Chuyên mục khác