Tạo khác biệt để thu hút đầu tư

01/04/2018 18:00

Trong những năm qua, công tác thu hút đầu tư của tỉnh Kon Tum tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Việc tiến hành đánh giá tiềm năng và ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vào địa bàn cùng với công tác đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh, thực hiện cơ chế “liên thông một cửa”; đồng thời kết hợp các chính sách về thuê đất, tạo quỹ đất sạch, hỗ trợ giải phóng mặt bằng,...là những nỗ lực mà tỉnh Kon Tum đang dành cho việc thu hút đầu tư.

Cũng trong thời gian qua, những người làm báo ở Báo Kon Tum đã kết hợp với Trung tâm xúc tiến đầu tư của tỉnh và các cơ quan chức năng tạo mối quan hệ công tác, từ đó có nhiều bài viết giới thiệu những tiềm năng về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh Kon Tum. Báo Kon Tum đã xây dựng nhiều chuyên trang, chuyên đề về công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, làm cơ sở dữ liệu giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước cập nhập thông tin về tiềm năng, lợi thế của Kon Tum đem lại hiệu quả tích cực.

Dựa vào tiềm năng và thế mạnh đặc trưng của từng vùng, từ năm 2007, tỉnh Kon Tum đã đầu tư xây dựng, phát triển 3 vùng kinh tế động lực: Vùng kinh tế động lực thành phố Kon Tum gắn với Khu công nghiệp Hòa Bình; Vùng kinh tế động lực Ngọc Hồi gắn với Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y; Vùng kinh tế động lực Kon Plông gắn với Khu du lịch sinh thái Măng Đen.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: L.S

 

Xuất phát từ việc coi trọng giá trị nguyên sơ không chỉ riêng của Kon Tum mà còn là của Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum đã và đang hướng đến xây dựng 3 vùng kinh tế động lực với lợi thế của từng vùng…để tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển, thu hút các dự án đầu tư có quy mô lớn, có hàm lượng công nghệ cao và bảo vệ môi trường. Tỉnh Kon Tum thực hiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút FDI, nhưng tỉnh yêu cầu các cơ quan tham mưu phải thận trọng chọn lọc các dự án chất lượng cao; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong thẩm định, giám sát các dự án để đảm bảo an toàn môi trường, tuân thủ đầy đủ các quy định về pháp luật môi trường. Đối với các dự án xây dựng nhà máy chế biến nông sản, lâm sản phải có công nghệ tiên tiến, theo quy chuẩn chung về nước thải công nghiệp, đảm bảo các chỉ tiêu kỹ thuật trước khi thải ra môi trường.

Đến nay, tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum có nhiều khởi sắc. Số lượng nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đăng ký đầu tư ngày càng tăng. Tính đến ngày 31/12/2017 đã có 213 dự án được cấp phép đầu tư, trong đó có 194 dự án đang còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 41.058 tỷ đồng. Tình hình thu hút đầu tư tại các khu kinh tế, khu công nghiệp cũng khả quan, hiện có có 84 dự án đầu tư. Trong đó, tại Khu công nghiệp Hòa Bình thu hút được 29 dự án với tổng vốn đăng ký 364.777 tỷ đồng; tại Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y có 55 dự án với tổng vốn đăng ký 881,74 tỷ đồng. Công tác quảng bá thông tin, xúc tiến đầu tư được đổi mới; hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch có nhiều khởi sắc; quan hệ hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh trong Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam được tăng cường trên nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, bước đầu, tỉnh Kon Tum đã thu hút dòng vốn đầu tư từ nước ngoài, đến nay đã có 08 dự án với tổng vốn đầu tư 1.535,240 tỷ đồng trên diện tích đất 65.548,2 ha, gồm: Dự án trồng rừng nguyên liệu phục vụ Nhà máy chế biến của Công ty TNHH cổ phần INNOVGREEN, Hồng Kông; Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau củ quả xứ lạnh xuất khẩu và Dự án trồng cây việt quất dưới tán rừng tại thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông của Công ty TNHH Kon Tum Bellest; Dự án Sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế của Công ty TNHH một thành viên Viet Natura và Ông Marc Binet; Dự án Trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế và kết hợp khu nghỉ dưỡng du lịch sinh thái cộng đồng và Dự án Trang trại hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế của Công ty TNHH BIOPHAP; Dự án sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái tại huyện Kon Plông của Công ty TNHH Kon Plong Agri-Tourism; Dự án Nhà máy cấp nước sạch thị trấn Đăk Tô của Công ty TNHH UTILITY WATER.

Tỉnh đã ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư và tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Kon Tum giai đoạn 2015 - 2020 về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gồm 17 dự án. Đồng thời, đã xây dựng thông tin cơ bản các dự án FDI làm tài liệu để quảng bá, giới thiệu, thu hút đầu tư.

 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 06/02/2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; chỉ đạo tiếp tục nâng cao trách nhiệm, thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 1828/CTr-UBND ngày 08/8/2016 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã thành lập Tổ hỗ trợ thủ tục đầu tư tỉnh; thiết lập và đưa vào vận hành hệ thống “Tiếp nhận, phản hồi kiến nghị của doanh nghiệp” trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; triển khai thực hiện Mô hình Quán cà phê “khơi nguồn khởi nghiệp”... Qua đó, đã kịp thời giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên địa bàn.

Công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư được đổi mới theo định hướng tăng cường liên kết, hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế về vị trí, điều kiện về tự nhiên của tỉnh. Việc tổ chức nhiều hội nghị và tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và ngoài nước đã góp phần định hướng cho công tác thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nghiên cứu cơ hội đầu tư, lựa chọn địa bàn, lĩnh vực, dự án đầu tư hiệu quả nhất...

Hiệu quả của việc thu hút đầu tư đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thể hiện rõ nét trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho người dân... Qua đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh… 

Trên cơ sở phân tích kết quả đạt được và những yếu kém tồn tại trong công tác thu hút đầu tư thời gian qua; tỉnh Kon Tum đã định hướng công tác này thời gian đến, đó là chú trọng hơn về chất, tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, gìn giữ môi trường sinh thái để tạo sự khác biệt trong tiến trình mời gọi, thu hút các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Úc, Thái Lan, ...đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh như du lịch, khách sạn, siêu thị, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến từ các sản phẩm nông nghiệp (mủ cao su, hạt cà phê, ...), gia súc, gia cầm, chú trọng đến những dự án bảo vệ môi trường…Lấy hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ làm trọng tâm để kêu gọi đầu tư nhằm giảm chi phí và tăng cơ hội tiếp cận thông tin, dự án đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc nâng cao chỉ số năng lực cạnh canh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, đa dạng hóa hình thức xúc tiến đầu tư; tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hoạt động đối ngoại, hợp tác với các cơ quan, tổ chức ngoại giao, kinh tế, thương mại.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV xác định: Thu hút đầu tư là một trong 3 khâu đột phá của tỉnh, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong phát triển kinh tế thời kỳ 2015 - 2020. Bám sát định hướng này, Báo Kon Tum tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, trong đó chú trọng phản ánh đậm nét công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh; cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh; các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; cung cấp cho các nhà đầu tư góc nhìn đa diện, tích cực về môi trường; các hoạt động liên quan đến quảng bá, xúc tiến đầu tư để góp phần tạo nên sức lan tỏa lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và mạnh dạn đầu tư vào Kon Tum...

Báo Kon Tum

Chuyên mục khác