Tạo đồng thuận từ sự khách quan, minh bạch

17/12/2018 15:38

​Những sai phạm liên quan đến triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, gây dư luận xã hội không tốt đã và đang được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý nghiêm và dứt điểm. Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là đảm bảo minh bạch, khách quan, tạo sự đồng thuận của nhân dân - ông Phạm Đức Hạnh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định tại cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Kon Tum...

Phóng viên: Thưa ông, trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến những tồn tại, bất cập trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, cụ thể là tuyến đường tránh thành phố Kon Tum và dự án đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 24. Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Phạm Đức Hạnh:

Trước hết, xin được nói rằng, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng là lĩnh vực phức tạp, luôn tiềm ẩn nhiều khó khăn và dễ phát sinh các tình huống có thể gây bất lợi đến tiến độ, chất lượng dự án. Để làm tốt công tác này đòi hỏi sự minh bạch, công tâm, chấp hành đúng quy định pháp luật của những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, cũng như sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, chia sẻ của người dân.

Dự án đường giao thông kết nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 24 này (gồm đường và cầu) có chiều dài đoạn tuyến xây dựng khoảng 10km, trong đó đoạn từ đường Hồ Chí Minh (khu vực phường Trần Hưng Đạo) đến đường Lý Thái Tổ (dài hơn 5,4km) và cầu vượt sông Đăk Bla (dài 305m) được đầu tư mới; đoạn từ đường Lý Thái Tổ đến điểm giao với Quốc lộ 24 (dài gần 5km) đi qua đường Nguyễn Huệ - Đào Duy Từ - Trần Văn Hai, giữ nguyên hiện trạng các tuyến đường.

Theo Quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (số 695/QĐ-UBND ngày 20/7/2017) của UBND tỉnh, tổng mức đầu tư cho dự án là 760,7 tỷ đồng, chủ yếu từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ (685 tỷ đồng), trong đó, chi phí (dự kiến) dành cho đền bù, giải phóng mặt bằng là 47 tỷ đồng.

Dự án đường bao khu dân cư phía nam thành phố Kon Tum (đoạn từ đường Hồ Chí Minh đến cầu treo Kon Klor) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 47/2013/QĐ-UBND ngày 12/11/2013; tổng mức đầu tư 236,76 tỷ đồng, do Ban quản lý các dự án 98 làm chủ đầu tư.

Khi các cơ quan chuyên môn đang triển khai thực hiện các bước của công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 2 dự án trên thì xảy ra tình trạng một số cá nhân cố tình xây dựng thêm hàng rào, giăng lưới, khoan giếng, làm nhà tạm và chuyển nhượng, cho thuê đất có dự án đi qua bất hợp pháp để trục lợi.

Đồng thời, UBND tỉnh cũng nhận được những thông tin về các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại 2 dự án trên.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng khẩn trương phối hợp kiểm tra, rà soát việc chấp hành các quy trình, quy định của pháp luật về công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng ở 2 dự án nêu trên.

 Qua kiểm tra nổi lên một số sai sót, bất cập, như: việc khảo sát, thu thập thông tin xây dựng giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường Nhà nước khi thu hồi đất không đầy đủ, thiếu chính xác (áp dụng giá đất khu dân cư cho đất nông nghiệp); thiếu đồng nhất trong phương pháp tính toán giá đất, nhưng không điều chỉnh kịp thời, dẫn đến giá đất cụ thể cao hơn so với thực tế thị trường.

Bên cạnh đó, các hạng mục trong bảng đơn giá nhà, công trình, vật kiến trúc do tỉnh ban hành chưa quy định cụ thể về quy cách, kích cỡ, kết cấu..., gây khó khăn cho quá trình áp dụng thực tế, tạo kẽ hở cho các đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi từ tiền bồi thường...

Về chủ quan, xuất hiện tình trạng số ít cán bộ, công chức các ngành, địa phương được giao nhiệm vụ, vì áp lực công việc, đã tác động, yêu cầu đơn vị tư vấn cung cấp thông tin thiếu chính xác về giá đất cụ thể với mong muốn giá bồi thường cao hơn để dễ giải phóng mặt bằng.

Phóng viên: Sau khi phát hiện, những sai sót, bất cập ấy đã được xử lý như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Đức Hạnh:

Cần phải khẳng định rằng, chúng ta đã phát hiện kịp thời các sai sót, bất cập trên trước khi triển khai, vì vậy chưa để xảy ra hậu quả kinh tế.

Ngay sau khi phát hiện những sai sót trên, Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 2 dự án nói trên.

Ngày 10/9/2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Kết luận thanh tra số 2557/KL-UBND chỉ rõ những sai phạm làm cho giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường cao hơn giá thực tế, cũng như việc xây dựng, áp dụng giá bồi thường tài sản trên đất chưa phù hợp..., dẫn đến tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tăng cao bất thường, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án, cản trở thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đồng thời, để chấn chỉnh, xử lý những sai phạm đã được chỉ ra tại Kết luận thanh tra số 2557/KL-UBND, UBND tỉnh đã quyết định hủy 2 quyết định phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường 2 dự án này; yêu cầu lập lại theo đúng quy định của pháp luật nhằm đảm bảo việc thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ minh bạch, đúng quy định.

Tiếp tục thanh tra 8 dự án khác trong khu vực lân cận 2 dự án trên, gồm dự án trụ sở làm việc Chi cục Thuế thành phố Kon Tum, dự án đường bao khu dân cư phía bắc thành phố Kon Tum, công trình Kho lưu trữ chuyên dụng tỉnh Kon Tum, dự án đường bao khu dân cư phía nam thành phố Kon Tum, Khu trung tâm hành chính (các sở, ban ngành trực thuộc tỉnh), dự án cầu qua sông Đăk Bla (từ phường Thắng Lợi đi xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), dự án cầu qua sông Đăk Bla (từ xã vinh Quang đi phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum), dự án đường và cầu từ Tỉnh lộ 671 đi Quốc lộ 14.

UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan tiến hành kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, trong đó chú trọng xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm; chỉ đạo cơ quan Công an tiến hành điều tra, xác minh và đề xuất biện pháp xử lý những tập thể cá nhân có biểu hiện móc nối, trục lợi, xúi giục người dân thực hiện các hành vi vi phạm nhằm trục lợi; đề nghị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên.

Như vậy có thể nói quan điểm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh là rất rõ ràng: xử lý nghiêm, kịp thời, sai đến đâu xử lý đến đấy nhằm đảm bảo minh bạch, khách quan, tạo sự đồng thuận của nhân dân

Phóng viên: Thưa ông, dư luận còn quan tâm rằng, liệu có giải pháp cụ thể nào sẽ được thực hiện trong thời gian tới để đảm bảo không xảy ra các sai phạm tương tự? 

Ông Phạm Đức Hạnh:

Đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất các công trình quan trọng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo đã thành lập Tổ giúp việc để theo dõi, tham mưu thực hiện nhiệm vụ đảm bảo đúng quy định, tránh sai sót.

Mặt khác, UBND tỉnh đang chỉ đạo tổ chức kiện toàn lại Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể cho phù hợp với yêu cầu thực tế; chỉ đạo việc xác định giá đất cụ thể phải đúng, chính xác, không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân, nhưng cũng không làm thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu xây dựng bảng giá đất; hệ số điều chỉnh giá đất; giá đất cụ thể; đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây trồng vật nuôi phù hợp với thực tế và đúng quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, thuyết phục nhân dân để tạo sự thống nhất, đồng thuận với chủ trương thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Hồng Lam (thực hiện)

Chuyên mục khác