Tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh

22/03/2019 13:02

Nước hợp vệ sinh là một nhu cầu cơ bản trong cuộc sống hàng ngày của mọi người và là đòi hỏi bức bách trong việc bảo vệ sức khỏe, cải thiện sinh hoạt cho người dân. Theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến nay, toàn tỉnh có trên 90% dân số đang sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

Bác sĩ Đặng Văn Điền - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Kon Plông cho biết, trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường, nên toàn huyện đã có 18.888 người dân sử dụng nước hợp vệ sinh, chiếm 72,7% tổng dân số trong huyện. Nhờ đó, các loại bệnh do nguồn nước bẩn gây nên đã giảm hẳn, đặc biệt là bệnh lây nhiễm ngoài da và các bệnh lây qua đường tiêu hóa.

Đối với huyện Đăk Hà, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết, từ tháng 11/2017 đến nay, Trung tâm triển khai Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn trên địa bàn 4 xã: Hà Mòn, Đăk La, Đăk Hring, Đăk Ui với mục đích nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn cải thiện hành vi vệ sinh cá nhân, tăng cường tỷ lệ được tiếp cận bền vững với nước sạch và vệ sinh nông thôn. Qua hơn 1 năm thực hiện, kết quả đã có 100% số trạm y tế có nước sạch, 90,625% hộ gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng và thực hiện “ăn chín, uống sôi”… Nhờ đó, các bệnh do nguồn nước và môi trường bẩn gây ra trên địa bàn đã giảm hẳn, góp phần nâng cao sức khỏe cộng đồng.

Kiểm tra vệ sinh giếng nước tại thôn Kon Jong, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà. Ảnh: T.V.P

 

Theo bác sĩ Đào Duy Khánh - Giám đốc Sở Y tế, nước sạch đóng vai trò rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, hiện nay, không phải ai cũng biết được tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch đối với đời sống và sức khỏe. Vì vậy, hàng năm, Sở đều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch, trong đó chú trọng đến các nội dung liên quan đến lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, Sở đã giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh làm đầu mối tổ chức thực hiện và báo cáo các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động chất lượng nước ăn uống và nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng, cũng như nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc sử dụng nước sạch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thường xuyên phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai các hoạt động như: tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế tuyến huyện và xã, các buổi truyền thông trực tiếp tại các thôn làng, các buổi họp thôn và giao lưu nói chuyện, các cuộc thi về chủ đề về nước sạch… nhằm thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến việc bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên nước nói chung và nguồn nước tại hộ gia đình nói riêng.

Bên cạnh đó, để thu hút được đông đảo người dân tham gia và tạo sự quan tâm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể về vấn đề nước sạch sử dụng và bảo quản nguồn nước sạch, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày kỷ niệm như: Ngày Nước thế giới (22/3), Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (29/4-6/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (2/7), Ngày Thế giới rửa tay với xà phòng (15/10), Ngày Nhà vệ sinh thế giới (19/11); phối hợp với các trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức các đợt kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cung cấp nước, các công trình cấp nước tự chảy và nguồn nước tự khai thác tại hộ gia đình..., qua đó, phát hiện những yếu tố nguy cơ có thể gây ô nhiễm nguồn nước và đề ra giải pháp khắc phục để trung tâm y tế các huyện, thành phố chỉ đạo các trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện.

Hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các trung tâm y tế huyện, thành phố tổ chức các đợt kiểm tra vệ sinh, lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở cung cấp nước và lấy mẫu ngẫu nhiên tại một số hộ gia đình trên địa bàn các huyện, thành phố.

Nhờ đó, trong những năm qua, tình hình sức khỏe cộng đồng có sự cải thiện. Cụ thể, trong năm 2018, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: tả, lỵ trực trùng, thương hàn không xảy ra và các bệnh truyền nhiễm khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó, bệnh lỵ Amibe giảm 40,2%, bệnh tiêu chảy giảm 4,8%, bệnh tay chân miệng giảm 38,1%...

Để tăng tỷ lệ người dân trong tỉnh sử dụng nguồn nước sạch, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chủ đề nước sạch bằng nhiều hình thức phong phú. Bên cạnh đó, ngành Y tế tỉnh sẽ tăng cường sự phối hợp với các báo, đài xây dựng và phát các tin, bài về chủ đề nước sạch để truyền tải đến từng gia đình, coi đó là một trong những cách tiếp cận hiệu quả đến từng người dân đang sinh sống trên địa bàn tỉnh.

Ngành Y tế tỉnh cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát vệ sinh, chất lượng nước tại các cơ sở cung cấp nước, các công trình cấp nước tự chảy, nguồn nước tự khai thác tại hộ gia đình theo định kỳ hoặc đột xuất khi nghi ngờ trường hợp không đảm bảo vệ sinh, chất lượng nước; kêu gọi sự quan tâm của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành trong việc đầu tư, xây dựng, hỗ trợ các công trình xử lý nước tập trung, các công trình tự chảy hoặc các bể xử lý hộ gia đình; khuyến cáo các đơn vị cấp nước cũng như người dân cần cải thiện việc cung cấp nước cả về số lượng và chất lượng, xử lý tốt nguồn nước ăn uống và sinh hoạt trước khi sử dụng...                  

Hà Nguyên

Chuyên mục khác