26/06/2020 13:03
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 bệnh viện tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 650 giường bệnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi có 225 giường bệnh, Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng có 180 giường bệnh và 10 trung tâm Y tế huyện, thành phố. Trong đó, có 8 bệnh viện huyện với 785 giường bệnh và 102 trạm y tế xã, phường, thị trấn với lượng chất thải y tế nguy hại phát sinh bình quân 278kg/ngày.
Trước đây, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành Y tế đã đầu tư lò đốt rác thải cho các bệnh viện tuyến tỉnh và các bệnh viện huyện để xử lý rác thải tại bệnh viện và cho các cơ sở y tế khác trên địa bàn. Nhưng từ năm 2017, tỉnh Kon Tum được Bộ Y tế đầu tư 2 cụm xử lý rác thải y tế nguy hại bằng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý (gọi là công nghệ vi sóng) tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi với tổng vốn đầu tư trên 23 tỷ đồng. Đây là công nghệ xử lý hiện đại do Pháp sản xuất được áp dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, không gây độc hại và thân thiện với môi trường. Sau một thời gian xây dựng, lắp đặt, vận hành thử, 2 cụm xử lý chất thải tập trung trên đã đi vào hoạt động để xử lý rác thải cho các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
|
Cụm xử lý tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi có công suất xử lý 200kg/ngày, đảm nhận xử lý chất thải y tế nguy hại thu gom từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, Tu Mơ Rông và Đăk Glei.
Cụm xử lý tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền - Phục hồi chức năng có công suất xử lý 400 kg/ngày, đảm nhận việc xử lý chất thải rắn y tế nguy hại thu gom từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập tại thành phố Kon Tum, cùng các cơ sở thuộc hệ dự phòng, Trường Cao đẳng cộng đồng, các trạm y tế xã, phường, các phòng khám y khoa, phòng xét nghiệm, Bệnh viện Quân y Tiểu đoàn 24, các phòng khám thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh và các huyện lân cận như Đăk Hà, Kon Rẫy, Kon Plông, Sa Thầy và Ia H’Drai.
Theo Bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng tỉnh, đối với chất thải rắn y tế, nếu không được phân loại, thu gom, quản lý và xử lý tốt sẽ là nguồn lây lan bệnh tật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe con người. Việc phát sinh các loại chất thải rắn y tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quy trình quản lý, loại hình cơ sở y tế, bệnh viện chuyên khoa, tỷ lệ các vật tư tái sử dụng được dùng trong hoạt động của bệnh viện và tỷ lệ bệnh nhân được chăm sóc và điều trị tại cơ sở trong ngày.
Việc thu gom chất thải y tế nguy hại để xử lý theo công nghệ vi sóng tại đây là chất thải y tế nguy hại lây nhiễm không sắc nhọn. Trường hợp nếu trong chất thải y tế có vật sắc, nhọn, cứng như kim loại với bất kỳ hình dạng và kích thước nào, chất thải hóa học nguy hiểm, kim loại nặng, chất phóng xạ, chất nổ, chất gây mê, chất dễ cháy, các bình áp suất, bình kín sẽ gây gãy bộ lưỡi dao và hư hại các thiết bị điện, cơ, cảm biến, khiến hệ thống không thể hoạt động được.
Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom. Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao cần phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.
Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế của hai cụm nói trên ít nhất là 1 lần/ngày. Đối với vận chuyển chất thải y tế, ngoài cụm xử lý trên cùng địa bàn huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, tần suất thu gom tiến hành 2 ngày/lần, sử dụng phương tiện xe ô tô có thùng chứa đáp ứng các tiêu chuẩn quy định của pháp luật. Đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các cơ sở khác phát sinh khối lượng chất thải y tế lớn, thực hiện thu gom 1 lần/ngày hoặc tùy theo khối lượng phát sinh và khả năng lưu giữ để thỏa thuận cùng với cụm để thống nhất.
Đối với thu gom tại các huyện, chất thải y tế của các cơ sở nhỏ như các phòng khám, trạm y tế, phòng khám tư nhân, phòng xét nghiệm sẽ tập trung về Trung tâm y tế huyện để lưu giữ, sử dụng phương tiện xe mô tô được trang bị thùng chứa chất thải y tế nguy hại đảm bảo các quy định của pháp luật. Định kỳ 2 ngày, các cụm xử lý chất thải y tế nguy hại sẽ tiến hành thu gom một lần, vận chuyện về cụm để xử lý.
Tất cả lượng chất thải y tế nguy hại sau khi phân loại được xử lý bằng thiết bị khử khuẩn sử dụng công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang xử lý. Ở nhiệt độ cao, chất thải y tế nguy hại đảm bảo được khử khuẩn, đạt quy chuẩn môi trường. Sau xử lý, chất thải giảm gần 70% thể tích và được đưa đi xử lý chung với chất thải rắn thông thường. Như vậy, bằng cách đưa công nghệ tiên tiến nhất vào xử lý chất thải y tế nguy hại giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với công nghệ đốt, ngoài ra không phát tán khói, bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường
Hàng ngày, 2 đơn vị này đều có xe chở rác chuyên dụng đi đến các cơ sở y tế để gom rác thải về khu tập kết và bảo quản ở nhiệt độ -100C trước khi đưa vào hệ thống xử lý. Sau khi được xử lý đảm bảo yêu cầu theo QCVN55:2013/BTNMT, chất thải có dạng bông tơi xốp, được công nhận là rác thải thông thường và Công ty Môi trường đô thị địa phương sẽ thu gom, vận chuyển và xử lý chung theo quy định. Công nghệ xử lý mới này còn giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí so với công nghệ đốt, không có khói, bụi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường.
Có thể nói, Bộ Y tế, ngành Y tế và tỉnh Kon Tum đã kịp thời triển khai đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất vào xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm tại địa phương góp phần làm sạch môi trường tại cơ sở y tế cũng như đem lại môi trường sống trong lành cho cộng đồng.
Thảo Nguyên