Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật vùng biên giới

09/11/2021 13:07

Thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021” trên khu vực biên giới (KVBG) tỉnh (viết tắt là đề án), trong 5 năm qua, Sở Tư pháp - thành viên Ban Chỉ đạo đề án của tỉnh - thực hiện nhiều hoạt động thuộc phạm vi quản lý và đạt được một số kết quả tích cực trong công tác PBGDPL cho cán bộ, nhân dân KVBG tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Y Hòa cho biết: Thực hiện Đề án, đơn vị tổ chức 13 hội nghị PBGDPL cho công chức tư pháp cấp huyện, tư pháp - hộ tịch cấp xã, hòa giải viên, cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh; tổ chức biên soạn, đăng tải đề cương giới thiệu các văn bản luật mới trên trang thông tin điện tử của ngành; biên soạn, cấp phát gần 130.000 loại tài liệu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, tờ gấp để cung cấp cho các ngành, địa phương trong tỉnh làm tài liệu tham khảo giúp người dân chủ động nghiên cứu, tìm hiểu, thực hiện đúng. Đồng thời, cập nhật thường xuyên, kịp thời nội dung các văn bản pháp luật mới, thiết thực với hàng trăm tin, bài viết trên trang thông tin điện tử của ngành, của tỉnh; bình quân phát hành 6 số bản tin phổ biến pháp luật với 6.600 cuốn/năm, 4 số tập san tư pháp với 2.800 cuốn/năm... góp phần nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, cũng như giải đáp thắc mắc các vấn đề pháp luật cho bạn đọc và cộng đồng, hướng mọi người “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.

Sở Tư pháp chú trọng công tác hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải tại các xã, huyện nghèo KVBG, qua đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, tạo thói quen xử sự theo pháp luật của người dân; đồng thời, chủ động phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, các xích mích, mâu thuẫn xảy ra tại cơ sở. Tính đến nay, toàn tỉnh có 759  tổ hòa giải, với 5.164 hòa giải viên là già làng, trưởng thôn, những người có uy tín khác trong cộng đồng dân cư và tương đối am hiểu pháp luật. Trong 5 năm qua, các tổ hòa giải thụ lý và tiến hành hòa giải 3.289 vụ việc; trong đó, hòa giải thành 2.928 vụ việc, đạt 89% và 361 vụ việc hòa giải không thành, đạt tỷ lệ 11%.

Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân vùng biên giới Ia H’Drai. Ảnh: H.N

 

Đồng thời, Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh tổ chức 95 đợt truyền thông lưu động về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các thôn, làng thuộc các xã nghèo và huyện nghèo của tỉnh với 10.372 người tham dự; tổ chức thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người DTTS thông qua các hình thức như: tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng, đảm bảo các hoạt động trợ giúp pháp lý được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Kết quả, từ năm 2017 đến nay, Sở đã tư vấn pháp luật 901 vụ, tham gia tố tụng 311 vụ, đại diện ngoài tố tụng 1 vụ. Sở còn duy trì việc phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tổ chức tư vấn pháp luật qua sóng phát thanh bằng tiếng Ba Na và tiếng Xơ Đăng, mỗi tuần một chương trình từ 7-10 phút phát vào tối thứ Bảy và sáng Chủ nhật hàng tuần.

Ngoài ra, Sở Tư pháp còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh biên soạn tài liệu và cử báo cáo viên pháp luật tham gia báo cáo tại 10 hội nghị phổ biến pháp luật tại các huyện (Đăk Glei, Kon Plông, Ngọc Hồi, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum) với hơn 640 đại biểu là người có uy tín trong đồng bào DTTS tham gia; đồng thời,  giao lưu, đối thoại PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS, biên giới về các nội dung liên quan đến Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch liên quan về các quy định kết hôn có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, về chọn dân tộc, quốc tịch khi đăng ký khai sinh và các quy định xử phạt về tảo hôn, tác hại của tảo hôn, sức khỏe vị thành niên và thanh niên...

Đặc biệt, Sở Tư pháp phối hợp với Ban Chỉ đạo đề án tỉnh ban hành các kế hoạch, văn bản triển khai thực hiện đề án theo giai đoạn, hàng năm và tổ chức triển khai thực hiện; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn PBGDPL cho các đối tượng là tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ, người có uy tín tại cộng đồng dân cư các xã biên giới; phối hợp tổ chức triển khai cuộc thi viết tìm hiểu quy định về KVBG cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng trong Bộ đội Biên phòng tỉnh và cán bộ, nhân dân 13 xã biên giới. Đồng thời, tham gia đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo đề án tỉnh kiểm tra công tác tổ chức thực hiện đề án tại một số xã, đồn biên phòng theo yêu cầu đề án đề ra.

Với những nỗ lực trong việc tăng cường PBGDPL, đến nay, nhận thức, ý thức chấp hành và thực thi pháp luật của các tầng lớp nhân dân địa bàn KVBG tỉnh được nâng lên đáng kể, nhất là tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện tốt các quy định của pháp luật. 

Hà Nguyên

Chuyên mục khác