Tăng cường giáo dục nghề nghiệp: Giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”

12/09/2017 07:02

“Thừa thầy, thiếu thợ” là câu chuyện kéo dài nhiều năm ở nước ta. Thực tế mỗi năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không có việc làm và con số này cứ tăng lên hàng năm. Và theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2017, dự báo sẽ có khoảng trên 200.000 cử nhân thất nghiệp…

Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính vẫn là tính sĩ diện và tâm lý sính bằng cấp của xã hội. Đa số phụ huynh cũng như học sinh đều cho rằng, chỉ có vào đại học hoặc ít nhất là cao đẳng thì mới có tương lai, mới mát mặt cha mẹ, họ hàng, không bị bạn bè, đồng nghiệp dị nghị, coi thường...

Thực tế nhiều năm qua, người lao động tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên nghiệp có tỷ lệ thất nghiệp luôn cao hơn nhóm lao động khác. Thống kê từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho thấy, quý 1 năm 2017, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, trong đó, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm gần 25%. Rất nhiều cử nhân mới ra trường hoặc đã tốt nghiệp nhiều năm vẫn không tìm được việc làm, gây lãng phí lớn cho gia đình và xã hội.

 Ngay trên địa bàn thành phố Kon Tum, không hiếm cử nhân tốt nghiệp đã 3-4 năm nhưng vẫn chưa kiếm được việc làm, hoặc đang chật vật mưu sinh bằng những công việc tạm bợ kiếm sống qua ngày; có những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường có tiếng trong nước cũng đành chấp nhận làm các công việc trái với ngành nghề đào tạo, không yêu cầu trình độ cao. Chẳng nói đâu xa, cô bé gần nhà tôi, tốt nghiệp loại giỏi ở Trường Đại học Kinh tế- Đại học Đà Nẵng từ năm 2013. Hồ hởi về lại Kon Tum, cháu nộp hồ sơ thi tuyển vào mấy cơ quan có liên quan đến ngành nghề đào tạo nhưng không đạt, vì quá ít chỉ tiêu. Không muốn “ăn bám” cha mẹ, cháu đành tạm xin vào bán hàng ở đại lý sữa Vinamilk, đợi cơ hội kiếm công việc khác. Vậy mà hơn 4 năm trôi qua, cháu vẫn chưa tìm được công việc phù hợp. Mệt mỏi, cháu đã từ bỏ ý định và chấp nhận gắn bó với công việc bán hàng, mặc dù thu nhập không cao nhưng cũng tự lo được cho bản thân…

Số sinh viên ra trường không có việc làm tăng lên hàng năm là bài học nhãn tiền. Vậy nhưng, hàng năm, chỉ có khoảng 10% học sinh đăng ký học nghề, số còn lại đều đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Và nghịch lý “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn tồn tại một cách dai dẳng...

Nhằm góp phần tích cực vào việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, qua đó giải quyết hài hoà bài toán “thầy- thợ” đang tồn tại hiện nay, từ ngày 21/8, Tổng cục dạy nghề (thuộc Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã chính thức đổi tên thành Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Tên gọi mới “Giáo dục nghề nghiệp” thể hiện tư duy và cách làm mới, đó là quan tâm nhiều hơn tới vai trò của sư phạm giáo dục toàn diện và công tác hướng nghiệp cho người lao động, chứ không đơn thuần là trang bị kiến thức tay nghề.

Được biết, năm 2017 cũng là năm đầu tiên thực hiện tuyển sinh trung cấp, cao đẳng theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, năm 2017, cả nước tuyển sinh 2,2 triệu người, trong đó: trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 ngàn người; trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng là 1,66 triệu người (hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Quyết định 1956/QĐ-TTg là 600 ngàn người, trong đó hỗ trợ dạy nghề cho người khuyết tật cho khoảng 20 ngàn người). Cũng trong năm 2017, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp sẽ tổ chức thi tốt nghiệp theo các trình độ đào tạo cho trên 1,9 triệu người, trong đó: cao đẳng, trung cấp khoảng 450 ngàn người; sơ cấp và dưới 3 tháng gần 1,5 triệu người…

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyển sinh theo kế hoạch đã đề ra, mới đây, Bộ LĐ-TB&XH đã đề nghị UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng năm 2017 tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, đạt mục tiêu trên 500 ngàn người.

Hiện cả nước có gần 500 trường cao đẳng, trung cấp nghề, gần 1000 trung tâm dạy nghề và hàng ngàn cơ sở giáo dục đào tạo, doanh nghiệp khác tham gia dạy nghề. Hầu hết các tỉnh/thành đã có các trường đào tạo nghề. Nhiều trường nghề mở với quy mô đào tạo rất lớn và hiện đại để đáp ứng nhu cầu học tập, phù hợp với thực tiễn xã hội hiện nay. Nhiều trường nghề đã xây dựng cam kết với học sinh khi tốt nghiệp sẽ có việc làm. Thậm chí có trường đã khẳng định sẽ trả lại học phí nếu không tìm được việc làm đúng ngành...

Tuy nhiên, để các trường nghề tuyển sinh đạt chỉ tiêu, từng bước giải bài toán “thừa thầy, thiếu thợ”, ngoài việc triển khai thực hiện tốt công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề; cung cấp thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động theo từng ngành, nghề và trình độ đào tạo để định hướng cho người học và xã hội có sự lựa chọn ngành, nghề phù hợp; phổ biến kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người học nghề, thì điều thiết yếu và quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của phụ huynh và học sinh, xóa bỏ tâm lý sính bằng cấp đã ăn sâu bám rễ bấy lâu nay trong xã hội.

                                Hoàng Thúy

Chuyên mục khác