Tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn

29/09/2023 06:02

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn tăng cường công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, tạo ra nguồn lực lao động qua đào tạo nghề và có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển “tam nông” (nông nghiệp, nông thôn và nông dân), góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn tỉnh, hàng năm UBND các huyện, thành phố tổ chức khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp, nhu cầu học nghề của người dân trên địa bàn. Từ đó, đánh giá nhu cầu đào tạo hiện tại cũng như tương lai của người học; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, đặt hàng, giao nhiệm vụ các cơ sở GDNN, trung tâm GDNN-GDTX tuyển sinh đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng các ngành, nghề phù hợp với định hướng và cơ hội có việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội  chủ động phối hợp các sở ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 45/2023/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 “về đơn giá dịch vụ công trong lĩnh vực GDNN sử dụng ngân sách nhà nước cho 20 nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng trên địa bàn tỉnh”, làm cơ sở để các cơ sở dạy nghề thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Về kinh phí đào tạo nghề, năm 2022, ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh Kon Tum 37,546 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 21,483 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 16,063 tỷ đồng. Đối với vốn đầu tư phát triển, đã phân bổ 21,438 tỷ đồng cho Trường Cao đẳng Kon Tum thực hiện dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề; nguồn vốn sự nghiệp phân bổ cho các huyện, thành phố để tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn. Năm 2023, ngân sách Trung ương phân bổ 42,944 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 16,71 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 26,234 tỷ đồng. Đối với vốn sự nghiệp, UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thành phố thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề theo kế hoạch.

Dạy nghề kỹ thuật khai thác mủ cao su cho lao động nông thôn ở huyện Ia H’Drai. Ảnh: QĐ

 

Ông A Kang- Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong 2 năm (2022-2023), công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được những kết quả tích cực. Từ năm 2022 đến nay, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 11.798 lao động, trong đó chủ yếu các nghề nông nghiệp, thời gian đào tạo dưới 3 tháng, phần lớn học viên là đồng bào DTTS.

Cụ thể, năm 2022, đào tạo nghề cho 7.027 người (trình độ cao đẳng 193 sinh viên, trình độ trung cấp 473 học sinh, trình độ sơ cấp 3.748 học sinh, trình độ dưới 3 tháng 2.633 học viên). Trong năm 2023, tính đến tháng 8/2023 đã đào tạo nghề cho 4.195 người (trình độ cao đẳng 219 sinh viên, trình độ trung cấp 464 học viên, trình độ sơ cấp 1.937 học viên, trình độ dưới 3 tháng 1.575 học viên).

Đáng chú ý, lao động nông thôn tham gia học nghề trình độ sơ cấp dưới 3 tháng chủ yếu người DTTS (chiếm tỷ lệ trên 90% trong tổng số người học nghề), trình độ văn hóa thấp, chưa có kỹ năng nghề nghiệp, chủ yếu là lao động theo kinh nghiệm giản đơn và hầu như chưa có kiến thức về khoa học kỹ thuật.

Ngành nghề đào tạo hệ cao đẳng và trung cấp gồm: Dịch vụ pháp lý; kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính; quản trị mạng; thiết kế đồ họa; kỹ thuật chế tạo thiết bị cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện - điện tử; công nghệ ô tô; dược; điều dưỡng; du lịch; công tác xã hội; lâm sinh. Ngoài ra, còn đào tạo nghề nề cốt thép; hàn điện; nề hoàn thiện; vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp. Bên cạnh đó, còn thực hiện đào tạo 4 nghề trọng điểm cấp quốc gia là nghề trồng trọt; kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy vi tính; chế tạo thiết bị cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử. 

Dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp cho lao động nông thôn ở huyện Đăk Hà. Ảnh: QĐ

 

Các trung tâm GDNN-GDTX ở các huyện thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn và liên kết đào tạo hệ trung cấp nghề cho người DTTS các ngành nghề như: mộc dân dụng; điện dân dụng; kỹ thuật trồng nấm; hàn điện; sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp; chăn nuôi, thú y; trồng trọt; dệt thổ cẩm; đan lát; bảo vệ thực vật..., bình quân mỗi năm dạy nghề khoảng 3.300 học viên.

Thời gian tới, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công tác phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu của Kế hoạch này là hỗ trợ đào tạo, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp để trở thành lực lượng chính trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội vùng nghèo, vùng đồng bào DTTS, với chỉ tiêu đào tạo nghề cho 14.800 lao động nông thôn làm nông nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; bình quân đào tạo khoảng 3.700 người/năm.               

Quang Định

Chuyên mục khác