Tận tụy “gieo chữ”

19/11/2021 06:09

Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), mỗi thế hệ chúng ta đều nhớ, biết ơn sâu sắc đến những người thầy, người cô đã vất vả, tận tâm, tận tụy bồi đắp kiến thức cho các thế hệ. Ở mảnh đất Đăk Tô anh hùng, đội ngũ người thầy, người cô ấy đang nỗ lực hết mình, tận tâm ươm mầm cho những ước mơ của học sinh vùng khó bay xa.

Được sự giới thiệu của thầy Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đăk Tô, tôi tìm về Trường Mầm non Hoa Phượng (xã Kon Đào). Đón tôi ngay cổng trường, cô giáo Nguyễn Thị Hóa- Hiệu trưởng nhà trường niềm nở: Trường hiện có 35 cán bộ, giáo viên, nhân viên với 370 học sinh (hơn 70% là học sinh DTTS) được chia thành 14 nhóm lớp. Trường có 4 điểm trường (1điểm trường chính và 3 điểm trường lẻ).

Cô Nguyễn Thị Hóa đưa chúng tôi đến điểm trường Kon Đào1. Tại đây, tôi bắt gặp hình ảnh cô giáo Y Sô Lai cùng một giáo viên khác phụ trách nhóm lớp 4 tuổi với 25 học sinh. Hai cô cầm tay, cẩn thận uốn nắn, hướng dẫn các cháu cách cầm cây bút màu, nắn nót từng đường tô. Hết tô màu, Y Sô Lai lại hướng dẫn các cháu cách nhận biết các đồ vật. Những việc làm tỉ mỉ ấy được cô Y Sô Lai làm bằng cả trái tim và tình thương con trẻ.

Một giờ học tại lớp của cô Y Sô Lai. Ảnh: VP

 

Năm 2005, tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum, Y Sô Lai nhận công tác tại xã Đăk Trăm. Giảng dạy tại đây được 5 năm, đến năm 2010, Y Sô Lai được điều chuyển về dạy tại xã Kon Đào nhằm tăng cường giáo viên dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS và công tác tại Trường Mầm non Hoa Phượng cho đến nay. Là giáo viên người DTTS (dân tộc Gia Rai) nên Y Sô Lai có lợi thế hiểu ngôn ngữ, hiểu học sinh DTTS. Vì vậy, suốt 16 năm giảng dạy, cô giáo Y Sô Lai luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo sự lôi cuốn, thu hút học sinh đến trường và hăng say học tập.

Cô Y Sô Lai chia sẻ: Việc dạy học sinh mầm non rất vất vả, bởi các con như tờ giấy trắng, chưa biết gì và rất hiếu động nên việc làm sao cho các con nghe lời, giữ trật tự cũng rất khó khăn chứ chưa nói đến việc học tập. Vì thế, để làm được điều đó, mình phải hiểu, chân tình và thương trẻ thực sự để trẻ cảm nhận được, nghe lời, làm theo.

“Để thu hút học sinh, tôi đã thiết kế video, giáo án điện tử cách nhận biết các đồ dùng, hiện vật gần gũi với đồng bào DTTS gửi cho phụ huynh học sinh để cho các cháu xem, học tập…điều đó giúp các học sinh hăng chịu khó học tập hơn”- cô Lai chia sẻ. 

Rời Kon Đào, tôi tìm đến Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Tân Cảnh) để gặp cô giáo Cao Thị Hà khối trưởng khối 4. Cô giáo Hà đã có thâm niên 13 năm trong nghề; 3 năm đầu tiên cô giáo Hà dạy ở xã Đăk Rơ Ông (huyện Tu Mơ Rông), đến năm 2011, cô chuyển công tác ra Đăk Tô và khi trường được thành lập, cô Hà được điều về Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc.

Cô Cao Thị Hà tận tâm truyền dạy kiến thức cho học sinh. Ảnh: VP

 

Suốt ngần ấy năm công tác, cô Hà đã đi khắp các thôn làng trên địa bàn, đặc biệt là thôn Đăk Ri Pen, Đăk Ri Jốp để vận động học sinh đến trường. Nhờ sự tận tâm, trách nhiệm, học sinh đến trường đều đặn hơn, góp phần duy trì sĩ số. Cùng với việc làm tốt công tác vận động, duy trì sĩ số, cô Hà cũng tích cực học tập, tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng đã góp phần cùng nhà trường hàng năm có tỷ lệ học sinh khá giỏi chiếm hơn 50% tổng số học sinh trong trường.

Tương tự, cô giáo Mạc Thị Thoan- Tổ trưởng tổ Văn- Sử Trường THCS 24/4 xã Tân Cảnh cũng là một trong những tấm gương giáo viên tận tụy, luôn hết lòng vì sự nghiệp trồng người. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, cô Thoan đến với Đăk Tô và công tác tại Trường Tiểu học-THCS xã Pô Cô. Hàng ngày, cô Thoan đạp xe hơn chục cây số để đến trường. Khi ấy, 100% các em là người đồng bào DTTS, còn rụt rè, nhút nhát và chưa có điều kiện về học tập nên cô thường xuyên đến tận nhà vận động học sinh ra lớp. Với sự nỗ lực, cùng niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề, nên đã “truyền lửa” cho các em và học sinh đã mạnh dạn, chuyên cần hơn. Đến năm 2006, cô Hà được luân chuyển về Trường THCS 24/4 công tác cho đến nay.  

Cô Thoan chia sẻ: Trong hơn 22 năm công tác, tôi nhận thấy, người thầy cần phải có tri thức, có năng lực và phẩm chất, phải “hết lòng” với nghề, mang bầu nhiệt huyết để phụng sự cho sự nghiệp trồng người, có vậy thì mới thành công. Bản thân tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác luôn tích cực trau dồi chuyên môn, nỗ lực nghiên cứu có nhiều sáng kiến kiến kinh nghiệm, thiết kế những bài giảng hay…để nâng cao chất lượng dạy học.

Với sự tận tâm, tận tụy của các đội ngũ giáo viên như cô Hà, cô Lai, cô Thoan và toàn thể cán bộ giáo viên trong ngành, chất lượng giáo dục ở Đăk Tô ngày một nâng cao và là một trong những địa phương có nhiều học sinh giỏi trong các kì thi trong tỉnh và quốc gia.

Văn Phương

Chuyên mục khác